6 tháng trôi qua kể từ sau trận động đất, sóng thần kinh hoàng xảy ra ngày 11/3/2011, Nhật Bản - một quốc gia kiên cường - tiếp tục nỗ lực tái thiết để bước vào kỷ nguyên mới.

Gần đây, một tạp chí Nhật Bản tuyên bố rằng sau sáu thập kỷ, "sengo" Nhật Bản đã được thay thế bằng "saigo" Nhật Bản, có nghĩa là kỷ nguyên hậu chiến tranh đang chuyển thành kỷ nguyên hậu thảm họa. So sánh tổn thất trong Thế chiến II với thảm họa 11/3 có vẻ là điều phóng đại. Nhưng thực tế, sau nửa năm hứng chịu động đất sóng thần với con số hơn 15.700 người chết và hơn 4.100 người mất tích, Nhật Bản vẫn phải vật lộn để khắc phục tình trạng đảo lộn, gián đoạn về chính trị, kinh tế và xã hội.

 Người dân Nhật nỗ lực vượt khó. Ảnh: Daily Motion
"7 lần gục ngã, 8 lần vươn dậy" là câu cửa miệng của người Nhật Bản để nói về sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Quả thực, quá trình tái thiết ở đất nước Mặt trời mọc đã đạt được tiến bộ đáng kể sau khi hơn nửa triệu người rơi vào cảnh không nhà cửa vì động đất hồi tháng 3. Phần lớn người dân sống trong các trung tâm sơ tán đã được chuyển tới các căn nhà tạm. Những đống đổ nát nay được dọn dẹp gọn gàng. Trường học và sở cảnh sát dần hoạt động bình thường, siêu thị và trạm xăng xuất hiện trở lại...

Tuy nhiên, có những thay đổi thật đau đớn. Động đất, sóng thần tấn công vào khu vực tập trung nhiều người cao tuổi nhất và dân cư chủ yếu sống nhờ nghề nông. Trước thảm họa 11/3, Nhật Bản đã lún sâu vào nợ công nên không có đủ nguồn lực để phục hồi hoàn toàn những gì bị phá hủy. Quyết tâm tái thiết của các doanh nghiệp nhỏ và lãnh đạo địa phương đã chứng tỏ sức mạnh của người dân, tương phản với sự lúng túng của bộ máy hành chính quan liêu.

Vật cản nợ nần

Sau trận sóng thần quét qua thành phố biển Higashimatsushima, Satoshi Abe vĩnh viễn mất vợ con và không còn kế sinh nhai. Ban đầu, người nông dân 33 tuổi này chỉ nghĩ tới việc tự vẫn. Nhưng vì không muốn người thân trên thiên đường chứng kiến tình cảnh khốn khổ của mình, Abe đã gắng sống trọn vẹn mỗi ngày.

Tuy nhiên, Abe nhanh chóng đối mặt với khó khăn mới: món tiền vay nợ khổng lồ. Mặc dù số nợ đã lên tới 390.000 USD, Abe vẫn cần vay thêm 260.000 USD để sửa chữa căn nhà kính trồng rau quả bị vỡ nát, cùng với những mảnh đất trồng lúa, cà chua, dưa chuột bị ngập mặn.

Chính phủ đang đề nghị tài trợ cho từng nhóm nhỏ nông dân sử dụng chung một khu vực nhà kính trồng rau quả, theo đó Abe sẽ có được thu nhập trung bình. Các quan chức cũng có thể xem xét khả năng tài chính của Abe trong vòng 6 tháng để quyết định miễn nợ cho Abe, đồng thời cho phép Abe vay thêm tiền mua đất và nông cụ.

Một người phụ nữ bật khóc trước căn nhà đổ nát. Ảnh: AP
Nhưng chính sự quan liêu buộc Abe đứng trước lựa chọn khó khăn. Nếu tham gia nhóm nông dân trên, thu nhập của Abe sẽ khiến cơ hội được miễn nợ của anh ta giảm đi. Còn nếu trông chờ được miễn nợ, Abe lại mất cơ hội làm ăn ở khu nhà kính chung. "Mặc dù chúng tôi là nạn nhân của thảm họa và chẳng còn thứ gì trong tay, song các điều kiện của chính quyền là quá nghiêm ngặt. Tôi muốn vươn về phía trước, nhưng mỗi bước đi của tôi thật nhỏ bé" - Abe tâm sự.

Giống như Abe, nợ nần cũng là tình cảnh khó khăn của nhiều nông dân, ngư dân, người buôn bán tạp phẩm, chủ hộ gia đình trong vùng động đất. Khoảng 20.000 người đang đứng trước nguy cơ phá sản vì vừa phải trả nợ tồn đọng, vừa phải vay nợ mới. Cơ quan tài chính Nhật Bản ước tính các cá nhân, công ty chịu ảnh hưởng của động đất, sóng thần chưa giải quyết xong số nợ trị giá hơn 7 tỷ USD.

