Nếu như người dùng miền Bắc mua bán chủ yếu dựa trên giá cả thì thị trường miền Nam lại quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm và dễ dàng tiếp nhận các công nghệ mới.

Ông Ngô Văn Nhã, Phó Chủ tịch TAITRA khẳng định Đài Loan luôn coi Việt Nam là thị trường quan trọng ở châu Á để giới thiệu tới người dùng Việt những sản phẩm công nghệ đáng tin cậy, sáng tạo và nhiều lợi ích. Ảnh: Cầm Thi

Đó là nhận định được chuyên gia Jay Yang - Văn phòng Tư vấn Viện Thông tin Công nghệ Đài Loan đưa ra trong "Diễn đàn Quốc tế các thương hiệu Đài Loan 2011" vừa diễn ra ngày 29/9 tại Hà Nội. Theo ông Yang, thị trường Việt Nam có sự phân hóa tương đối rõ về xu hướng tiêu dùng sản phẩm công nghệ, trong đó người dùng miền Bắc tương đối "bảo thủ" nhưng lại dễ nghe theo lời các kênh tiếp thị. Thị trường miền Trung được nhận định là còn tương đối nhỏ trong khi miền Nam chính là thị trường chủ lực với danh mục hàng hóa đa dạng, phong phú, cạnh tranh năng động giữa các thương hiệu, các siêu thị điện máy...

"Trong khi 70% dân số VN đang sinh sống ở nông thôn và chỉ có 30% cư trú ở đô thị thì Đài Loan hoàn toàn ngược lại: chỉ có 30% dân số đang sinh sống ở các khu vực nông thôn còn trên 70% dân số là người thành thị. Xu hướng dễ thấy nhất ở thị trường VN trong thời gian tới sẽ là sự chuyển dịch từ nông thôn sang thành thị và sự chuyển dịch này, chắc chắn sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội để công nghệ thông tin phát triển", ông Yang phân tích.

Cùng với xu hướng đô thị hóa, người VN sẽ tiếp cận và sử dụng công nghệ nhiều hơn. Internet, TV, laptop, smartphone và thậm chí là máy tính bảng sẽ trở nên phổ biến hơn, và đó chính là cơ hội khổng lồ đang chờ đợi các hãng công nghệ nước ngoài, nếu họ có một chính sách phát triển thị trường hợp lý.

"Việt Nam đang phát triển rất nhanh nên việc sớm đặt nền móng tại VN có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Bản thân tôi trong tương lai cũng không thể hình dung VN sẽ phát triển đến mức nào", ông Yang chia sẻ. Tính đến thời điểm này, 20 thương hiệu công nghệ hàng đầu Đài Loan đều đã đổ bộ vào VN với nhiều cấp độ và quy mô khác nhau, có thể kể đến HTC, Acer, Asus, TrendMicro, Transcend, D-Link, Gigabyte....

Theo ông Ngô Văn Nhã, Phó Chủ tịch Hội đồng Phát triển Ngoại thương Việt Nam (TAITRA) thì tổng giá trị thị trường của 20 doanh nghiệp này lên tới 13,1 tỷ USD. Trong đó, cứ 10 chiếc máy tính xách tay được bán ra trên thế giới thì lại có tới 9 chiếc được sản xuất, lắp ráp (toàn phần hoặc một phần) tại Đài Loan. Acer hiện là hãng máy tính lớn thứ ba thế giới, trong khi HTC là hãng sản xuất smartphone lớn thứ 4 thế giới.

Dự đoán về xu hướng phát triển trong thời gian tới của ngành Công nghệ Đài Loan cũng như của Việt Nam, ông Yang cho rằng "phần mềm và giải pháp, tiện ích di động" sẽ là những lĩnh vực cực nóng, cần sự chú ý đặc biệt để có thể "bắt kịp xu thế thời đại". Bên cạnh đó, ông Yang cũng chỉ ra 3 hình thức tích hợp dịch vụ "của tương lai" với tiềm năng đầy hứa hẹn là: Tích hợp đa màn hình; chuyển dịch từ web 2.0 lên Web 3.0 và Tích hợp mạng 4G LTE siêu tốc.

Cụ thể hơn, việc tích hợp đa màn hình sẽ giúp xóa nhòa ranh giới giữa TV, máy tính, ĐTDĐ và máy tính bảng, cho phép người dùng kết nối, truy cập xuyên suốt, không giới hạn. "Bạn chỉ phải bỏ tiền ra mua 1 sản phẩm nhưng lại có thể dùng nó vào nhiều mục đích khác nhau". Trên màn hình tích hợp đó, người dùng sẽ tiêu thụ các nội dung web 3.0. Đó là những dịch vụ, tiện ích mang tính xã hội cực cao, vừa có tính chất địa phương hóa (phù hợp với từng quốc gia, từng khu vực) lại vừa có tính chất toàn cầu hóa. Và cuối cùng, mạng siêu tốc LTE sẽ cho phép phát huy sức mạnh tối đa của màn hình tích hợp và các ứng dụng web 3.0.

Trọng Cầm