Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, việc cha mẹ bơm ảo tưởng về sự giỏi giang, tài năng, thần đồng cho con cũng giống như việc trút cho trẻ gánh nặng quá sức, có thể khiến trẻ ngã qụy.

Con là số 1

Tuấn Kiệt là con đầu của doanh nhân thành đạt Tuấn Đức. Khi đặt tên cho con, vợ chồng anh Đức đã rất hy vọng cậu con trai sau này sẽ giỏi giang, kiệt xuất hơn người.

Ngay từ khi lên 2 tuổi, Tuấn Kiệt đã được bố mẹ cho đi học bơi. Chưa vào bậc tiểu học, Kiệt đã được bố mẹ cho theo học các lớp năng khiếu. Lên lớp 1, trong khi các bậc phụ huynh cùng lớp e dè với việc học tiếng Anh vì sợ con chưa thạo mặt chữ tiếng Việt thì Tuấn Kiệt đã được bố mẹ cho học cả tiếng Anh và tiếng Nhật. "Khi theo bố mẹ ra Bờ Hồ chơi, Tuấn Kiệt đã có thể nói làu làu tiếng Anh với khách du lịch nước ngoài. Còn việc học ở trường thì khỏi phải nghĩ, cháu luôn dẫn đầu lớp"- anh Đức tự hào.
Tài năng của trẻ không phụ thuộc vào những lời tâng bốc của bố mẹ (ảnh chỉ mang tính minh họa).

"Cậu bé vàng" ngay từ ngày nhỏ đã ý thức được mình là số 1, yêu cầu của mình cũng là số 1 nên cậu luôn khệnh khạng, vênh váo với cả người thân và bạn bè. Suốt quá trình học phổ thông, nhờ những đóng góp không nhỏ của doanh nhân Đức cho trường nên Kiệt luôn được giữ chức lớp trưởng. Nhưng vì luôn được gia đình, bạn bè của cha mẹ ca tụng là lớp trưởng lâu năm, là nhân vật đặc biệt nên khi các bạn miệt mài ôn thi thì Kiệt vẫn ngày ngày xách xe máy rong chơi. Hậu quả là Tuấn Kiệt trượt thẳng cánh. Ấm ức vì cho rằng giám khảo chấm nhầm nên doanh nhân Đức làm đơn xin phúc khảo lại bài thi của con, kết quả vẫn y nguyên. Còn Kiệt thì bị sốc, muốn độn thổ vì xấu hổ với bạn bè. Cậu khóa trái phòng, không ăn uống, tiếp xúc với ngay cả người nhà để tìm quên trong các trò chơi điện tử đến nỗi phải nhập viện vì kiệt sức.

Việt Hoa là con gái của một chủ tiệm kim hoàn. Vì là con gái duy nhất nên Việt Hoa được cha mẹ trưng diện và cưng chiều hết mực. Với người mẹ, Việt Hoa là đứa trẻ xinh xắn nhất, đáng yêu nhất, học giỏi nhất... Sự ảo tưởng về cô con gái cưng của bà mẹ đã như mưa dầm thấm lâu vào tư tưởng con gái khiến cô cũng luôn nghĩ rằng mình là số 1, không có bất cứ người bạn gái nào có thể "qua mặt" được cô.

Trong một lần trường THPT nơi Việt Hoa học tổ chức cuộc thi Miss teen tài năng, Việt Hoa đã được Ban giám khảo chấm giải khuyến khích. Ngỡ ngàng trước quyết định của ban giám khảo, Việt Hoa đã ôm mặt khóc rấm rứt và từ chối nhận giải vì cho rằng Ban giám khảo trù dập, không công bằng với cô. Việt Hoa cho rằng điệu múa của cô thực sự đẹp, ấn tượng hơn tiết mục được giải nhất rất nhiều lần. Mặc cho sự phản đối của khán giả cũng là những người bạn đồng môn ở phía dưới, mẹ Việt Hoa chạy lên sân khấu cũng cố buông ra lời nhận xét tâng bốc tiết mục biểu diễn của con gái rồi hùng hổ dắt tay con đi về trước sự la ó của khán giả.

Tuần sau, Việt Hoa được mẹ cho chuyển trường học. Trong ký ức về trường cũ của Việt Hoa vẫn hằn lên vết sẹo trong tâm hồn khi nghĩ rằng mọi người đã quá đố kỵ với cô.  
 
Đừng bắt trẻ gánh quá sức

Nhận xét về những trường hợp trên, TS tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, cũng giống như các bậc cha mẹ khác, trong mắt cha mẹ của Việt Hoa và Tuấn Kiệt thì con mình thực sự là tài năng, giỏi giang. Tuy nhiên, việc cha mẹ quá ảo tưởng về con, đi đến đâu cũng khoe con học giỏi, tài năng sẽ khiến đứa trẻ nếu không bị ảo tưởng theo thì cũng bị áp lực. Nếu không đạt kết quả như mong muốn, nhiều đứa trẻ xấu hổ không dám ra đường. Thậm chí có trẻ tiêu cực đến mức muốn tự tử.

"Việc khuyến khích, động viên con cái tự tin là điều rất đáng làm. Tuy nhiên, tự tin khác với ảo tưởng. Bơm ảo tưởng cho con là cha mẹ vô tình tạo cho đứa trẻ sự ngộ nhận về bản thân nên khi bị thất bại, trẻ dễ bị sốc và rất khó tự đứng dậy được. Việc này cũng giống như việc bắt con gánh nặng quá sức, lẽ ra đứa trẻ chỉ có thể gánh được 30kg thì lại trút lên vai con 70kg khiến trẻ dễ bị ngã quỵ"- TS Đinh Đoàn ví von.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học cho rằng bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con mình là số một nên thường áp đặt suy nghĩ của bản thân lên trẻ. Thậm chí, nhiều người luôn thổi phồng tài năng của con mình. "Việc khen tặng quá mức hay sự tung hô của cha mẹ có thể khiến con cái ảo tưởng, ngộ nhận về bản thân. Chúng có thể mất khả năng sáng tạo, không định hướng được hành vi trong cuộc sống. Khi được thổi phồng tài năng, trẻ luôn nghĩ mình giỏi hơn người khác thì sẽ không thể nào thích nghi, kết nối được với bạn bè xung quanh. Trẻ khó thân thiện với mọi người, không có sự vị tha", PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận xét .

Theo TS Trịnh Hòa Bình, những trẻ không có tài năng thật sự mà vẫn được bơm thổi thì khi bị người khác dè bửu, chê trách... dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý. Thậm chí, chúng sẽ phá phách, nổi loạn để lấy lại những thứ mà nó tưởng mình đạt được mà đã mất đi.

"Việc đánh giá khả năng của con cái vẫn phải dựa trên những nguyên tắc: Khách quan, công tâm, chính xác và khoa học. Không nên quá thổi phồng năng khiếu của con mình làm lệch lạc cách sống của trẻ", PGS. TS Trịnh Hòa Bình khuyến cáo.
 
Theo GDXH