Nhật Bản thừa nhận vấn đề "nợ chồng nợ" của người dân và đang tìm cách giải quyết. Chính phủ đưa ra các chương trình khuyến khích chủ nợ xem xét xóa nợ cho các cá nhân như Abe, tuyên bố sớm mua nợ tồn đọng từ các công ty nhỏ có khả năng phục hồi.

Cuộc tái thiết "tiến thoái lưỡng nan"

Khi sóng thần ập vào thành phố biển Rikuzentakata, bệnh nhân và người nhà phải trèo lên nóc bệnh viện Takata. Eiko Tada cùng người chồng Ryojiro Tada bị liệt đã qua đêm ngoài trời, vật lộn để duy trì sự sống. Sáng hôm sau, trực thăng giải cứu họ cùng một số người khác.

Những ngày này, Ryojiro Tada - 65 tuổi - lại nằm viện ở tỉnh Iwate. Không ai biết liệu rằng bệnh viện có được xây dựng lại ở thành phố Rikuzentaka hay không, cho dù hơn 1/3 trong số 23.000 dân của thành phố này là những người già trên 65 tuổi.

Kiểm tra nhiễm xạ cho người dân. Ảnh: Realnewsreporter
Hideki Otsuki - một quan chức y tế ở Iwate, nơi có 6 bệnh viện bị tàn phá vì động đất - cho biết họ phải nghĩ kỹ xem có cần thiết xây dựng lại cả 6 bệnh viện hay không. "Người dân muốn mọi thứ như xưa nhưng đâu có đơn giản" - ông Otsuki nói.

Nhật Bản đang đứng trước nhiều quyết định khó khăn liên quan tới việc tái thiết. Chính phủ ước tính thiệt hại từ sự hư hại của cầu cống, cảng biển, đường sắt, trường học, bệnh viện… lên tới hơn 100 tỷ USD. Nhưng với gánh nặng nợ công, Nhật Bản không thể dễ dàng đổ tiền cho những dự án lớn nhằm đưa các cộng đồng tái hòa nhập.

Giới chức cấp cao Nhật Bản đã bắt đầu triển khai những ý tưởng nhằm đưa khu vực hứng chịu sóng thần trở thành "miền đất tốt đẹp" của năng lượng tái sinh và của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự thay đổi chính trị cũng dẫn tới thay đổi chính sách. Tân Thủ tướng Yoshihiko Noda không ủng hộ lời kêu gọi giải trừ hạt nhân và muốn tái khởi động các lò phản ứng. Ông ủng hộ việc đẩy nhanh tái thiết gắn liền với tăng thuế và cắt giảm chi tiêu.

Sống cùng phóng xạ

Tomoko Akiha - 39 tuổi - không sử dụng nước ở vòi để pha trà kể từ khi nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi cách nơi cô ở 35 dặm rò rỉ phóng xạ sau động đất. Cô cũng không giặt giũ bên ngoài hay ăn rau quả trong vườn.

Các quan chức ở thành phố Date, quê hương của Tomoko Akiha, cho biết cấp độ phóng xạ ở khu vực lân cận cao hơn mức bình thường nhưng không ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, Akiha - mẹ của hai đứa trẻ - không tin điều này.

Akia lưu ý rằng chính phủ vẫn yêu cầu người dân súc miệng sau khi ra ngoài đường hoặc làm sạch thú nuôi trước khi mua bán chúng. Trường học thì vẫn tiến hành đo phóng xạ cho học sinh. "Đấy là môi trường bình thường ư? Sao họ có thể cho rằng chúng tôi an toàn?" - Akia hỏi vặn.

Với mức phóng xạ cao gấp 75 lần so với trước kia, nỗi lo nhiễm phóng xạ lan rộng ở Date, thành phố có 67.000 dân. Lo lắng cũng bao trùm từ Fukushima cho tới Tokyo. Thông tin về việc thịt bò trong các siêu thị bị nhiễm xạ khiến toàn thể người dân Nhật Bản hoảng sợ.

Chính phủ Nhật Bản cho biết đang đo phóng xạ trong khu vực bán kính 62 dặm xung quanh nhà máy hạt nhân để quyết định nơi nào cần sơ tán. Cơ quan chức năng cũng đang kiểm tra thực phẩm có khả năng nhiễm xạ và vạch kế hoạch khử nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi những nỗ lực này bởi chứng kiến tiến độ thực hiện chậm trễ.

Những lời than phiền của công dân buộc chính quyền Nhật Bản phải tìm cách giảm độ phóng xạ cho phép trong các trường học, cơ quan địa phương nhằm đẩy nhanh việc khử nhiễm độc. Một số người còn ngăn cản việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân.

Jiro Yamaguchi - nhà khoa học chính trị tại Đại học Hokkaido cho rằng đối với thế hệ người Nhật Bản hiện nay, sự thức tỉnh trong vấn đề hạt nhân là điển hình của mối liên hệ rất mới mẻ với chính trị.

V.Giang (theo The WSJ, Japan Times Online)