"Biển xanh, cát trắng...vắng nàng/ Để anh, để sóng, để nắng vàng - quạnh hiu", "Lão Đại uý" bỗng trổ tài thi phú.

Còn với chiến sỹ thì đương nhiên là vẫn cười vui, hò reo nổ trời. Có anh sĩ quan tâm sự: "15 năm công tác ở đây, giờ mới có một buổi tối nhiều nghệ sỹ có tiếng, và vui đến vậy."

Kỳ 1: Cam Ranh ngày trở về

Biển xanh, cát trắng.., vắng nàng

Khác với đêm đầu, chúng tôi có mặt tại Lữ đoàn 196 từ 4 giờ chiều. Số là tại địa điểm của Lữ đoàn tàu ngầm này có bãi biển rất đẹp, đẹp nhất Việt Nam, theo lời giới thiệu của lãnh đạo lữ đoàn. Và toàn bộ anh chị em chúng tôi cùng các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ được mời đến "tắm thân mật", trước giờ diễn.

Ngồi trên xe, "Lão Đại uý" mấy lần ra lệnh cho anh chị em khi ra biển phải lột bằng được quần áo của "Lão Nhà báo", mà mọi người đặt cho cái biệt danh "Người Việt trầm lặng".

Chả là, "Lão Đại uý" vẫn thấy bực mình khi "Lão Nhà báo", cho tới giờ phút đó, vẫn "án binh bất động", không tham gia bất cứ trò vui nào, từ hát hò đến nhảy nhót. Ai hỏi thì trả lời nhát gừng, chứ ít khi chủ động bắt chuyện. Đã thế ánh mắt của lão dường như không bỏ qua bất cứ cử chỉ nào của mọi người, và đôi tai của lão luôn cố lắng nghe hết mọi câu chuyện.

"Không thể chấp nhận được cái trò thằng chơi - thằng ngó này được. Tao hô một tiếng là mấy đứa lao vào tụt quần nhé", "Lão Đại uý" dõng dạc tuyên bố.

Thế nhưng, ra đến bãi biển, "Lão Đại uý" dường như quên mất mệnh lệnh của mình. Lão là người đầu tiên lao xuống biển.

Bãi biển đẹp quá! Hai mũi đất cao tầm cỡ ngọn đồi kéo dài ra biển đã biến khu vực này thành một cái vịnh nhỏ xinh xinh. Biển xanh, cát trắng, nắng vàng - đẹp không thể tả được.

Đây là khu quân sự, dân thường không dám bén mảng vào, nên bãi biển vắng hoe, chỉ có chúng tôi và một số người nhà sỹ quan xuống tắm. Có khoảng mươi chú lính trẻ đứng từ xa quan sát những bộ đồ bơi một mảnh, hai mảnh, đủ màu sắc.

Nhìn dòng nước, chúng tôi biết rằng khu vực biển này thực ra cũng chẳng hiền lành như vẻ bề ngoài của nó, chẳng biết chừng sẽ có xoáy nước, nên chỉ quanh quẩn gần bờ.

Sóng to nên cả hội tranh thủ nhảy sóng, và tiếng cười khanh khách, trong trẻo của các em trong đoàn đã kéo các chú lính trẻ xuống gần hơn với mép nước. Một vài chú còn đánh bạo ra đứng cạnh chị em, rồi nhờ đồng ngũ lấy điện thoại di động chụp cho vài "pô" làm kỷ niệm.

Từ dưới nước, "Lão Đại uý" bỗng trổ tài thi phú của mình, nói vọng lên:

"Biển xanh, cát trắng...vắng nàng,

Để anh, để sóng, để nắng vàng - quạnh hiu"

Rồi hoàng hôn buông xuống rất nhanh. Chúng tôi vội vàng lên tráng nước ngọt, và tranh thủ ăn vội vang bữa tối cho kịp giờ biểu diễn.

Đêm diễn thứ hai này không đông khán giả như đêm đầu, chỉ khoảng 200 sĩ quan chiến sĩ và người nhà họ. Bởi, do đặc thù chiến đấu, quân số Lữ đoàn 196 không đông.

Chương trình vẫn chạy như cũ, ngoài hai khác biệt nho nhỏ. Thứ nhất, các các cô gái của đoàn doanh nghiệp đã quen hơn với ánh đèn sân khấu nên múa hát nhuần nhuyễn và bốc lửa hơn hẳn. Thứ hai, anh Chí Trung đảo một vở kịch so với buổi hôm trước để những người trong đoàn đỡ thấy nhàm chán.

