Việc Tokyo liên tục thay đổi Thủ tướng khiến lãnh đạo Mỹ - Nhật khó lòng thiết lập quan hệ làm việc bền vững. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, hai đồng minh Thái Bình Dương vẫn cần tới nhau để giải quyết những thách thức chung, từ tình trạng kinh tế đình trệ cho tới bất ổn ở Đông Á.

Tuần qua, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khiến người ta phần nào có cảm giác của một cuộc “hẹn hò chóng vánh”. Ông Noda - người vừa nhậm chức đầu tháng này - là Thủ tướng Nhật Bản thứ tư mà ông Obama gặp chỉ trong vòng ba năm qua, và cũng là Thủ tướng thứ sáu của Nhật Bản trong nửa thập kỷ qua.

Cuộc “hò hẹn” giữa ông Noda và ông Obama. Ảnh: AP

Giống như trong các cuộc hẹn hò tốc độ của một cặp đôi, các Thủ tướng Nhật Bản cũng thường thu hút “đối tác” bằng những đặc điểm ấn tượng. Cựu Thủ tướng Taro Aso là một người say mê truyện tranh manga; cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama tự nhận mình là “người ngoài hành tinh”; cựu Thủ tướng Naoto Kan cố tạo ra hình ảnh của “chiến binh thích cãi cọ”. Đương kim Thủ tướng Yoshihiko Noda thì so sánh bản thân với ‘con cá chạch” - loại cá ở đáy ao hồ, sống trong bùn.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng những đặc điểm riêng trên chỉ gây tò mò, không những chẳng có tác động gì tới người dân Nhật Bản mà còn làm giảm sự khâm phục của các đối tác đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Khi lên chức Thủ tướng Nhật Bản năm 2007, ông Shinzo Abe đã khẳng định liên minh với Mỹ là vấn đề sống còn trong chính sách đối ngoại - an ninh Nhật Bản và cần xây dựng lòng tin hơn nữa để duy trì liên minh vững chắc này. Tuy nhiên, tới thời Thủ tướng Yukio Hatoyama, Tokyo dường như muốn giảm lệ thuộc vào Washington, đồng thời chuyển trọng tâm quan hệ tới các nước láng giềng châu Á. Sự khác biệt chính sách qua từng thời kỳ Thủ tướng Nhật Bản ngày càng chứng tỏ rằng nếu thiếu đi quan hệ bền vững ở cấp cao nhất, Tokyo và Washington sẽ khó lòng cùng nhau giải quyết các thách thức mà hai bên phải đối mặt.

Điểm khúc mắc lớn nhất giữa Nhật Bản và Mỹ vẫn là việc thực hiện thỏa thuận năm 2006 nhằm di dời căn cứ không quân Futenma của quân đội Mỹ từ địa điểm đông dân cư tới một khu vực duyên hải thưa dân hơn trên đảo Okinawa. Thỏa thuận này do Đảng Tự do dân chủ (LDP) ký với chính phủ Mỹ từ khi còn nắm quyền ở Nhật Bản. Năm ngoái, trước sức ép của công luận, cựu Thủ tướng Hatoyama - lãnh đạo đảng Dân chủ cầm quyền (DPJ) - đột ngột cam kết xem xét lại kế hoạch này, theo đó có thể chuyển căn cứ Futenma ra khỏi Okinawa và thậm chí ra khỏi Nhật Bản. Tuyên bố của ông Hatoyama khiến Washington - đồng minh chủ chốt của Tokyo - phật ý.

Tuần qua, tại New York, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng nhiệm Nhật Bản Koichiro Gemba một lần nữa khẳng định kế hoạch tái bố trí căn cứ Futenma. Tuy nhiên, các quan chức hai bên thừa nhận kế hoạch khó có thể triển khai sớm, bởi chính quyền và người dân tỉnh Okinawa phản đối gay gắt phương án xây dựng đường băng mới dành cho trực thăng ở căn cứ dự tính tại thành phố Nago.

Quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật còn bị cản trở bởi một số vấn đề khác, như việc Nhật Bản áp đặt lệnh giới hạn nhập khẩu thị bò Mỹ từ năm 2003 tới nay do lo ngại dịch bệnh bò điên; hoặc những thắc mắc xung quanh chuyện thâm nhập thị trường Nhật Bản của các công ty Mỹ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ y học… Phần lớn những trở ngại này có thể giải quyết qua các kênh cấp độ thấp hơn trong chính quyền hai nước.

