- Ngoại trưởng H.Clinton nói, lần đầu tiên trong hai thập niên, Mỹ sẽ cử đại sứ tới Myanmar với nỗ lực khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với quốc gia bị cô lập khá lâu này.


Động thái trên diễn ra khi Myanmar quyết định thả tự do hàng trăm tù chính trị và tiến hành nhanh chóng hàng loạt cải cách khác.

Tuyên bố của bà Clinton về việc hai nước sẽ trao đổi các đại sứ đưa ra vào ngày các hoạt động chào mừng tưng bừng diễn ra trên đường phố Myanmar sau khi Tổng thống Thein Sein ban hành ân xá và trả tự do cho 651 tù nhân, bao gồm một số tù chính trị nổi tiếng nhất.

Tổng thống Mỹ Obama mô tả quyết định ân xá là “một bước đi đáng kể hướng tới cải cách dân chủ”. Động thái của Mỹ diễn ra sau chuyến thăm bước ngoặt của Ngoại trưởng Clinton tới Myanmar vào tháng 12. Đây là chuyến công du đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ sau gần nửa thế kỷ.

Theo giới phân tích, đây cũng là nỗ lực thúc đẩy sự hiện diện và liên quan lớn hơn của Mỹ ở khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Washington giờ đây đã thay đổi chính sách cô lập lâu dài với quốc gia Đông Nam Á. “Như tôi đã nói hồi tháng 12, Mỹ sẽ trả lời hành động bằng hành động. Trên cơ sở những bước đi được thực hiện tới thời điểm này, giờ đây, chúng tôi sẽ bắt đầu”, bà Clinton nói tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: AP

Tuy nhiên, bà cũng thận trọng nói rằng, đây là một tiến trình lâu dài. Bất cứ ứng viên nào cho vị trí đại sứ sẽ cần được Thượng viện thông qua, và còn phụ thuộc vào tiến bộ tiếp tục trong quá trình cải cách.

Bà Clinton nhấn mạnh, Mỹ nhận định các bước tiếp theo có thể hỗ trợ cho cải cách, nhưng không công bố chi tiết. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Myanmar đã hạn chế rất lớn thương mại, đầu tư và viện trợ nước ngoài vào nước này. Trong chuyến công du châu Á tháng 11, ông Obama đã đề cập tới các tiến bộ ở Myanmar, như tổ chức cuộc bầu cử mới năm 2010 và sau đó là chấm dứt nhiều thập niên kiểm soát trực tiếp của quân đội.

Bước ngoặt

Ngày 4/2/2010, quốc hội Myanmar đã nhóm họp để bầu Tổng thống dân sự đầu tiên. Và ông U Thein Sein đã trở thành Tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar sau 50 năm dưới quyền kiểm soát của quân đội.

Tại diễn văn nhậm chức, ông Thein Sein tuyên bố với người dân trong nước và thế giới rằng, Myanmar muốn hội nhập vào sân chơi khoáng đạt và bình đẳng của thế giới trong trào lưu dân chủ hóa toàn cầu. Một loạt các biện pháp về đối nội và đối ngoại được thực thi với tốc độ kỷ lục. Nhưng có lẽ chuyển biến quan trọng nhất là việc Tổng thống Thein Sein mời lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi tham dự một cuộc họp ở Naypyidaw, cho phép bà và đảng của bà tham gia tranh cử.

Ông dỡ bỏ nhiều hạn chế đối với truyền thông, trả tự do cho gần 200 tù chính trị, thảo luận ngừng bắn với các nhóm vũ trang thiểu số... Thông điệp của nước Myanmar mới càng rõ ràng hơn khi Tổng thống Thein Sein khẳng định ông muốn tìm kiếm sự công nhận của quốc tế và dỡ bỏ cấm vận của phương Tây.

Hôm 10/1, người phát ngôn đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) Nyan Win cho biết bà Aung San Suu Kyi đã xác nhận sẽ ra tranh cử một ghế trong quốc hội trong các cuộc bầu cử bổ sung vào tháng 4 tới. Trước đó, các hãng thông tấn quốc tế đưa tin bà San Suu Kyi có thể được trao một cương vị trong chính quyền dân sự nếu được bầu vào quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 4 năm nay, theo lời một cố vấn của Tổng thống Myanmar.

Ngoại trưởng Clinton nói, có một đại sứ sẽ giúp Mỹ thúc đẩy quan hệ với người dân và chính phủ Myanmar, hỗ trợ “những bước đi lịch sử và hứa hẹn đang mở ra”. Trong khi đó, Mitch McConnell, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã ủng hộ động thái trên. Ông có tiếng nói quan trọng trong quốc hội Mỹ về vấn đề Myanmar. Thượng nghị sĩ này dự kiến thăm Myanmar tuần tới.

“Trong khi chính phủ của Thein Sein sẽ cần làm nhiều hơn nữa trong nỗ lực cải cách tự do và công bằng, thì cũng hoàn toàn thích hợp rằng, Mỹ sẽ xem xét khôi phục các quan hệ ngoại giao chính thức hơn”, McConnell cho biết.

Thái An
(tổng hợp)