Bộ trưởng Quốc phòng Anh vừa phải rời ghế sau vụ việc liên quan tới người bạn thân nhất. Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Anh đang đối mặt với chất vấn về việc ném tài liệu vào sọt rác ở công viên.


Từ Âu tới Á trước nay, đã có rất nhiều bộ trưởng tuyên bố từ chức vì sức ép từ công luận bởi nhiều lý do đơn giản…

Mất ghế vì bạn thân

Trong đơn từ chức gửi Thủ tướng Anh David Cameron, Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox cho biết ông đã "sai lầm khi không phân định rõ vấn đề cá nhân với các hoạt động công việc trong chính phủ". Ông Fox thừa nhận đã để ông Adam Werritty, người bạn thời đại học, tham gia 18 chuyến công du nước ngoài và để ông này dàn xếp cuộc gặp tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất) giữa ông Fox và tập đoàn Porton Group, công ty dự định bán công nghệ mã hóa các cuộc gọi điện thoại cho quân đội Anh.

Hôm 3/10, báo "Điện tín" của Anh đưa tin Bộ trưởng Fox sử dụng công quỹ để trả tiền cho ông Werritty với tư cách là nhà nghiên cứu của Quốc hội.

Vụ việc bắt đầu khi báo chí sôi lên sùng sục vì những tin đồn về bản chất mối quan hệ của ông Fox với Werritty. Người ta phát hiện ra rằng, người bạn thân nhất của ông Fox là Werritty lại tự xưng là một cố vấn chính phủ và là người tháp tùng ông trong hàng loạt chuyến công du nước ngoài.

Lung lay vì vứt tài liệu

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Anh Oliver Letwin đang đối mặt với các chất vấn về việc ông ném tài liệu công tác vào sọt rác ở công viên. Phóng viên của tờ The Daily Mirror đã 5 lần chụp được cảnh ông bỏ tài liệu ở công viên St.James, nằm không xa Văn phòng Thủ tướng Anh ở London, trong tháng 9 và 10.

Bộ trưởng Tư pháp Nhật Minoru Yanagida mất chức vì “công việc quá dễ dàng”. Ảnh: Telegraph

Ông Letwin là nhân vật có ảnh hưởng của đảng Bảo thủ và rất thân cận với Thủ tướng David Cameron. Người phát ngôn của ông Letwin đã khẳng định rằng, hành vi trên không vi phạm quy định an ninh và các tài liệu “không có tính nhạy cảm”. Một người phát ngôn của Thủ tướng Anh cũng nói Văn phòng chính phủ sẽ tìm hiểu vụ việc nhưng đó không phải là tài liệu mật.

Lãnh đạo Công đảng đối lập Ed Miliband tuyên bố Bộ trưởng Letwin “hành động quá khinh suất” còn một số nghị sĩ Công đảng đã yêu cầu mở cuộc điều tra. Dù ông Letwin “hứa không làm thế nữa” nhưng Cơ quan Bảo vệ thông tin Anh đã tuyên bố sẽ xem xét vụ việc này.

Ra đi vì không trả tiền thuế xem truyền hình

Năm 2006, ở Thụy Điển, Bộ trưởng Văn hóa Cecilia Stego đã phải đệ đơn từ chức chỉ bởi không trả tiền thuế xem truyền hình và không công bố mức lương đã trả cho các bảo mẫu.

Đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ giới truyền thông, bà Stego đã phải thừa nhận không trả tiền thuế xem truyền hình trong suốt 16 năm và không công bố mức lương đã trả cho các bảo mẫu.

Thông thường, các bộ trưởng trên thế giới từ chức để nhận trách nhiệm một sự cố nghiêm trọng, hay những bê bối tham nhũng, tình ái. Tuy nhiên, có một vị đã bị mất ghế chỉ vì phạm luật giao thông quá nhiều.

Đó là ông Tom Koutsantonis - Bộ trưởng An toàn giao thông bang Nam Australia. Năm 2009, ông không còn chức bộ trưởng do phạm luật giao thông quá nhiều, hơn 30 lần kể từ năm 1994, phần lớn đều là do lỗi chạy quá tốc độ.

Koutsantonis có thói quen chạy xe nhanh kể từ khi ông còn là thanh niên. Hai lần trong năm 1994, ông đã bị phạt vì chạy quá tốc độ. Một lần do vượt tốc độ tối đa 31 - 45 km/h và lần khác là vượt từ 15 - 29 km/h. Năm 1997, như để ăn mừng việc lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng lập pháp bang, Koutsantonis lại chạy quá tốc độ. Tài liệu tòa án còn lưu lại có ghi rõ: “Tom Koutsantonis, sinh ngày 23/8/ 1971, bị buộc tội chạy quá tốc độ từ 15 - 29 km/h trong khu đô thị vào lúc 11h07 sáng ngày 25/ 7/1997”. Lần đó ông phải nộp phạt 335 USD.

