(TuanVietNam)-Chuyện tầng lớp giàu có mới nổi của Trung Quốc tỏ ý rất mến chuộng các sản phẩm xa xỉ như túi xách Pháp nhập khẩu hay xe hơi thể thao Italia, và lớn hơn là họ họ chuộng cách làm sao trưng hết cỡ sự giàu có ấy đã khiến nhà cầm quyền đau đầu.
Bất mãn xã hội ngày càng gia tăng sau ba thập niên tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Các quan chức giờ đây nói về sự giàu có bền vững là việc phân phát một cách công bằng hơn, và làm thế nào để giảm bớt cách khoe giàu.
Xe hơi dát vàng thể hiện giàu có |
Khi kinh tế toàn cầu sụt giảm, còn Trung Quốc thì cố gắng chuyển sang mô hình tăng trưởng hướng nhiều hơn về tiêu dùng, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh coi hàng hoá xa xỉ là nguồn thu béo bở. Rất nhiều người Trung Quốc mua các sản phẩm xa xỉ ở Hong Kong hay ở nước ngoài để tránh các mức thuế cao trong nước, vì thế quan chức nội địa đang tranh luận về biện pháp giảm thuế nhằm khuyến khích người tiêu dùng đến với các cửa hiệu trong nước.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc lại khá miễn cưỡng thực thi những biện pháp mới để hỗ trợ một phần dân số có thể đủ tiền mua được chiếc túi Hermes mới hay loại Ferrari cáu cạnh. Theo báo chí và các nhà phân tích Trung Quốc, họ trì hoãn mọi quyết định cắt giảm thuế hàng xa xỉ.
“Chính phủ đang đối mặt với một cuộc xung đột", Michael Ouyang, đại diện Hiệp hội Thế giới cao cấp tại Trung Quốc nói. “Họ không muốn thúc đẩy hàng xa xỉ vì họ lo bởi phản ứng của những người không có đủ khả năng sở hữu khi nhìn thấy những mẫu quảng cáo. Nhưng họ lại không muốn hạn chế các sản phẩm này vì nó tốt cho nền kinh tế. Vì thế họ đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan".
Chính phủ Trung Quốc cũng gặp khó trong việc ngăn cản những người giàu có khoe của
Gần đây xã hội Trung Quốc xôn xao về một cô gái 20 tuổi tự xưng là "Bé em Quách Mỹ Mỹ". Cô Quách đã trở thành hiện tượng trên Internet ở Trung Quốc và làm dấy lên một vụ bê bối quốc gia khi cô tự đăng tải những hình ảnh của mình trên mạng với bộ sưu tập các túi xách Hermes, chiếc xe hơi thể thao màu trắng Maserati mà cô gọi là "chú ngựa nhỏ" và chiếc Lamborghini màu cam của bạn trại gọi là "chú bò nhỏ".
Một doanh nhân trong ban giám đốc một công ty có liên hệ với Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc đã phải từ chức sau khi rộ lên tin đồn rằng bạn gái anh ta sử dụng tiền từ thiện để sống xa xỉ. Báo chí nhà nước Trung Quốc cho hay, Vương Quân đã từ chức sau khi bạn gái là Quách Mỹ Mỹ bị cáo buộc dùng tiền từ thiện để thỏa cơn khát mua sắm. Quách khẳng định trên blog của mình rằng cô là “giám đốc thương mại” của Hội Chữ Thập Đỏ và không ngại ngần khoe khoang tài sản. Tuy nhiên, Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc khẳng định Quách không có liên quan tới gì tới tổ chức từ thiện này. Phát ngôn viên của hội, ông Martin Faller, cho hay những tin đồn, bắt đầu xuất hiện trên mạng về “nghi án” lạm dụng tiền từ thiện, là không có cơ sở.
Vụ việc gây bất mãn lớn trong dân chúng với những tình nghi ban đầu cho rằng, cô có liên quan tới quỹ từ thiện lớn nhất của Trung Quốc. Nhưng rất nhiều người nói rằng, đây là "scandal Quách Mỹ Mỹ" khi câu chuyện trở nên nổi tiếng. Nó phản ánh khía cạnh khá phổ biến nhưng không mấy tích cực ở Trung Quốc - đó là lao theo làm giàu, đó là tầng lớp siêu giàu mới khoe của cải họ có như thế nào.
“Mọi người thích trưng của cải của mình", Dương Tô - người có cửa hiệu gọi là Vogue 2 chuyên về túi xách hàng hiệu cũ, cho biết. “Tiêu dùng sản phẩm xa xỉ đã tăng rất nhanh, nó nằm ngoài sức tưởng tượng của bất cứ ai". Trong cửa hiệu của Dương, các loại túi Hermes trở nên phổ bisn hơn nhãn hiệu Louis Vuitton chỉ vì một lý do đơn giản: Nó đắt tiền hơn.