Hãy lại đây với anh. Ảnh: Trần Hùng


Tôi hiểu, tôi đã đúng khi quyết định mang "Đời cười" vào đây. Sống ở trên đời người ta cần tiếng cười lắm. Nhất là những người lính luôn phải căng cặp mắt cảnh giác nhìn ra biển xa.

Nhưng điều đặc biệt nhất đêm đó lại nằm ở đằng sau buổi biểu diễn, khi cả đoàn lại được mời dự bữa cháo gà - rượu xương gà.

Bữa tiệc vui vẻ đó được khởi động bằng màn chụp ảnh lưu niệm. Hiệp gà, Chí Trung, Đức Khuê..., rồi các ca sĩ - vũ công amateur, nhưng cực kỳ bốc lửa, là những nhân vật được các sĩ quan chiến sĩ hải quân kéo ra chụp ảnh kỷ niệm nhiều nhất. À, mà quên, cả Giáo sư Xoay nữa chứ. Làm sao mà thiếu được "người nổi tiếng" này!

Cụng ly một lúc, xem chừng hơi men đã bốc lên, chúng tôi mang đàn ra hát hò ầm ỹ. Ở bàn bên cạnh, đoàn trưởng Chí Trung dường như sợ "kém miếng" liền rủ thêm Sỹ Tiến, Đức Khuê, nhiếp ảnh gia Trần Hùng và một vị chỉ huy lữ đoàn, cùng đứng lên hát chay bài "Năm anh em trên một chiếc xe tăng".

Cái "lão béo" này đến chỗ Hải quân mà chẳng chịu học bài hát nào về lính biển cả. "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" mà lao ra biển thì... thà hát bài "My heart will go on" trong "Titanic" còn hợp hơn, tôi cười thầm.

Cuộc hát hò cũng kéo dài khá lâu. Bởi hôm đó, khi cả đoàn mò ra tới "CLB Thuỷ thủ" ở Nha Trang, đồng hồ đã chỉ 2 giờ sáng, trước giờ đóng cửa một tiếng. Chạy gần 40 chục cây số ra đây chỉ để "lắc mông, dậm chân" có non một tiếng đồng hồ chả bõ ra mồ hôi, anh chị em phàn nàn.

Có lẽ cũng vì lý do đó, chúng tôi quyết định đêm hôm sau "ta về ta tắm ao ta", tức là đốt lửa nhảy nhót trên bãi biển trước Nhà khách.

Đêm diễn ngoài trời và lửa trại trên bãi biển

Sáng hôm sau, "Lão Đại úy" nổi hứng kéo cả đoàn vào lại Nha Trang ăn hải sản. Tiện xe, chúng tôi ghé đón thêm 4 người nữa thuộc Công ty Phần mềm FPT (F-soft) mang theo quà của cán bộ nhân viên công ty vào tặng chiến sỹ Cam Ranh.

Sau một hồi tìm lòng vòng tìm kiếm ở Nha Trang, cuối cùng chúng tôi cũng đón được họ, với một lượng quà tặng to tới mấy mét khối, gồm đủ bóng đá, bóng chuyền, vợt cầu lông, đầu DVD, băng đĩa, sách báo...

Đưa được hết đống đồ đó lên xe cũng mệt phờ râu trê. Gần 2 giờ chiều cả đội mới kéo nhau đi ăn.

Một miếng lúc đói..., mà lại là miếng hải sản tươi, thì nhớ vô cùng. "Lão Đại uý" hứng chí lại "đổi gu", không vodka nữa, mà gọi whiskey. Tiếng chạm cốc lanh canh, câu chuyện thì rào rào. Nhà hàng phải mang ra tới chai thứ ba.

Chỉ có mỗi một em trong đoàn tên là Vui, thì lại thấy ngồi im, nước mắt nước mũi đầm đìa. Cứ tưởng buồn tình, hỏi ra mới biết bị cảm. "Lão Đại uý", với vẻ mặt đầy cảm thông, thốt lên: "Khổ thân em quá, Vui ơi là Vui."

Cả bọn phá lên cười. Vui cũng bật cười theo, Vui bớt buồn một tí.

Trước khi về lại Cam Ranh, chúng tôi còn ghé qua chợ mua hải sản tươi sống chuẩn bị cho đêm lửa trại.

