Dù ngân hàng trung ương dự đoán tăng trưởng kinh tế Thái sẽ giảm xuống còn 2,6% so với ước tính ban đầu là hơn 4%, số người thiệt mạng bởi lũ lụt gần 400 người, thì chính phủ của bà Yingluck sẽ vẫn phải tăng tốc và nỗ lực thực hiện hoạt động dọn sạch và tái thiết sau khủng hoảng.
Thủ đô của Thái Lan trở thành hai thành phố khác biệt: một nơi người dân “thở phào” khi thấy những con đê hầu như trụ vững trước những đợt thuỷ triều cao hồi cuối tuần; một bên khác dòng người đi lánh nạn vẫn tiếp tục khi khối lượng lớn nước ô nhiễm từ từ đổ xuống phía bắc thành phố.
Trong khoảnh khắc nguy cấp, chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã buộc phải từ bỏ trung tâm đối phó với khủng hoảng lũ lụt ở sân bay quốc tế của Bangkok khi nạn lụt trở nên tồi tệ, và thiết lập trung tâm mới trụ sở của hãng dầu khí quốc gia PTT PCL.
Xa hơn về phía đầu nguồn, rất nhiều tài sản công nghiệp chính của Thái Lan vẫn đang chìm nổi trong nước, và tâm điểm ở đây đang hướng về cách một vị thủ tướng trẻ, ít kinh nghiệm chính trị như bà Yingluck sẽ kiểm soát thế nào về nỗ lực phục hồi sau lụt kéo dài và tiêu tốn nhiều tỉ USD.
Một số khu vực lịch sử ở Bangkok đã bị ngập trong thời gian ngắn khi triều cường đạt đỉnh cuối tuần qua, nhưng nước đã nhanh chóng rút đi, khuyến khích Yingluck, cựu doanh nhân 44 tuổi đắc cử ghế thủ tướng Thái Lan hồi tháng 7, tuyên bố rằng, sự tồi tệ nhất dường như đã qua và “chúng ta sẽ sớm phục hồi”.
Nhưng vấn đề lớn hơn tiếp tục vẫn là dòng nước lớn đang làm ngập tràn nhà cửa, đất đai, các khu công nghiệp ngay ở bắc thành phố, và dòng nước lớn ấy vẫn đang phải tìm cách đi qua hay vòng quanh Bangkok để ra biển.
Phía bắc Bangkok khốn khổ vì dòng nước lụt hôi thối lấp đầy những đường phố đã ăm ắp nước xung quanh sân bay Don Muang và những quận lân cận, đồng thời rò rỉ xa hơn tới trung tâm thành phố. Vài trăm người sơ tán vẫn dựng trại ở nhà ga Don Muang, phớt lờ lệnh sơ tán của chính phủ. Rất nhiều người khác vật lộn tìm cách vượt qua dòng nước hôi hám, cao tới ngực khi họ đi qua vùng trước đây là đường quốc lộ sáu làn để tìm kiếm địa hình an toàn hơn.
"Có khoảng 100 người trong số chúng tôi vẫn ở khu vực đối diện với sân bay”, Chaiyapreuk Kaewkamol, 57 tuổi, cựu quân nhân cho biết. Ông kể đã chứng kiến những chiếc ô tô bỏ không trôi nổi tại bãi đỗ xe của sân bay. “Tôi sống ở đây cả đời và trước đây tôi chưa từng nhìn thấy điều tương tự”.
Đó không hẳn là một cuộc khủng hoảng mà bà Yingluck, em gái của cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, được cho là phải đối mặt. Bà đã nhanh chóng bắt tay ngay vào việc đưa ra các kế hoạch hỗ trợ giá gạo và tăng mức lương tối thiểu để thúc đẩy cơ sở chính trị vùng nông thôn của mình.
Giờ đây, cho dù ngân hàng trung ương dự đoán tăng trưởng kinh tế Thái sẽ giảm xuống còn 2,6% so với ước tính ban đầu là hơn 4% và số người thiệt mạng bởi lũ lụt là gần 400 người, thì chính phủ của bà Yingluck sẽ vẫn phải tăng tốc và nỗ lực thực hiện hoạt động dọn sạch và tái thiết sau khủng hoảng. Thành công của nó có thể xác định việc liệu Thái Lan có giữ lại được lòng tin của giới đầu tư nước ngoài - những người đã chứng kiến các chuỗi cung ứng của họ bị tê liệt thế nào bởi thảm họa.
