Chồng bẩn thì phát bực, còn chồng sạch quá cũng ức chế.
Chồng bẩn
Hồi còn quen nhau, Thắng lúc nào cũng sạch sẽ, tinh tươm, thơm tho. Cưới nhau
rồi Hoa mới biết đằng sau “bao bì bắt mắt” ở giai đoạn khuyến mãi là như thế
nào. Thắng có thói quen ôm laptop lên giường, mắt dán vào màn hình, một tay rê
chuột, một tay bỏ món gì đó vào miệng. Mang thức ăn lên giường thì không bao giờ
trì hoãn nhưng dọn dẹp “cứ để đấy khi nào cần anh sẽ dọn”.
Minh họa: DAD (Thanh niên) |
Rồi thì quần áo dơ, sách báo vứt bừa bãi từ trên giường xuống dưới đất. Gián, chuột chạy tung tăng. Chuyện chồng có thể ăn, ngủ trên bãi rác không khiến Hoa hãi bằng việc vệ sinh cơ thể theo chu kỳ “đánh răng khi vui, tắm khi hứng”. Cả ngày chỉ đánh răng một lần vào buổi sáng nhưng hôm nào không đi ra ngoài thì miễn đánh luôn. Vợ góp ý miết, Thắng tha về một đống kẹo sing gum có chứa “xylitol ngừa sâu răng”. Cứ ăn xong nhai một viên coi như thay thế việc đánh răng.
Đánh răng còn lười thì chuyện tắm táp làm sao siêng nổi. Sau một ngày chạy nhong nhong ngoài đường, về đến nhà anh xã chỉ thay bộ đồ là thấy mình sạch sẽ lắm rồi. Hoa quát tháo, dụ dỗ, ngọt nhạt đủ cách Thắng mới lê thân vào phòng tắm.
Lười vệ sinh cơ thể nhưng lại ngại người khác biết nên Thắng viện trợ đến sự hỗ trợ của đủ các thể loại sản phẩm làm thơm cơ thể. Người ta xịt nước hoa để thơm tho còn Thắng để át mùi hôi cơ thể nên xịt rất chi là hào phóng. Chỉ cần đứng cạnh Thắng một hồi thể nào người Hoa cũng ngào ngạt mùi nước hoa đó dù chẳng xịt phát nào. Riết Hoa thấy Thắng chẳng khác nào đứa con lớn xác của mình suốt ngày phải hò, phải hét, phải dí đi đánh răng, tắm rửa. Mãi vẫn không thay đổi nên Hoa đành lờ luôn, chấp nhận sống chung với… bẩn.
Chồng sạch
Hạnh là bạn học cấp 3 của tôi. Một lần tôi đến nhà Hạnh chơi. Phát - chồng Hạnh, sau khi ra chào rút vào trong để tôi và Hạnh trò chuyện thoải mái. Đang rôm rả tôi chợt thấy Phát lúi húi lượm vỏ bịch bánh bị gió thổi bay từ bàn xuống đất. Nghe tôi nói Hạnh may mắn vì có chồng sạch sẽ như vậy, Hạnh cười méo xẹo “sạch quá cũng ức chế lắm”. Sau đó hễ có dịp gặp nhau Hạnh lại than thở về cái sự sạch sẽ đến thái quá của Phát. Đi làm về mệt, Hạnh muốn nằm nghỉ ở ghế một lát rồi tắm rửa nhưng Phát một hai bắt Hạnh làm ngay. Khi Hạnh đứng lên đi vào nhà tắm Phát lấy giẻ lau sạch sẽ chỗ Hạnh vừa nằm, vừa ngồi. Bản thân Phát một ngày phải tắm ít nhất hai lần, hôm nào ở nhà thì ba, bốn lần. Đi làm mang theo cả đồ để tắm ở công ty. Ăn xong là đánh răng bất kể ăn chính, ăn vặt.
Không chỉ cơ thể sạch sẽ mà nhà cửa, đồ đạc cũng phải như lau, như li. Đi thì thôi về đến nhà Phát săm soi tất cả mọi thứ. Một cọng tóc rơi ra nhà cũng khiến Phát khó chịu. Chén bát rửa xong phải tráng nước cuối cùng bằng nước nóng. Ít ai biết được nhà Hạnh có 2 bộ chén bát, ly tách một dành cho khách đến nhà, và một dành riêng cho vợ chồng. Nhìn đâu cũng thấy dơ bẩn nên Phát rất ngại ra đi đâu. Rủ được Phát ra ngoài ăn tiệm là điều khó khăn, nếu không nói bất khả thi vì Phát cứ lắc đầu nguầy nguậy bảo mất vệ sinh không ăn được. Qua nhà bố mẹ Hạnh, Phát chỉ ngồi đúng một chỗ không đụng tay vào cái gì. Sợ bố mẹ nghĩ con rể khinh rẻ Hạnh phải giải thích cho bố mẹ hiểu. Dần dần Hạnh ngại đi cùng Phát về nhà bố mẹ đẻ. Đỉnh điểm sự sạch sẽ của Phát khiến hai vợ chồng suýt ly dị. Lần đó hai vợ chồng đi du lịch. Nghĩ là vợ chồng lại đi chơi xa xách nhiều túi lỉnh kỉnh nên Hạnh bỏ quần áo, đồ dùng của mình vào chung va li với Phát. Không ngờ Phát lôi ra hết bảo “đồ phụ nữ dơ không để chung được”. Nổi cơn tam bành Hạnh ném đồ, không đi nữa viết đơn xin ly dị. Tính sạch sẽ của Phát khiến người quen e ngại nên không dám đến nhà. Ngoài tính sạch sẽ ra thì Phát là người tốt tính nên cũng như Hoa, Hạnh chấp nhận sống chung với lũ, chỉ khác lũ này vô trùng.
(Theo Thanh niên)