Người đời vẫn nói ai sống đời hạnh phúc thật sự thì chỉ đến lúc từ giã cõi đời mới biết rõ. Sống được đời quí trọng, yêu thương, ra đi nhẹ nhàng, thanh thản những đời tiếc, người thương mới thực sự là hạnh phúc.

LTS: NSƯT Trần Trung Nhàn, một tay máy gạo cội, người thầy của nhiều nhà quay phim Việt Nam vừa ra đi. Tuần Việt Nam xin giới thiệu đôi nét về ông qua góc nhìn của một trong những người học trò thành đạt của ông, đạo diễn Phạm Hoàng Nam.


15h20 ngày 19/9, trời Hà nội đang nắng chuyển xám xịt và mưa dông trước một tin buồn và sốc với không những nhiều thế hệ học trò quay phim mà còn cho cả toàn nghành điện ảnh Việt nam: Thày Trần Trung Nhàn đã ra đi!

Người đời vẫn nói ai sống đời hạnh phúc thật sự thì chỉ đến lúc từ giã cõi đời mới biết rõ. Sống được đời quí trọng, yêu thương, ra đi nhẹ nhàng , thanh thản những đời tiếc, người thương mới thực sự là hạnh phúc. Thày của chúng tôi là người như vậy.

Từ lớp quay phim điện ảnh khóa 1 đến nay, không đếm hết được bao nhiêu thế hệ quay phim đã ra lò, thành nghề và nổi danh dưới bàn tay dạy dỗ của thày Nhàn: những Phạm Việt Thanh, Lê Hoàng, Đinh Anh Dũng, Quốc Thành, Nguyễn Thước, Hoàng Tấn Phát...của khóa một, Trần Huy Hoan (Hoan tươi), Lý Thái Dũng, Nguyễn Đức Việt,...khóa 2 cho đến Trần Hùng (Hùng quít) và Phạm Quang Minh (Minh già), Trịnh Quang Tùng (Tùng già)...sau này, những thế hệ chiếm lĩnh bao nhiêu giải thưởng trong và ngoài nước nhưng đều trở nên trẻ thơ, nhỏ bé và khiêm nhường bên cạnh bóng thầy.

Nổi tiếng là người nghiêm khắc nhưng thày luôn độ lượng và chân thành với học trò. Trách nhiệm, niền đam mê và sự kỹ tính của thày đã khiến chúng tôi, những học trò ngỗ nghịch, quậy phá, cá tính trở nên biết nghiêm túc và trân trọng nghề nghiệp của mình.

Thày dạy chúng tôi biết chắt chiu từng giọt nắng, biết yêu từng vệt ánh sáng và trân trọng từng thước phim, từng khuôn hình.

Ngoài đời, sau bục giảng, thày là người chú, người anh, người bạn tri kỷ, nơi có thể gửi gắm mọi tâm sự và sẻ chia cuộc sống thường nhật.

Như người nông dân cần mẫn reo hạt, những mầm cây từ tay thầy dải khắp các hãng phim và đài truyền hình từ Bắc chí Nam, lan nhanh, mọc thẳng và đã cho ra những vụ mùa thành quả đáng tự hào.

Cứ có dịp là tụi quay phim chúng tôi lại tụ tập ở nhà thầy, căn nhà vườn ấm áp và mộc mạc bên hồ Tây để nhâm nhi chén rượu như một điểm hẹn và cô Phượng vợ thầy cùng những đứa con giỏi và ngoan đã trở thành người thân thuộc  với chúng tôi như trong gia đình mình.

NSƯT Trần Trung Nhàn

Hôm nay, đám quay phim chúng tôi lại quây quần ở đây chưa bao giờ đông đến như thế, uống vẫn  ly rượu thuốc đó nhưng sao cay và quá trống vắng vì thiếu bóng thầy. Không còn bao giờ nhìn thấy điếu thuốc luôn thường trực trên ngón tay ám khói vàng, chẳng còn dõi theo được cặp mắt nheo nheo vì khói dưới vành mũ nồi mùa đông và vầng trán rộng mùa hè cùng giọng nói ôn tồn nhẹ nhàng nhưng đầy mạnh mẽ.

