- Chiều 6/1, một đại diện Cục lãnh sự - Bộ Ngoại giao cho VietNamNet biết, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với ĐSQ Việt Nam ở Nhật Bản, Philippines, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, các cơ quan chức năng của Nhật Bản, Philippines và Đài Loan để tìm kiếm 22 thủy thủ còn lại trong vụ chìm tàu Vinalines Queen.

TIN LIÊN QUAN:

Đón thủy thủ tàu Vinalines Queen duy nhất sống sót Đậu Ngọc Hùng (giữa). Ảnh: VietNamNet

Philippines điều trực thăng tìm kiếm

Cùng ngày, ông Lương Thanh Nghị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho VietNamNet biết, trong quá trình phối hợp với các nước triển khai các biện pháp tìm kiếm, cứu nạn, Bộ Ngoại giao đã làm việc hết sức khẩn trương, chạy đua với thời gian, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong nước và các cơ quan chức năng sở tại trong việc tìm kiếm 22 thủy thủ còn lại.

“Chúng ta đã nhận được sự phối hợp và hợp tác rất nhiệt tình và khẩn trương của Philippines, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan trong công tác tìm kiếm cứu nạn dù trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã điều động thủy phi cơ, trực thăng, 1 tàu đến khu vực tàu chìm để tìm kiếm xa bờ. Nhật Bản đã nhiều lần cử máy bay của Lực lượng bảo vệ bờ biển tìm kiếm. Trung Quốc, Đài Loan cũng đã khởi động chiến dịch tìm kiếm, đồng thời cử tàu cứu hộ tới khu vực bị nạn” - ông Nghị cho hay.

Trước đó, ngay khi được tin về việc tàu Vinalines Queen bị chìm và 23 thủ thủy mất tích, Bộ Ngoại giao ngay lập tức đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Philippines, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại và phối hợp với các cơ quan trong nước triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn.

Bộ Ngoại giao cũng đã có công hàm gửi Đại sứ quán các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Văn phòng Văn hóa Kinh tế Đài Bắc tại Hà Nội đề nghị hỗ trợ tìm kiếm thủ thủy bị mất tích và tàu bị chìm.

Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở các địa bàn liên quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía bạn và các cơ quan trong nước: Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Giao thông vận tải, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam thuộc Cục Hàng hải Việt Nam và Vinalines theo dõi chặt chẽ tình hình để tiếp tục có những biện pháp xử lý kịp thời.

Diễn tiến phối hợp quốc tế tìm kiếm thủy thủ Vinalines

- 25/12/2011: Nhận được tin tàu Vinalines Queen cùng 23 thuyền viên gặp nạn, Cục Lãnh sự gửi ngay công hàm cho ĐSQ Philippines tại Hà Nội và công điện cho ĐSQ Việt Nam tại Philippines, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đề nghị các cơ quan chức năng của bạn giúp tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

- 28/12/2011: Cục Lãnh sự tiếp tục gửi công hàm cho ĐSQ Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines và Văn phòng Đài Bắc tại Hà Nội, đồng điện cho cơ quan đại diện Việt Nam tại  Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan đề nghị tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

- 30/12/2011: Tàu thương mại London Courage thông báo cứu được thủy thủ Đậu Ngọc Hùng. Cục Lãnh sự tiếp tục gửi công hàm cho ĐSQ Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines và Văn phòng Đài Bắc tại Hà Nội, đồng điện cho cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan đề nghị tìm kiếm 22 thủy thủ còn lại.

- Cùng ngày, ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc có điện báo, Trung Quốc đã cử tàu cứu hộ ra biển tìm kiếm, nhưng chưa tìm thấy dấu vết gì.

- 2/1/2012: Nhận được tin đại diện chủ tàu Vinalines tại Philippines không liên hệ thuê được tàu chuyên dụng để tìm kiếm, Cục Lãnh sự đã điện đề nghị Đại sứ Nguyễn Vũ Tú giúp liên hệ trực tiếp với lãnh đạo sở tại đề nghị giúp thuê tàu chuyên dụng.

- 3/1: ĐSQ Việt Nam tại Philippines điện báo, Lực lượng phòng vệ bờ biển đã điều động 1 thủy phi cơ đưa đại diện công ty Vinalines cùng phối hợp tìm kiếm khu vực Bắc Luzon; Hải quân Philippines cũng cử 1 tàu lớn từ Palawan đến khu vực tàu chìm để tìm kiếm xa bờ.

- Cùng ngày, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cũng có điện báo, Cục Bảo vệ bờ biển Đài Loan đã khởi động chiến dịch tìm kiếm trong 3 ngày, mặc dù khu vực yêu cầu nằm ngoài sự quản lý của Đài Loan.

- Cùng ngày, ĐSQ Việt Nam tại Singapore cũng điện báo đã làm các thủ tục chuẩn bị tiếp nhận và tổ chức để đại diện phía công ty Vinalines đi đón, đưa thủy thủ Đậu Ngọc Hùng về Việt Nam.

- 4/1: Cục Lãnh sự điện gửi các cơ quan đại diện ở Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines và Đài Loan đề nghị phía bạn tiếp tục tìm kiếm một số khu vực tọa độ theo đề nghị của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

- Cùng ngày, ĐSQ Việt Nam tại Philippines điện báo về, ĐSQ và đại diện Vinalines đã gặp Trung tướng Orcar H. Rabena, Tư lệnh không quân Philippines đề nghị hỗ trợ tìm kiếm.

- Tàu cứu hộ do MRCC của Đài Loan điều động tới khu vực bị nạn nhưng do thời tiết xấu, biển động, sóng to không tiếp cận được  khu vực tìm kiếm nên phải quay về. Phía Nhật Bản đã cử máy bay Japan Coast Guard, Philippines cử máy bay trực thăng đi tìm kiếm, chỉ phát hiện một vệt dầu loang tại khu vực 19.51.43N.


X.Linh