Không phải sự có mặt của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, mà là Phó Tổng thống Hamid Ansari tại hội nghị ở Perth, báo chí Australia nhận định Canberra chưa thể “xích lại gần hơn” New Dehli. Trong khi đó, câu chuyện giữa Canberra với Bắc Kinh vẫn chưa thể hết khác biệt.

Tuần này, Hội nghị thượng đỉnh Khối thịnh vượng chung Anh - một trong những hội nghị thượng đỉnh thu hút nhiều nhất các nguyên thủ quốc gia trên thế giới (CHOGM) diễn ra tại thành phố Perth, Australia (28 - 30/10).

CHOGM năm nay có sự hiện diện của Nữ hoàng Anh cùng hơn 50 nhà lãnh đạo và 3.000 quan khách khắp thế giới.

Thế lực nguy hiểm?

Song, hội nghị có thể bộc lộ một vài thất bại ngoại giao của chính quyền Thủ tướng Julia Gillard. Đó là việc Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh không tham dự CHOGM, bất chấp thực tế Ấn Độ là quốc gia lớn nhất và quan trọng nhất trong Khối thịnh vượng chung Anh. Thay vào đó, Ấn Độ cử Phó Tổng thống Hamid Ansari tham dự CHOGM. Điều này khiến nước chủ nhà cảm thấy thất vọng.

Thành phố Perth - nơi diễn ra CHOGM. Ảnh: freestockphotography

Lý do chính thức được đưa ra do Thủ tướng Manmohan Singh muốn giới hạn thời gian công du nước ngoài, nhất là khi Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Pháp diễn ra ngay sau khi CHOGM kết thúc.

Tuy nhiên, một số nhà bình luận cho rằng kế hoạch thăm Australia của Thủ tướng Singh bị phá hỏng bởi quyết định của chính quyền Công Đảng Australia không cung cấp urani cho Ấn Độ.

Australia là nhà cung cấp urani lớn thứ ba trên thế giới, sau Kazakhstan và Canada. Mỗi năm, nước này xuất khẩu khoảng 9.600 tấn ôxít cô đặc, với giá trị lên tới hơn 1,1 tỷ USD. Australia còn sở hữu trữ lượng urani lớn nhất thế giới.
 
Trả lời cho câu hỏi vì sao Canberra chưa bán urani cho New Delhi, nhiều nhà quan sát cho rằng có lẽ bởi Canberra e ngại điều này làm yếu đi thể chế pháp lý đối với vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân, theo Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) được ký năm 1970 mà Ấn Độ chưa tham gia.

Nhiều chính trị gia thậm chí tỏ ra lo ngại một khi sở hữu vũ khí hạt nhân, Ấn Độ có thể trở thành thế lực nguy hiểm. Trong khi đó, kể từ khi hiệp định hạt nhân Mỹ - Ấn được ký năm 2007, một số quốc gia như Canada, Nhật Bản... bắt đầu tiến hành thủ tục pháp lý để hợp tác hạt nhân với Ấn Độ.

Australia, vì thế, trở thành nhà xuất khẩu hạt nhân lớn nhất thế giới áp đặt việc cấm bán urani một cách phân biệt đối xử với Ấn Độ. Hành động này không làm New Delhi tổn hại nhưng tác động tiêu cực tới Canberra cũng như sự can dự hoàn toàn của nước này với một Ấn Độ đang trỗi dậy.

Dennis Richardson - cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Tình báo Australia ASIO và hiện là quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia trong bài phát biểu tại Học viện Quốc tế Australia tuần trước đã đưa ra ý kiến đáng chú ý.

Đó là “Australia chưa phát triển được mối quan hệ đối tác chiến lược thực chất với Ấn Độ”.

Thực tế, lần thăm Australia gần đây nhất của một Thủ tướng Ấn Độ là vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, dưới thời Thủ tướng Rajiv Gandhi.

Khoảng 3 thập niên trước, Australia còn là một trong số những trung tâm chủ chốt trên thế giới nghiên cứu về Ấn Độ. Nhưng điều này hiện không còn tồn tại. Việc nghiên cứu về Ấn Độ giảm mạnh, hệ quả là New Delhi và Canberra chưa có sự hiểu biết đa diện về nhau.

Thủ tướng Ấn Độ (trái)  và Thủ tướng Australia. Ảnh: SMH

Một số nhà quan sát cho rằng, tại Hội nghị CHOGM lần này, những vấn đề nêu trên sẽ ít được nhắc tới. Nhưng đó là thực tế mà Australia phải đối mặt.

Để tháo gỡ, một trong nhiều thứ Australia cần hành động là “xích lại gần hơn” với Ấn Độ. Việc Australia bán urani cho Ấn Độ chỉ là vấn đề thời gian.

Trong khi đó, đảm bảo mối quan hệ Australia-Ấn Độ ở cấp độ cao nhất mới là vấn đề quan trọng. Bởi khi thiếu vắng sự can dự bền vững ở nhiều cấp độ, một vấn đề đơn lẻ cũng có thể làm chệch hướng quan hệ giữa hai bên.

Đối phó “một thế giới, hai siêu cường”

Trong khi đó, Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd xác định mục tiêu chủ chốt của Canberra vẫn là duy trì và tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ. Bởi, trong giai đoạn ngắn và trung hạn, Mỹ vẫn là siêu cường thống trị.

Song ông Rudd trong bài phát biểu tại Diễn đàn Trường Kinh doanh Oxford đã đề cập đến một viễn cảnh “một thế giới, hai siêu cường” và cách nào Australia có thể đối phó.

Vì lẽ đó, không ngạc nhiên khi ông Rudd muốn quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện trong khu vực. Khi còn là Thủ tướng Australia, ông Rudd đã cam kết tăng số lượng tàu ngầm của Australia từ 6 chiếc lên 12 chiếc. Cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Tình báo Australia Dennis Richardson  cũng cho rằng Australia “không thể sống an toàn” trong khu vực nếu tiếp tục những nỗ lực quân sự nhỏ bé như hiện nay.

V.Giang (theo The Australian, ABC News)