Cả đám  chúng tôi cùng lặng lẽ mỗi người một việc chuẩn bị lễ tang và thực hiện nguyện vọng của thày: Một bức hình chân dung đen trắng với nụ cười đôn hậu, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ do Huy Voi chụp trên phim trường Đêm hội Long Trì ngày nào và tấm băng rôn đen trắng với dòng chữ giản dị:" Vô cùng thương tiếc nhà giáo, nhà quay phim Trần Trung Nhàn"

Thày được phong là nghệ sĩ ưu tú nhưng không bao giờ muốn chữ đó gắn theo tên mình một cách chủ đích, vì thầy hiểu cả cuộc đời làm nghệ thuật, cố phấn đấu cho hai chữ "nghệ sĩ" đích thực thôi đã là khó khăn và vinh dự thế nào. Với thầy thì những thế hệ học trò thành công gắn với hai chữ "nhà giáo" là đủ, còn "nhà quay phim" đơn giản là thể hiện chức danh nghề nghiệp của mình.

Sống không bon chen và mộc mạc, thác thanh thản và nhẹ nhàng, dấu bệnh tật hiểm nghèo đến phút cuối để lạc quan, để tránh phiền lụy đến cuộc đời và giảm thiểu những cuộc viếng thăm ồn ào.

Thầy Nhàn của chúng tôi lặng lẽ ra đi để lại những ước mơ và dư định dang dở cho chúng tôi, những đứa trẻ học trò quay phim luôn mong có dịp để tụ quanh thầy..., nhưng chẳng còn dịp nào nữa!

Nghề cầm máy luôn cứng rắn mà sao thấy lòng chợt quá yếu mềm trước nỗi đau và nhớ!

Nhà quay phim NSƯT - Trần Trung Nhàn đã đột ngột ra đi lúc 15g30 ngày 19-9 tại Hà Nội sau một cơn bạo bệnh.

Sinh thời ông được biết đến là một trong những nhà quay phim có số lượng tác phẩm nhiều nhất ở Việt Nam, trong đó có nhiều tác phẩm xuất sắc gắn liền với những thời khắc huy hoàng không chỉ của ngành điện ảnh mà của lịch sử dân tộc.

Năm 1975, cùng với nhà quay phim Trần Khánh Dư, ông tiến vào Sài Gòn theo đoàn quân giải phóng để thực hiện phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông - bộ phim nhựa màu màn ảnh rộng đầu tiên của điện ảnh Việt Nam kể về thời khắc hân hoan khi nước nhà hoàn toàn thống nhất.

Là nhà quay phim tốt nghiệp Trường Điện ảnh quốc gia Liên Xô (VGIK), ông từng ghi dấu ấn đậm nét trong các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Tội lỗi cuối cùng, Đứa con nuôi (giải quay phim xuất sắc nhất Liên hoan phim quốc gia lần 5, năm 1980), Đêm hội Long Trì (giải quay phim xuất sắc nhất Liên hoan phim quốc gia lần 9, năm 1990). Ông còn là đạo diễn các phim Hồi ức tình yêu, Trưởng ban dân số, Sông Hồng reo...

NSƯT Trần Trung Nhàn cũng là một nhà sư phạm mẫu mực được sinh viên yêu quý và kính trọng vì tinh thần cẩn trọng, nghiêm khắc trong các bài giảng về nghề nghiệp nhưng đôn hậu trong đời thường. Rất nhiều nhà quay phim Việt Nam từng được NSƯT Trần Trung Nhàn đào tạo. Ông bắt đầu công việc giảng dạy từ những năm 1976. Nhiều học trò của NSƯT Trần Trung Nhàn trở thành đạo diễn, quay phim hàng đầu Việt Nam như Phạm Việt Thanh, Nguyễn Hữu Tuấn, Trịnh Quang Tùng, Lý Thái Dũng...

Hà nội 20/9/2011

Phạm Hoàng Nam