Các luật lệ lao động linh hoạt và những biện pháp của chính phủ đồng nghĩa với việc số người Hà Lan mất việc làm ít hơn dự đoán.
Nó được gọi là “câu đố thất
nghiệp”. Thậm chí với các chuyên gia dự báo kinh tế của chính phủ Hà Lan, của
Văn phòng Kế hoạch trung ương (CPB), thì con số thất nghiệp mới nhất của nước
này đã gây ra điều bất ngờ. Tỉ lệ thất nghiệp đã gia tăng ở Hà Lan kể từ khi
cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ năm 2008, nhưng nó không kịch tính như dự
đoán. Con số này khá ổn định và thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước châu Âu
khác.
Tỉ lệ thất nghiệp ở Hà Lan thấp hơn so với dự đoán. Ảnh: Guardian |
Khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, với sự sụp đổ của Lehman Brothers, thị trường lao động Hà Lan lại trở nên quá nóng, thiếu nhân công trong rất nhiều lĩnh vực kinh tế. Trong vòng vài tháng, thương mại quốc tế sụp đổ và nền kinh tế Hà Lan vốn trông chờ nhiều vào thương mại thế giới, đã giảm gần 4% GDP trong năm 2009. Dựa vào kinh nghiệp từ các cuộc suy thoái trong quá khứ, nước này e ngại rằng, tỉ lệ thất nghiệp ở mức 3,6% năm 2008 sẽ tăng tới 7-8%. Trong một dự đoán ảm đạm, giám đốc CPB còn cảnh báo, thất nghiệp có thể tăng tới 10% trong lực lượng lao động. Nhưng thực tế, nó đạt đỉnh là 4,6% vào năm 2009 và 2010.
Một lý do đơn giản là các công ty đã “tích trữ” nhân viên của mình. Nhận thức được khó khăn do tình trạng thiếu lao động tồn tại trước đây, rất nhiều công ty quyết định giữ lại nhân công bất chấp sản lượng sụt giảm. Đặc biệt, mọi người được sở hữu trong tay các hợp đồng linh hoạt để giữ lại công việc của mình. Một nhà kinh tế học ở CPB cho biết: “Các công ty giữ lại công nhân trong biên chế nhiều hơn mức cần thiết, trên cơ sở đã tính toán sự sụt giảm sản lượng”. Điều này được minh họa bằng sự giảm sút năng suất lao động bình quân: cùng một lượng người làm việc nhưng sản xuất ít hàng hóa và dịch vụ hơn.
Cũng còn có những yếu tố khác. Trong những năm qua, mức lương và sự linh hoạt của các luật lệ lao động đã khiến cho thị trường nhân công Hà Lan có tính cạnh tranh cao. Mô hình hợp tác của các quan hệ lao động mà Hà Lan theo đuổi được đề cao như là mẫu hình với các nền kinh tế khác.
Ngoài ra, trong năm 2009, chính phủ Hà Lan đã giới thiệu các biện pháp nhằm giảm thiểu những tác động của khủng hoảng tài chính với nền kinh tế. Những chương trình cứu trợ tạm thời được áp dụng, như trợ cấp thay thế ô tô, đền bù lương khi thời gian lao động rút ngắn trong các ngành công nghiệp cạnh tranh. Ở Đức, các biện pháp này được áp dụng với quy mô lớn và dường như có tác động đáng kể. Tuy nhiên, tại Hà Lan, ảnh hưởng tương đối nhỏ: chỉ có khoảng 40.000 công nhân bị rút ngắn ngày làm việc.
Một giải thích khác cho tỉ lệ thất nghiệp ở Hà Lan ít hơn với dự đoán là sự phát triển nhanh chóng của “nhóm người độc lập”. Họ là những công nhân tự làm chủ, đặc biệt trong các dịch vụ chuyên nghiệp, nghệ thuật và công nghiệp sáng tạo. Họ hoạt động như một “bộ đệm” trong thị trường lao động, tự điều chỉnh với việc giảm sút nhu cầu nhân công bằng cách chấp thuận mức lương thấp hơn cho công việc của mình. Có thể còn lý do khác là dòng chảy công nhân nước ngoài từ các quốc gia Đông Âu đã giảm mạnh bởi suy thoái.
Trong khi đó, chi tiêu chính phủ vẫn duy trì năm 2009 và 2010, đảm bảo việc làm trong lĩnh vực công và sự gia tăng đáng kể với nhân công ở lĩnh vực chăm sóc y tế. Giống như Đức, với sức mạnh xuất khẩu to lớn, Hà Lan được hưởng lợi từ tỉ giá hối đoái tương đối thấp của đồng euro. Khi tỉ lệ lãi suất đồng euro được xác định bởi toàn bộ quốc gia trong khu vực đồng tiền chung, thì giá trị bên ngoài của nó sẽ thấp hơn nhiều thực tế nếu nó là đồng tiền của chỉ Hà Lan hay Đức. Lợi ích từ tỉ giá hối đoái này ít được công nhận trong cuộc tranh luận về cuộc khủng hoảng đồng euro hiện nay, nhưng nó góp phần giải thích sự vững mạnh tương đối của nền kinh tế Hà Lan, Đức cũng như thị trường lao động của nó.
Tuy vậy, triển vọng trong năm tới có vẻ ít hứa hẹn hơn. Khi Hà Lan hầu như không tránh khỏi một cuộc suy thoái (dù không sâu sắc), thì tỉ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng. Hiện tại, con số này ở mức 5,6%. Thị trường lao động không còn khan hiếm, chính phủ đang nghiêm túc cắt giảm thâm hụt ngân sách và giảm việc làm trong lĩnh vực công. Các công ty đang điều chỉnh để tăng trưởng thấp hơn và một số tập đoàn công nghiệp, tài chính chủ chốt gần đây đã tuyên bố cắt giảm mạnh nhân sự.
Thái An (theo Guardian)