Khác với hai đêm trước diễn cho "lính trên bờ", tối hôm đó, chúng tôi sẽ diễn cho lính đảo, thuộc Lữ đoàn 146 (Lữ đoàn Trường Sa), mới về cách đó hai hôm. Trời thương lính đảo hay sao ấy mà trong xanh không ngờ, và buổi biểu diễn được tiến hành ngoài trời.

Trước giờ biểu diễn, ở phía bên dưới, chiến sỹ đã phấn khích lắm rồi, cười nói xôn xao. Thậm chí, chỗ nọ chỗ kia các chú lính trẻ đã đứng lên lắc theo nhạc, khiến đồng chí phụ trách tuyên huấn phải bước lên trước micro nhắc nhở "qui chế xem biểu diễn nghệ thuật".

Quả như dự đoán, lính đảo dạn dày hơn hẳn. Tiết mục liên khúc mở màn của các cô gái trong đoàn đã "bốc" khác thường, bởi sự góp sức của vũ đoàn "Trường Sa'. Các chú lính trẻ nhảy lên khiêu vũ cùng các cô gái. Thế rồi, tất cả lại đứng thành một vòng thưởng thức những vũ điệu "hip-hop" của một vài "tay chơi" trong số họ. Mọi người chúng tôi bất giác lại nhớ về đêm văn nghệ trên đảo Trường Sa Lớn ngày nào.

Bốn vở kịch diễn ra trong tiếng vỗ tay, và hò reo rộn ràng. Mỗi câu hài hước của nghệ sỹ trên sân khấu lại được đáp lại bằng những tràng cười rộ lên, thậm chí cả những tiếng nói đế vào. Tôi nhìn xuống, và thấy mọi ánh mắt đều háo hức theo dõi, như không muốn bỏ sót một tình tiết nào trong từng vở kịch.

Đêm lửa trại trên bãi biển. Ảnh: Trần Hùng

Đêm diễn khép lại, ánh trăng đã vằng vặc trên đầu... Sau màn cháo gà khuya, như thường lệ, chúng tôi nhanh chóng lên xe về chuẩn bị cho một suất diễn mới mà chúng tôi vừa là diễn viên, vừa là khán giả.

Tôi đã năn nỉ NS Kim Oanh và NS Đức Khuê ở lại tham gia đêm lửa trại với chúng tôi. Họ rất dễ hoà đồng, lại uống rượu hết mình nữa. Nhưng đến phút cuối, lúc xe chuyển bánh, cả hai lại nói lời xin lỗi, bởi "cái ông Chí Trung, trông bên ngoài dễ dãi thế thôi, nhưng liên quan tới kỷ luật, 'hắc xì dầu' còn hơn cả mẹ chồng".

Hai xe chia tay nhau, và mỗi xe mỗi hướng. Ánh trăng vẫn vằng vặc trên đầu...

Về đến Nhà khách, cả đoàn nhanh chóng thay đổi trang phục, rồi kéo nhau ra biển. Các thùng hải sản và rượu được kéo ra. Đàn đóm, máy phát nhạc cũng được chuẩn bị sẵn sàng. Anh chị em chia nhau đi khắp bờ biển gom thân gỗ, và củi khô bị sóng đánh dạt vào bãi cát để chuẩn bị nhóm lửa trại.

Trong ánh lửa bập bùng, nhạc nổi lên. Chị em thì hí húi nướng hải sản, anh em thì người rót rượu, người cời than. Nhiếp ảnh gia Trần Hùng lấy cái đèn flash, mua tận Quảng Châu, buộc vào một cái cọc để chị em nướng tôm, nướng ốc... khỏi cháy.

"Lão đại úy", vốn hiếu động, bỗng thấy "thừa chân thừa tay" liền rủ mấy anh em nhao xuống biển tắm.

Dưới ánh trăng vằng vặc, biển đêm đẹp quá, trong sáng quá. Mấy anh em chúng tôi, không ai bảo ai, đều cởi quần bơi, và thả nổi người theo sóng. Nước biển êm ái mơn man làn da Việt...

Mấy ai có được cảm giác sướng như chúng tôi lúc đó, tôi mỉm cười một mình.