Các nhà máy linh kiện ô tô và máy tính ở những khu công nghiệp phía bắc Bangkok bị ảnh hưởng nặng nề, với khoảng ¼ sản xuất ổ chứng thế giới giờ đây bị đóng cửa và các nhà sản xuất ô tô như Toyota phải cắt giảm sản lượng tại các nhà máy ở cách xa Thái Lan như Canada và Mỹ vì thiếu linh kiện chủ chốt.
Theo các nhà phân tích chính trị, việc khởi động vành đại công nghiệp này bất cứ khi nào nó xảy ra sẽ là một phép thử với bà Yingluck - và nó có thể tạo lập vững chắc hay phá vỡ chính phủ của bà chỉ sau vài tháng chính phủ ấy ra đời.
"Các kết quả của bà sẽ hoặc rất cao, hoặc rất thấp”, Michael Montesano tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói. "Phần chính của phép thử là việc bà Yingluck xử lý sự phục hồi thế nào”.
Một trong những thách thức lớn của bà Yingluck là tìm ra con đường để làm cầu nối cho những chia rẽ ăn sâu bám rễ ở Thái Lan đã cản trở phản ứng từ chính phủ của bà với cuộc khủng hoảng lũ lụt. Rất nhiều quan chức bảo thủ và tướng lĩnh quân sự vẫn thận trong với bà Yingluck và anh trai của bà, ông Thaksin, người có chủ trương dân túy và được tầng lớp dân thường ủng hộ, người đe dọa chấm dứt ảnh hưởng truyền thống của quân đội ở một vương quốc cho tới khi ông bị lật đổ cách đây 5 năm.
Chỉ hai tuần trước đây, bà Yingluck đã phải vật lộn để thuyết phục các đối thủ chính trị - những người điều hành chính quyền thành phố Bangkok để cho phép dòng nước lụt đang ứ ngập tại các tỉnh Pathum Thani và Ayutthaya ở phía bắc Bangkok tìm đường ra biển thông qua thủ đô đang ngổn ngang. Cuối cùng bà đã chiến thắng trong trận chiến ấy cho dù chưa rõ nỗ lực của bà đã tới gần việc “hút cạn” tất cả nước lụt hay không.
Theo giới phân tích, mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng cuối cùng đã dần giúp cho nữ thủ tướng Thái phô trương quyền lực nhiều hơn. Bà cũng nhận được một số hỗ trợ gián tiếp từ người có quyền cao nhất của Thái - Quốc vương 83 tuổi Bhumibol Adulyadej.
Tướng quân đội Prayuth Chan-ocha nói rằng, Quốc vương đã yêu cầu không áp dụng biện pháp đặc biệt nào dành riêng cho cung điện hoàng gia vào thời điểm khi hơn 2 triệu người Thái đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng.
Một số phương tiện truyền thông Thái Lan cũng đã bắt đầu cảm thấy rằng, không nên hoàn toàn đổ lỗi thảm họa cho chính phủ. Các chính phủ trước đó đã bị chỉ trích vì việc đưa ra kế hoạch quản lý nước một cách hạn hẹp, trong khi Thống đốc Bangkok Sukhumbhand Paribatra, người vào đầu tháng này tuyên bố rằng, Bangkok do mình ông chịu trách nhiệm, đã bị chỉ trích về việc chậm trễ mở các cửa xả bảo vệ mạng lưới đê điều của thủ đô.
Chris Baker, một phóng viên cũng là nhà bình luận chính trị ở Bangkok cho rằng, “rất khó để nói” sự phân định thắng thua của bà Yingluck sau khủng hoảng. “Tôi nghĩ vẫn còn cơ hội cho bà Yingluck và chính phủ”, ông Baker nói. “Họ có thể biến nó để chống lại những người chỉ trích”.
Thái An (theo Wall Street Journal)