Giàu có là thước đo vị thế xã hội
Vào lúc châu Âu và Mỹ vẫn đang vật lộn với sự trì trệ kinh tế, Trung Quốc nổi lên trở thành thị trường hàng đầu dài hạn cho các sản phẩm cao cấp. Năm ngoái, người Trung Quốc mua 12 tỉ USD hàng hoá xa xỉ (theo thống kê của Bộ Thương mại). Còn theo hãng tư vấn quản lý McKinsey & Co.thì, Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 20% toàn bộ tiêu thụ hàng xa xỉ toàn cầu vào năm 2015.
Trong năm nay, Bentley đã bán được nhiều xe ở Trung Quốc hơn là ở Anh, Trung Quốc chiếm khoảng 25 lượng tiêu thụ của hãng. Mercedes-Benz trong tháng 7 đã mở một studio thiết kế mới ở Bắc Kinh. Theo Hiệp hội Thế giới cao cấp, thị trường cho các sản phẩm cao cấp ở Trung Quốc tăng 20% trong năm ngoái và không có dấu hiệu chậm lại. “Ở Trung Quốc, sức mua chỉ tăng mạnh hơn", Ouyang nói. “Chúng tôi là quốc gia duy nhất nơi tiêu thụ hàng hoá cao cấp chỉ gia tăng theo mỗi năm".
Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng khoe giàu là một vấn đề phức tạp, có nguồn gốc từ cuộc vật lộn lâu dài của Trung Quốc với đói nghèo và lạc hậu, tạo ra cảm giác sở hữu tài sản đắt tiền đồng nghĩa với tiến lên một vị thế xã hội cao hơn. “Khoe khoang của cải cho thấy, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc chưa lâu, tâm lý tiêu dùng của xã hội Trung Quốc chưa trưởng thành", Hồ Hưng Đậu, giáo sư kinh tế học tại Viện Công nghệ Bắc Kinh nói. "Ở Trung Quốc, giàu có là tiêu chuẩn duy nhất để đo địa vị xã hội. Mọi người hy vọng thể hiện đẳng cấp xã hội bằng những nhãn hiệu xa xỉ".
Nhiều người trong số khoe giàu thường trẻ tuổi, là con cái của những cha mẹ giàu có gọi là "thế hệ hai giàu có" hoặc những cô gái trẻ có bạn trai, có người bảo trợ giàu có. “Họ muốn người khác ngưỡng mộ họ" Ouyang nói về hiện tượng Quách Mỹ Mỹ. “Họ muốn mọi người biết người khác yêu quý họ thế nào, chăm sóc họ ra sao. Lý do sâu xa của hiện tượng khoe giàu ở Trung Quốc là cảm nhận rằng, hàng hoá xa xỉ sẽ củng cố lòng tự tin cá nhân", Ouyang nhấn mạnh. “Nếu bạn mặc đồ hàng hiệu, hay mang chiếc túi xách thời thượng, mọi người sẽ ngưỡng mộ bạn hơn. Người phục vụ sẽ phục vụ tốt hơn...Nếu bạn đi mua sắm hay ăn trưa, một chiếc túi Hermes sẽ giống như tấm thẻ nhận dạng của bạn - nó thực sự là tấm thẻ rất quan trọng".
Giàu có và phù phiếm
Trên những trang blog phổ biến, nhiều người ở Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi, liệu "tín ngưỡng tôn thờ giàu có" của nước này đã đi quá xa.
Ví dụ, một giáo sư tại Đại học Bắc Kinh danh tiếng gần đây bị chỉ trích nặng nề vì sử dụng blog cá nhân để nói với các sinh viên cũ của mình rằng, họ sẽ không được đến thăm ông nếu họ không kiếm được ít nhất 6 triệu USD vào lúc họ 40 tuổi.
Một triệu phú ở tỉnh Sơn Tây cũng gây nên làn sóng bất mãn sau khi có cuốn video ghi lại cảnh người bảo vệ ở khu lăng mộ nhà Thanh nói với vị triệu phú rằng, lăng mộ ngầm không mở cửa cho công chúng. Vị này đã ném tiền vào người bảo vệ, đòi đi vào trong và lớn tiếng khẳng định có đủ tiền để mua những lăng mộ cổ.
Tuy nhiên, không phải tất cả tín đồ hàng xa xỉ đều cố khoe của. Trương Yến, trợ lý bán hàng 30 tuổi ở một khu mua sắm sầm uất có vài chiếc túi hàng hiệu và đặc biệt thích Louis Vuitton. Nhưng khi cô đi làm việc, cô chỉ mang chiếc túi xách đơn giản bởi vì nó không gây sự chú ý. “Một số đồng nghiệp của tôi không có túi xách cao cấp", Trương nói. "Vì thế tôi không muốn trưng chiếc Louis Vuitton hay thứ gì đó tương tự".
Ngay cả Quách cũng thừa nhận có lẽ cô đã đi quá xa. Trong buổi trả lời phỏng vấn trên truyền hình đầu tiên sau vụ bê bối, Quách ngồi cạnh mẹ, và nói, khi tới Bắc Kinh để học diễn xuất, cô trở nên "phù phiếm". Quách có vẻ căng thẳng thừa nhận, chỉ hai trong số các túi Hermes của cô là hàng chính hiệu.
Thuỵ Phương (theo washingtonpost)