Thói quen lái ẩu tiếp tục được Koutsantonis duy trì cho tới khi được chọn vào nội các bang. Và  ông đã nhận trách nhiệm với tất cả các vi phạm của mình, gồm 27 lỗi vi phạm tốc độ, 3 lỗi vượt đèn đỏ và 1 lỗi dùng điện thoại di động khi lái xe.

Vạ miệng kèm mất ghế

Chuyện “sảy miệng” khiến cho dân bất bình và buộc phải xin lỗi kèm theo tuyên bố từ chức khá phổ biến với các bộ trưởng nội các Nhật Bản. Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Tư pháp Minoru Yanagida đã phải từ chức sau khi nhỡ miệng nói rằng nghề của ông quá dễ dàng khi chỉ phải nhớ hai cụm từ.

Chỉ sau hai tháng đảm nhận chức vị, ông Minoru  đã làm quốc hội Nhật Bản, đặc biệt là phe đối lập nổi giận vì câu nói hớ của mình. Trong một cuộc tiếp xúc với cử tri ở Hiroshima ông nói: "Trở thành bộ trưởng Tư pháp rất dễ dàng vì tôi chỉ phải nhớ hai cụm từ, mà tôi có thể sử dụng bất cứ khi nào để trả lời câu hỏi của quốc hội”. Ông Yanagida nhấn mạnh rằng, đứng trước câu hỏi đặt ra, ông chỉ cần trả lời: “Tôi không bình luận vào vấn đề cụ thể” và “Chúng tôi đang giải quyết vấn đề trên cơ sở luật pháp và bằng chứng”. Điểm tài liệu ghi chép từ các phiên họp quốc hội cho thấy, ông Yanagida, người mới trở thành bộ trưởng tư pháp trong cuộc cải tổ nội các hồi tháng 9, đã sử dụng câu trả lời mà ông “phải nhớ” không ít hơn 33 lần.

Hakuo Yanagisawa, Bộ trưởng Y tế dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe đã khiến công chúng nổi giận khi ông mô tả phụ nữ là “những cỗ máy sinh con” vào tháng 1/2007. Một tháng sau, liên minh các nghị sĩ đối lập do đảng Dân chủ dẫn đầu đã đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm chống lại ông Yanagisawa, nhưng vị bộ trưởng này đã cố gắng giữ lại ghế của mình.

Tháng 7/2007, Bộ trưởng Quốc phòng Fumio Kyuma đã sảy miệng khi nói về chiến tranh. Ngày 3/7, ông phải tuyên bố từ chức vì những tranh cãi quanh câu nói hớ của ông. Ở bài diễn văn tại đại học Reitaki ở Kashiwa, ông Kyuma phát biểu: "Giờ đây tôi hiểu rằng việc thả bom là để kết thúc chiến tranh và đó là việc không thể tránh khỏi”.

Chỉ bốn ngày sau khi nhậm chức, ngày 28/9/2008, Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản Nariaki Nakayama đã đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Taro Aso do có những phát biểu gây tranh cãi. Ông Nakayama bị chỉ trích mạnh mẽ sau khi gọi liên đoàn nhà giáo lớn nhất nước là “căn bệnh ung thư” trong hệ thống giáo dục Nhật Bản. Một tuần trước đó, ông cũng khiến tộc người Ainu tức giận khi miêu tả Nhật Bản là đất nước đồng nhất về mặt dân tộc.

Chính vị cựu Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cũng có “tật” hay lỡ lời trong phát biểu công khai, dù các cố vấn đã nhiều lần nhắc nhở ông cần hết sức tránh để giữ uy tín với dân chúng. Tháng 11/2008, ông từng nói rằng: "Đi họp lớp ở tuổi 67, 68, tôi thấy rất nhiều người già cả phải tới bác sĩ. Chi phí y tế của tôi thấp hơn rất nhiều vì tôi đi bộ và vận động. Tại sao tôi phải trả tiền cho những người chỉ biết ăn uống và không nỗ lực”. Sau đó, ông Aso đã phải chính thức xin lỗi người dân, nhưng vẫn không cứu vãn được tình hình. Lần vạ miệng này khiến tỉ lệ ủng hộ của ông tụt 30% chỉ hai tháng sau khi nhậm chức.

Thái An (tổng hợp)