- Không những phải hạn chế tập trung khuyến mại, săn đón thuê bao trả trước bằng mọi giá như hiện nay, các mạng di động Việt Nam còn phải bớt chú trọng đến đối tượng người dùng trẻ dưới 20 tuổi nếu muốn tăng trưởng bền vững và hợp nhịp với xu hướng thế giới.

Đó là kiến nghị của ông Roger Barlow, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành hãng nghiên cứu thị trường RJB Consultants (Hong Kong), trong bối cảnh thị trường di động Việt Nam đã bị nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá là "rơi vào điểm bão hòa", một hiện tượng khá "kỳ dị" đối với các thị trường mới nổi, đang phát triển.



Bất cập ARPU

"Ở các thị trường đã phát triển như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á, dù mật độ đã bão hòa nhưng chỉ số Doanh thu/đầu người ARPU luôn ở mức từ khá đến cao. Trong khi đó, với số liệu mà chúng tôi có, cũng như từ số liệu mà Bộ Thông tin - Truyền thông công bố, thì có vẻ như mỗi hộ gia đình VN đều đã sở hữu ít nhất một tài khoản di động. Thế nhưng ARPU lại cực thấp, thuộc nhóm thấp nhất châu Á", ông Burlow cho biết.

Một nghiên cứu hồi cuối năm 2010 của RJB cho thấy, ARPU của Việt Nam chỉ khoảng 4 USD/người/tháng và vẫn đang tiếp tục giảm vì các nhà mạng cạnh tranh nhau bằng giảm cước và khuyến mãi khủng. Yếu tố then chốt giúp cải thiện ARPU là các dịch vụ dữ liệu và giá trị gia tăng thì hiện tại, ở Việt Nam chủ yếu chỉ có các dịch vụ dựa trên tin nhắn SMS như xổ số, tử vi, tải nhạc chuông, nhạc chờ... Các dịch vụ dữ liệu phi-SMS vẫn còn rất yếu và thiếu.

Câu hỏi đặt ra là phải làm thế nào để kích thích người dùng sử dụng các dịch vụ dữ liệu? Các chuyên gia viễn thông đều cho rằng, bản chất của thuê bao trả trước là thiếu sự trung thành và rất lười đầu tư cho các dịch vụ trả tiền. Điều này đặc biệt đúng tại Việt Nam, khi rất nhiều thuê bao bỏ tiền ra mua SIM trả trước để được hưởng khuyến mại hời, hết khuyến mại, hết tiền thì sẵn sàng vứt SIM đi, sắm SIM khác. Rõ ràng, với đối tượng chỉ tập trung vào "nghe, gọi, nhắn tin giá rẻ" này, việc thuyết phục họ sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng, dữ liệu trả tiền là điều "không tưởng". So với thuê bao trả trước, thuê bao trả sau được đánh giá là những khách hàng tương đối trung thành, có thu nhập thường là cao hơn nên khả năng họ sử dụng các dịch vụ dữ liệu cũng cao hơn.

Tin xấu là có tới 96% thuê bao di động tại Việt Nam là... thuê bao trả trước, chỉ 4% còn lại là thuê bao trả sau mà thôi. Thực tế này hoàn toàn trái ngược với Nhật Bản, thị trường có mức ARPU cao nhất châu Á (60 USD), khi chỉ khoảng 2-3% thuê bao di động là trả trước.

"Phải cân đối!"

"Hình thức trả trước đã được các nhà mạng triển khai rất tốt trong những năm qua, nhưng khi vấn đề nảy sinh thì các nhà mạng lại loay hoay không xử lý được, hoặc thậm chí là... bỏ qua. Nhưng giờ đây, cả cơ quan quản lý lẫn các nhà mạng đều đã ý thức được về việc phải đưa trả trước vào khuôn khổ. Từ góc độ của nhà mạng, hiển nhiên là họ muốn hạn chế tình trạng khách hàng rời mạng, chuyện rất thường xuyên xảy ra ở trả trước. Và như đã nói ở trên, khi ARPU xuống quá thấp, nhà mạng đang mong muốn một cách tuyệt vọng là người dùng sẽ chi nhiều tiền hơn cho các dịch vụ cao cấp, điều thường chỉ có ở thuê bao trả sau. Còn từ góc độ cơ quan quản lý, thuê bao trả sau bao giờ cũng dễ quản lý hơn, tránh tình trạng lộn xộn như hiện nay", ông Burlow phân tích.

Các mạng di động thành công trên thế giới đều khai thác cân đối giữa trả trước và trả sau, bởi cách tiếp cận đó giúp họ duy trì được lượng khách hàng ổn định. Họ dành nhiều ưu đãi cho thuê bao trả sau như trợ giá điện thoại, áp giá cước mềm hơn, các gói cước và dịch vụ linh hoạt, đổi lại là cam kết sử dụng dịch vụ có thời hạn từ người dùng. Chính vì thế, họ mới có thể đảm bảo ARPU luôn ở mức đủ cao để có vốn tái đầu tư cho mạng lưới, hệ thống, để đảm bảo chất lượng cho các dịch vụ sẵn có và phát triển, xây dựng các dịch vụ mới.