"Lão đại úy" còn truyền kinh nghiệm rằng cứ say rượu thì cứ việc lấy hơi lặn ngủm xuống nước, một lúc ngoi lên, tự nhiên sẽ đỡ. Anh em ai nấy đều lâng lâng vì những chén rượu uống với cán bộ Lữ đoàn 146 nên đều làm thử. Đúng là tỉnh hẳn.

Thùng 12 chai Vodka Nga, hai lần chưng hai lần cất, mà "Lão Đại uý" mang theo còn lại 5 chai, và chúng tôi cắm tất cả vào thùng nước đá.

Từng con ốc, con tôm nướng, được cời ra khỏi than hồng, và những tiếng xuýt xoa cứ thay nhau vang lên. Chúng tôi phải vừa thổi, vừa ăn mà. Cắn một miếng hải sản, chiêu một ngụm vodka. Các cô gái cũng chẳng từ chối những ly rượu mà anh em chúng tôi mời. Đời thế mà vui đáo để...

Tiếng đàn bập bùng vang lên bên bếp lửa. Đầu tiên là tôi chơi, sau đến Hưng "Dao Phay". Chơi mỏi tay thì bật máy hát lên...

Thế là có được một bức ảnh với người đẹp làm kỷ niệm. Ảnh: Huỳnh Phan

Rồi chúng tôi nằm dài trên bãi cát ngắm trăng, đầu gối lên một thân cây gỗ. Cát mịn chạm vào da thịt thấy cũng xốn xang...

Được một lúc rượu ngấm, mấy anh chị em lại kéo nhau nhảy xuống biển để chống say. Hiệu nghiệm lắm, không tin cứ hỏi "Lão nhà báo". Đêm hôm đó, lão mò xuống biển ba lần, bốn lượt.

Khoảng 4 giờ sáng, chúng tôi lục tục trở về Nhà khách. Nghe nói, mấy cô em mơ mộng như Hà Gin, Đài Trang, hay Trâm Anh, còn nán lại để đón bình minh trên biển.

Tham quan chiến hạm mới

Chợp mắt được vài tiếng, chúng tôi lại bị dựng dậy. Bởi buổi sáng hôm đó là một buổi sáng đặc biệt. Sau một thời gian vất vả liên hệ, chúng tôi đã được phép vào thăm Quân cảng Cam Ranh, với lý do là thăm lại chiếc tầu HQ936 đã đưa chúng tôi ra Trường Sa 4 tháng về trước.

Kỳ thực, chúng tôi còn "âm mưu" được tận mắt ngó hai chiếc chiến hạm mới mà Hải quân vừa tậu về.

Chúng tôi vào Quân cảng trong sự phấn khích của cả đoàn. Trừ "Lão Nhà báo" mặt buồn thiu, khi nghe "Lão Đại uý" phổ biến trên xe là tất cả phải để máy ảnh ở lại. "No photo", giọng "Lão Đại uý" kiên quyết như giọng một sĩ quan báo chí.

Tôi biết tỏng là "Lão nhà báo" đi theo chúng tôi lần này là chỉ rình phỏng vấn các chú lính đảo mới trở về đất liền, và chụp mấy con tàu mới nhận này thôi. Nghe tin là chúng tôi không được ra chứng kiến cảnh tàu chở lính Trường Sa cập bến là mặt lão đã buồn xo, nay lại không được chụp ảnh tàu, không thất vọng mới lạ. Chẳng biết rồi khi về lão sẽ viết gì đây, tôi chợt cám cảnh cho cái thân già của lão.

Những chiếc tầu to như những khu chung cư đậu bên cầu tầu khiến những ai lần đầu nhìn thấy không khỏi choáng ngợp. Tôi đã đến Quân cảng rồi nên đỡ ngỡ ngàng hơn. Thậm chí, tôi còn đem chút kiến thức đã biết để giới thiệu đâu là tầu phóng lôi, đâu là tầu tên lửa, và đương nhiên là không thể thiếu 2 chiếc chiến hạm khổng lồ mang tên Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ.

Cả đoàn mắt tròn mắt dẹy nhìn tôi đầy thán phục. Giáo sư có  khác, chắc họ nghĩ vậy.

Đón chúng tôi là anh Hùng "Tầu tấn công". Có vẻ như đoán được "âm mưu" của chúng tôi, nên sau khi ghé thăm thủy thủ đoàn HQ936, các anh cũng cho phép chúng tôi cũng được đến cầu tầu để ngắm nhìn 2 chiến hạm mới của Hải quân Việt Nam.

