- Dù Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định hiệu quả của chính sách bán hàng bình ổn giá, nhưng Bộ trưởng Tài chính lại cho rằng, "chỉ được lợi cho doanh nghiệp hoặc các siêu thị". Nhiều ý kiến khác e ngại quay lại tình trạng Nhà nước bao cấp giá.
Thời gian qua, nhiều tỉnh thành, đặc biệt Hà Nội và TP.HCM đã tích cực triển khai chương trình bán hàng bình ổn giá. Nhưng theo phản ảnh, đa số dân nghèo không được hưởng lợi từ các chương trình này. Đây là một trong các nội dung được thảo luận tại phiên họp sáng nay ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật giá.
Quỹ bình ổn bộc lộ nhiều vấn đề
Dự thảo luật đưa ra danh mục 13 lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước sẽ thực hiện bình ổn giá: xăng dầu thành phẩm, thép xây dựng, xi măng, sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi, thóc, gạo tẻ, cước vận chuyển hành khách đường sắt bằng ghế cứng... Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục, Chính phủ sẽ trình Thường vụ Quốc hội quyết định.
Người dân vẫn băn khoăn về tính minh bạch trong vận hành quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua. Ảnh: Phạm Hải |
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho hay, số tiền dùng để thực hiện chủ trương bình ổn không nên trích từ quỹ dự phòng ngân sách mà nên trích từ lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp.
Tổng kết sơ bộ chủ trương bán hàng bình ổn giá vừa qua cho thấy, đa số chuyên gia kinh tế đều phản đối việc lấy tiền từ ngân sách để bình ổn giá vì chỉ được lợi cho một số doanh nghiệp và siêu thị. Cách làm như vậy rất ít tác dụng mà lại dễ bị lợi dụng. Thậm chí, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Theo ông Huệ, chủ trương bình ổn đúng nghĩa phải là tác động ngay từ khâu "gốc" là khâu sản xuất, lưu thông để người sản xuất được hưởng lợi. Còn danh mục hàng bình ổn thực tế không mới mà đều là các mặt hàng thiết yếu lâu nay vẫn được Nhà nước can thiệp giữ giá. Danh mục trên có tính chất tham khảo, cơ quan có thẩm quyền sẽ chọn và quyết định từng loại hàng hóa, dịch vụ để bình ổn tùy theo từng thời kỳ. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục, Chính phủ sẽ trình Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, Thường vụ cũng không thể quyết định được ngay mặt hàng nào cần bình ổn vì tất cả tùy thuộc vào chuyện điều hành.
Về việc lập quỹ bình ổn, ông Lưu nói, mới chỉ vận hành được duy nhất quỹ bình ổn giá xăng dầu, song đang bộc lộ rất nhiều vấn đề như: dùng quỹ chưa công khai, minh bạch. Không có sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Một số ý kiến khác cũng phân tích về lợi/hại của việc đưa ra chi tiết danh mục 13 lĩnh vực hàng cần bình ổn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển "than": Tranh luận đi, tranh luận lại cuối cùng vẫn quay trở về với bản dự thảo luật trình ra lần đầu, đó là không chi tiết hóa danh mục hàng bình ổn mà Luật chỉ đưa ra các tiêu chí chung chung. "Việc đưa ra danh mục là tiếp thu ý kiến thảo luận tại Quốc hội, muốn có sự công khai, minh bạch. Còn chuyện quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu lại là một câu chuyện khác", ông Hiển nói.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, ban soạn thảo phải tiếp tục làm rõ nguồn tài chính để hình thành quỹ bình ổn: từ phía doanh nghiệp, từ giá hàng hóa dịch vụ, tự nguyện đóng góp hay hỗ trợ của Nhà nước...
Có làm méo mó thị trường?
Vấn đề Nhà nước định giá hàng hóa đến đâu cũng được mổ xẻ cặn kẽ.
Theo dự án Luật, có 13 loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Bao gồm: điện, dịch vụ chuyển tải điện, xăng dầu thành phẩm, dịch vụ khám bệnh, hàng hóa, dịch vụ quốc phòng an ninh, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ...
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng Nhà nước không nên tiếp tục can thiệp vào giá vì sẽ làm méo mó thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập các công ước quốc tế, với cam kết về điều hành giá theo thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu e rằng, Nhà nước tiếp tục can thiệp giá có thể sẽ làm mất đi tính cạnh tranh và không phù hợp với các cam kết quốc tế mà VN tham gia. Danh mục hàng hóa như trên, theo ông Giàu "một nửa là kinh tế thị trường, một nửa là làm phúc lợi xã hội. Mục tiêu không rõ".
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ giải thích, ban soạn thảo đã rà soát các cam kết quốc tế mà VN tham gia và không hề có sự vi phạm."Trong kinh tế thị trường, vấn đề định giá, bình ổn giá là hết sức bình thường", ông Huệ cho hay.
Theo Bộ trưởng Tài chính, trong trường hợp Nhà nước can thiệp giá và gây thiệt hại đến lợi nhuận của người sản xuất thì đã có cơ chế quỹ bình ổn để hỗ trợ và bù đắp. Do đó, việc Nhà nước định giá một số hàng hóa thiết yếu trong các hoàn cảnh giá cả biến động là cần thiết và không mâu thuẫn với thị trường.
Dự án luật sẽ còn được chỉnh sửa
trước khi trình QH tại kỳ họp thứ ba giữa năm tới.
Lê Nhung