Nghiên cứu của RJB cho thấy, từ nay đến năm 2020, tỷ lệ dân số Việt nam có độ tuổi > 25 ngày càng đông. Nhóm các hộ gia đình có thu nhập cao (từ 7500 USD/năm trở lên) cũng ngày càng nhiều, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Đây chính là điều kiện "vàng" để thị trường di động Việt Nam thay đổi bản chất, dịch chuyển từ các dịch vụ trả trước - chủ yếu phục vụ đối tượng người dùng trẻ tuối < 25 tuổi sang hình thái trả sau và phục vụ đối tượng người dùng trưởng hành. Các nhà mạng cần có sự chuẩn bị kỹ càng cho giai đoạn 5-10 năm tới, bằng việc tung ra hàng loạt các dịch vụ dữ liệu, nội dung phong phú để thu hút đối tượng người dùng mới. Thậm chí là phải phát triển nhiều dịch vụ cao cấp (premium) để thỏa mãn nhu cầu của các gia đình trung lưu ở đô thị.

"Chỉ có như vậy, thị trường mới có thể phát triển lành mạnh và bền vững", ông Burlow kết luận.

Quá nóng và quá ngắn

Cùng chung quan điểm với ông Burlow là đại diện đến từ mạng Orange France Telecom, ông Jacques Fulcrant. Là một người đã làm việc và gắn bó với thị trường Việt Nam suốt 15 năm qua, ông Fulcrant rất am hiểu và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về thị trường. Ông khẳng định, thị trường VN đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc trong 15 năm qua, thể hiện ở mật độ phổ cập, số lượng thuê bao, giá cước rất hợp lý và phù hợp với số đông dân số.

Tuy nhiên, những con số tăng trưởng chót vót sẽ không thể duy trì mãi được. Đến một lúc nào đó, nó sẽ chạm đỉnh và dừng lại, như một quy luật tất yếu. Vấn đề của Việt Nam là quá trình tăng trưởng này quá nóng và quá ngắn, nhà mạng chưa kịp thu hồi vốn đầu tư khủng ban đầu thì đã phải đối mặt với ngưỡng bão hòa.

"Một mạng viễn thông phải đầu tư số tiền khổng lồ để thiết lập mạng lưới, cả cố định lẫn không dây. Nhưng sau đó, họ phải nhọc nhằn cóp nhặt doanh thu rất thấp từ từng người dùng cá nhân một để bù đắp cho chi phí bỏ ra. Sự mất cân đối nghiêm trọng giữa đầu tư ban đầu với ARPU đang làm khó các nhà mạng. Những mạng lớn với tiềm lực tài chính dồi dào có thể cầm cự được, nhưng các mạng nhỏ thì lay lắt và không thể chịu nổi trong một thời gian dài", ông Fulcrant thẳng thắn nhận xét.

"Câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là liệu có nên nhồi thêm thẻ SIM vào thị trường hay không, hay việc hạn chế phát hành thẻ SIM mới nhưng đảm bảo rằng người dùng sẽ nạp tiền giữ số và sử dụng dịch vụ thì tốt hơn?" - Việt Nam hiện là một trong những nước có mật độ SIM/đầu người cao nhất thế giới, nhưng rất nhiều SIM trong đó là SIM chết, không còn hoạt động. Và đại đa số đều không tạo ra một đồng doanh thu nào. Chính vì thế, đây là một sự lãng phí theo vị chuyên gia người Pháp là "khủng khiếp": lãng phí cả về kho số, vốn là một tài nguyên của quốc gia, lãng phí về chi phí sản xuất thẻ SIM, lãng phí tài nguyên thông tin của nhà mạng để quản lý, vận hành.

Đương nhiên, câu cửa miệng của khách hàng bao giờ cũng là "càng rẻ càng tốt". Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường di động cũng buộc các nhà mạng phải giảm giá để hút khách, giữ khách. Và khi ấy, chất lượng dịch vụ sẽ là "con tốt thí đầu tiên". Với các khách hàng trưởng thành, có thu nhập ổn định, họ sẽ dễ dàng thấu hiểu quy luật "đôi bên cùng có lợi". Một mức cước quá thấp, bất hợp lý, không đảm bảo doanh thu và tăng trưởng cho nhà mạng sẽ khiến họ hy sinh chất lượng, đồng thời không có điều kiện mở rộng mạng lưới, phát triển thêm nhiều dịch vụ gia tăng mới. Khách hàng sẽ phải chịu cảnh dịch vụ phập phù, bập bõm. Còn Chính phủ sẽ phải đối mặt với một ngành công nghiệp di động thiếu lành mạnh, thất thu về thuế... Nói cách khác, đó là một tình thế mà "tất cả các bên đều thua trận".

Ông Fulcrant nhận định rằng các mạng di động Việt Nam quá bị ám ảnh bởi các con số, lúc nào cũng chạy đua xem số lượng thuê bao của ai đông nhất, nhiều nhất. Những bất cập về thị trường trả trước và chỉ số ARPU thời gian qua đã cho thấy mặt trái của sự ám ảnh đó. Đã đến lúc cơ quan quản lý và doanh nghiệp viễn thông cần hợp tác với nhau để xây dựng một chiến lược cạnh tranh và giá thành đúng đắn, hợp lý, để vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng cho tất cả các bên, vừa đảm bảo sự phát triển lành mạnh của ngành, ông Fulcrant khuyến nghị.

Trọng Cầm