Không được lên tầu, chúng tôi chỉ đứng dưới ngửa cổ mà ngó lên. Vì 2 chiếc chiến hạn đỗ sát cầu tầu nên ai cũng cố nhoài người ra sờ tay một cái vào thành chiến hạm, để về còn có thứ mà "chém gió".

Mấy cô gái thì tai lại giỏng lên khi anh Hùng "Tàu tấn công" giới thiệu về chùm đại bác gắn trên tàu, bắn một phút đâu được 4 ngàn phát. Miệng cứ xuýt xoa liên tục.

Háo hức chờ đợi phút mở màn. Ảnh: Huỳnh Phan

Bữa cơm trưa ở BTL Vùng 4

Nghe tin chúng tôi đến biểu diễn cho lính hải quân, lãnh đạo vùng 4, và đích thân Phó tư lệnh Hải quân đã cho làm cơm trưa mời cả đoàn.

Hôm đó, thư thả thời gian nên cũng rất vui. Tuy không có màn hát hò, nhưng câu chuyện rất rôm rả. "Lão nhà báo" được "bồi thường thiệt hại" bằng một suất ngồi cùng với NS Đức Khuê. Trông mặt lão tươi hẳn lên.

Trưởng đoàn Nhà hát Tuổi trẻ hôm đó cũng uống hết mình, bởi còn cả buổi chiều để nghỉ ngơi cho "giã rượu". Nghe "Lão nhà báo" kể lại, bác "béo" thấy bác gái Ngọc Huyền "lừ" kinh quá, liền quay sang giới thiệu với mấy anh lãnh đạo Hải quân: "Ồ, nhà em uống rượu hay lắm, lì lắm. Các bác chúc nhà em vài ly đi."

Thế rồi, bác "béo' bước vội sang bên mâm chúng tôi, miệng đon đả: "Anh em vất vả mấy hôm rồi, mà bây giờ mới có thời gian cụng ly để cám ơn anh em. Thất lễ quá, thất lễ quá..."

Một cái liếc đuôi mắt dài phải cỡ dăm mét từ phía NS Ngọc Huyền, vẫn theo lời "Lão Nhà báo", trước khi chị cũng đon đả: "Vâng, em xin thay mặt nhà em chúc sức khoẻ các anh."

Tối hôm đó diễn ra bình thường. Cũng hài kịch, cũng hát hò, cũng vỗ tay, hò reo, và cũng cháo gà khuya... Chỉ có rượu là khác, rượu quê nút lá chuối, chứ không phải vodka.

Đêm hôm đó, anh em lại kéo ra bãi biển, với hai thùng rượu vang mà "Hải Hung" vừa mang tới buổi sáng. Nhưng tôi và "Lão Đại uý" không tham gia.

Tôi thực sự quá mệt, và buồn nữa. Sắp phải chia tay rồi...

"Lão đại úy" thì ốm, ốm thật. Năm mươi tuổi rồi, sức vóc sao bì được bọn trẻ đôi mươi, mà...  "đánh đu". Không ốm mới lạ.

Nói vậy thôi, chứ nhìn ông anh đeo cặp kính lão lục tung túi tìm thuốc uống, tôi tự nhiên thấy nao cả lòng. Đó là hình ảnh của mình sau 20 năm nữa đây, tôi chợt thở dài.

Tôi đắp thêm cho ông anh một cái chăn nữa, rồi ra ban công ngồi. Thi thoảng, tiếng ho sù sụ từng tràng lại từ trong phòng lại vẳng ra, hoà với tiếng côn trùng râm ran bên dưới...

Sáng hôm sau, cả đoàn dậy sớm để chia tay nhau. Xe của nhóm HCM đi đầu tiên, anh em ở lại đứng trên sảnh vẫy tay chào, lòng buồn mênh mang...

"Lão Đại úy" cùng 3 người nữa ra sân bay để bay về Sài Gòn. Tôi và 4 bạn nhân viên F-Soft lên xe Uat vào Nha Trang. Các bạn tranh thủ đi chơi mấy bữa trước khi về lại Hà Nội.

Còn tôi về khách sạn của đoàn anh Chí Trung. Chúng tôi vẫn còn 2 đêm diễn nữa ở Nha Trang và Vinpearl để "hòa vốn" cho chuyến công tác này.

Kỳ 3: Gặp gỡ Cam Ranh

Đinh Tiến Dũng