Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã trở về nước sau chuyến công du nhằm hàn gắn quan hệ với nước Mỹ. Trong lần tiếp theo, Nhà Trắng sẽ có những nghi thức trang trọng chào mừng một vị lãnh đạo của Trung Quốc song không chắc là dành cho ông Hồ Cẩm Đào.

Tác giả Edward Wong và Jonathan Ansfield có bài phân tích đăng trên Thời báo New York về ông Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Trung Quốc và con đường nước này chuẩn bị để vị chính khách nổi tiếng khéo léo trở thành lãnh đạo tiếp theo. VietNamNet giới thiệu cùng bạn đọc.

Tiếp theo một kế hoạch kế nhiệm được giữ kín nhiều năm, ông Hồ Cẩm Đào bắt đầu chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Tập Cận Bình, hiện làm Phó Chủ tịch Trung Quốc. Trong khi ông Tập được cho là sẽ chính thức đảm nhận cương vị lãnh đạo vào năm tới ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thế hai thế giới, với một sức mạnh quân sự đang hiện đại hóa ở mức nhanh nhất, thì ông vẫn như là “bí ẩn” với nhiều người, kể cả ở Trung Quốc.

Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây ấn tượng bằng hình ảnh khiêm tốn, tự lực và độc lập. nh: Zimbio
Nếu có cái nhìn rộng mở vào quá khứ của ông Tập, từ các cuộc phỏng vấn diện rộng và trên các ấn phẩm chính thức của Trung Quốc, có thể thấy sự thăng tiến của ông được xây dựng trên cơ sở phối hợp của nhạy bén chính trị, các kết nối gia đình và tư tưởng khéo léo.

Rất ít tài liệu đề cập việc ông có ý định dẫn dắt Trung Quốc theo một chiều hướng hoàn toàn khác biệt. Nhưng theo một số nhà quan sát chính trị, ông có thể được sự ủng hộ trong đảng lãnh đạo Trung Quốc nhiều hơn ông Hồ Cẩm Đào. Vì thế, ông có thể rộng đường hơn cho việc trải nghiệm những ý tưởng mới. Ông Tập cũng có mối quan hệ quân sự sâu sắc hơn so với hai người tiền nhiệm là ông Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân khi họ đảm nhận chức vị cao nhất.

Trong phần lớn sự nghiệp của mình, ông Tập Cận Bình, 57 tuổi, đã dẫn dắt những khu vực đang bùng nổ ở vùng duyên hải phía đông, nơi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty tư nhân phát triển và chính phủ ủng hộ mạnh mẽ doanh nghiệp. Thực tế này đem lại cho ông Tập những kinh nghiệm chính trị và kinh tế mà ông Hồ Cẩm Đào có thể thiếu khi ông lên lãnh đạo đất nước.

Ông không “khắc khổ” bằng ông Hồ Cẩm Đào. Tập Cận Bình được gọi là “thái tử” - từ chỉ con cháu hậu duệ các nhà lão thành cách mạng ở Trung Quốc - và cuộc hôn nhân thứ hai của ông chính là với một ca sĩ nổi tiếng, một nữ tướng quân đội, bà Bành Lệ Viện.

Nấc thang danh vọng

Ông Tập Cận Bình đi từng bước vững chắc trên nấc thang danh vọng bởi sự ủng hộ của hầu hết các quan chức cấp cao trong đảng. Ông gây ấn tượng bằng hình ảnh khiêm tốn, tự lực và độc lập cho dù có những quan hệ gia đình nổi tiếng, các quan chức biết ông nói như vậy.

Phong cách tinh tế và thực dụng của ông đã được thể hiện trong cách xử lý một dự án điện đang trên bờ vực sụp đổ vào năm 2002, thời điểm ông phụ trách Phúc Kiến, một tỉnh duyên hải. Công ty Bechtel của Mỹ và một số nhà đầu tư nước ngoài khác đã đổ vào đây gần 700 triệu USD, nhưng bị mắc kẹt trong một cuộc tranh cãi với các quan chức kế hoạch.

Sau khi né tránh yêu cầu của các nhà điều hành nước ngoài về việc tổ chức một cuộc họp, ông Tập đã đồng ý trò chuyện cả đêm với một cố vấn kinh doanh người Mỹ về dự án, người này có cha là bạn của cha ông Tập những năm 1940. Ông Tập giải thích rằng, ông không thể can thiệp mạnh mẽ với các quan chức khác. Nhưng ông cho thấy rõ là, ông nắm dự án rất rõ ràng và ủng hộ nó, hứa sẽ gặp gỡ các nhà đầu tư “sau khi hai bên đạt được thỏa thuận”. Kết quả là nhà máy điện bắt đầu đi vào hoạt động.

“Tôi nghĩ, con người này là một chính khách lỗi lạc”, vị cố vấn Sidney Rittenberg Jr nói.

Những kỹ năng chính trị của ông Tập đã được “đền bù” lớn nhất vào tháng 10 vừa qua, khi ông trở thành Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương - một động thái đồng nghĩa với việc ông hầu như sẽ trở thành người kế nhiệm cương vị Tổng bí thư của ông Hồ Cẩm Đào cuối 2012 và Chủ tịch năm 2013. Ông Hồ Cẩm Đào, hiện là Chủ tịch Quân ủy Trung ương có thể giữ chức vụ này trong ít năm nữa.

Năm tháng trôi qua, ông Tập đã xây dựng “sức hấp dẫn” của mình “theo cách ông giải quyết các vấn đề chính trị”, Trương Hiểu Tân - một nhà khoa học chính trị tại Đại học Thanh Hoa cho biết. “Về cải cách và phát triển kinh tế, ông chứng tỏ còn hiệu quả hơn”, ông Trương đánh giá. “Về cải cách chính trị, ông không tạo ra bất cứ rủi ro nào có thể bị tác dụng ngược”.

Ông Tập Cận Bình còn được đánh giá là “người dung hòa” giữa hai “phe”. Một bên là những người ủng hộ ông Hồ Cẩm Đào, bên còn lại tán thành ông Giang Trạch Dân. Dòng dõi và sự nghiệp cùng với sự phồn vinh của khu vực duyên hải đem lại cho ông Tập sự thân cận hơn với ông Giang. Nhưng giống như ông Hồ Cẩm Đào, ông Tập cũng có nhiều năm phụng sự ở các tỉnh nội địa. Ông Hồ Cẩm Đào còn từng là người thân cận với cha ông Tập - một nhà cách mạng lão thành của Trung Quốc.

* Còn tiếp

  • Thái An (Theo nytimes)