Tuy nhiên, sự thiếu vắng định hướng rõ ràng của giới chóp bu Tokyo đồng nghĩa với  việc Nhật Bản không có một chính sách thương mại hoặc thậm chí cách tiếp cận thống nhất đối với “bài toán” phục hồi kinh tế. Trong khi đó, các nhà ngoại giao Mỹ và Nhật Bản đang hy vọng tràn trề rằng Nhật Bản sớm thông báo ý định tham gia Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP đang được Mỹ thúc đẩy nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế, cân bằng với Trung Quốc và phục vụ cho chiến lược “quay trở lại châu Á” một cách đồng bộ của Washington.

Giống như người tiền nhiệm Naoto Kan, Thủ tướng Yoshihiko Noda phải tập trung cho những nỗ lực khắc phục thảm họa động đất, sóng thần ở đất nước Mặt trời mọc. Sáu tháng kể từ ngày thảm họa xảy ra, Nhật Bản vẫn chưa có một kế hoạch tái thiết tổng thể, trong khi công tác dọn dẹp nhà máy điện hạt nhân Fukushima còn dang dở.

Trên thực tế, việc cựu Thủ tướng Naoto Kan quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân khác trên lãnh thổ Nhật Bản đã gây ra hỗn loạn, khiến tình hình tồi tệ hơn. Nó dẫn tới tương lai bất định cho nhu cầu điện năng của Nhật Bản, ngay cả khi người dân và doanh nghiệp đồng lòng với chính phủ để cắt giảm 15% mức tiêu thụ năng lượng.

Vì uy tín của mình, tân Thủ tướng Yoshihiko Noda ít nhất đã trấn an cho công chúng Nhật Bản biết rằng đất nước của họ không thể tồn tại trong thời gian ngắn nếu thiếu năng lượng hạt nhân. Tới nay, cũng như ông Naoto Kan, Thủ tướng Yoshihiko Noda buộc phải coi chính sách thời hậu thảm họa là một điểm đột phá.

Thế nhưng, điều đáng lo lắng còn ở chỗ Washington nghĩ rằng Nhật Bản chẳng có lãnh đạo nào đủ khả năng chèo lái “con thuyền” đất nước tới bến bờ mới. Nếu ông Noda cũng từ chức nhanh chóng như những người tiền nhiệm, sự bứt rứt của Mỹ sẽ càng nhiều hơn.

Bất chấp sự thiếu ổn định trong vị trí lãnh đạo Nhật Bản, các quan chức Tokyo và Washington đều thừa nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật cũng như quan hệ chính trị rộng mở hơn giữa hai bên. Tokyo và Washington hiểu rằng họ vẫn là những bên mang lại cơ hội tốt nhất cho việc định hình lại các mối quan hệ trong khu vực. Tại châu Á, Trung Quốc không phải là đối tác tin cậy, trong khi Ấn Độ còn phải tập trung vào những vấn đề quốc nội và cuộc chiến chống khủng bố.

Washington và Tokyo đều hưởng lợi từ mối quan hệ hợp tác song phương lâu đời. Việc Nhật Bản cho phép các căn cứ quân sự Mỹ tồn tại trên lãnh thổ nước này đã đảm bảo cho sự hiện diện đáng tin tưởng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Khi “hò hẹn” với Tokyo, Mỹ có được sự ủng hộ của Nhật Bản - quốc gia có nền dân trị hàng đầu châu Á - trong nhiều vấn đề, chẳng hạn như lập trường về tự do hàng hải.

Các quan chức Nhật Bản và Mỹ nhận ra rằng khi hợp tác với nhau, họ sẽ bảo vệ tốt hơn các lợi ích của mình, đồng thời định hình được một môi trường đoàn kết, tự do ở châu Á.

Để không rơi vào cảnh “trái tim bên lề”, Nhật Bản cần có những chính sách mạnh mẽ, một tầm nhìn rõ ràng về vai trò của Tokyo trong kỷ nguyên Á châu, cùng việc sẵn sàng gánh vác thêm trọng trách ở châu Á. Bên cạnh đó, nếu không muốn trở thành người đến muộn nhất trong cuộc “hò hẹn chóng vánh”, Thủ tướng Yoshihiko Noda cần biến những lời nói hùng hồn về tầm quan trọng của mối quan hệ Nhật Bản - Mỹ trở thành hiện thực.

V.Giang (theo WSJ, AP)