Chúng ta đều biết trẻ nhỏ tuổi rất hay hiếu động, tò mò và tinh nghịch. Việc theo dõi trẻ lúc chơi, sinh hoạt phải luôn cẩn thận, đề phòng những tai nạn đáng tiếc xảy ra cho trẻ. Tuy nhiên, có những tình huống tai nạn dở khóc dở cười gặp ở trẻ.
 
1. Bị nhầm về nhiễm trùng tiểu

Bé gái T.B.N, 3 tuổi, nhà ở quận 1 TP.HCM, được mẹ đưa đi khám bệnh, vì mẹ nghi bé nhiễm trùng tiểu. Hỏi người mẹ được biết, sau khi ăn cơm tối xong, bé ngồi bô, vừa ngồi được vài giây thì khóc than “đau đau”, tay sờ vào vùng kín. Mẹ bé tưởng con mình tiểu buốt đau làm bé khóc, sau đó lại cho ngồi bô để tiểu tiếp, thì bé nhất quyết không chịu ngồi vào bô. Bác sĩ thấy làm lạ vì hành động không ngồi vào bô, sau khi khám và xét nghiệm nước tiểu, kết luận bé N. vẫn khỏe mạnh không có bị nhiễm trùng tiểu, bác sĩ kêu người mẹ lấy cái bô đến xem thử. Sau khi kiểm tra cái bô, hóa ra là bô nhựa, có một miếng nhựa nhỏ xíu tróc ra, miếng nhựa này nhọn nhô lên, khó thấy nếu không để ý, nên khi ngồi vào, nó cọ vào mặt sau đùi của bé làm cho bé đau, khóc, còn mẹ bé tưởng con mình đi tiểu đau.

2. Trượt chân té gãy xương


Bé trai T.ĐM. 4 tuổi, nhà ở quận 4, TP.HCM, nhập viện vì té do trượt chân. Theo mẹ bé cho biết, chị canh bé cẩn thận, luôn để sàn nhà khô. Trong lúc để bé vừa uống nước bằng ly và xem ti vi, người mẹ đi nấu cơm cách bé không xa. Bé rất nghịch, uống và phun nước ra sàn nhà. Do âm thanh ti vi, nên mẹ bé cũng không nghe thấy tiếng phun nước của con mình. Sau khi phun nước ra sàn, bé chạy nhảy và trượt vào vũng nước té đập mông và đầu xuống nền gạch. Kết quả đầu mông không sao, nhưng bị gãy xương ở ngón chân cái.

3. Bỏng hy hữu vì nước sôi

Mẹ của cháu N.L.T 4 tuổi, tạm trú ở quận Tân Bình, TP.HCM. Than thở rằng do ở nhà thuê, phòng rất nhỏ, nên đã rất sợ tai nạn bỏng xảy ra với cháu. Gia đình rào chắn hết chỗ nấu ăn, với những tấm gỗ chắn có chiều cao 80cm, tạo thành lô cốt không thể vào được. Sau khi đun sôi nước bằng bình siêu tốc để dưới đất, cái bình này nằm an toàn trong rào chắn. Thường sau khi đun sôi, người mẹ mở nắp bình siêu tốc ra để cho nước nguội. Chị nghĩ con mình không đến nghịch khu chắn. Nào ngờ, ít phút sau cháu T., ném trái banh nhỏ vào bình nước vừa mới đun sôi đang mở nắp, làm cho nước sôi bắn vào đầu, tay, lưng, làm cháu bị bỏng độ II-III.

4. Vết thương vùng mặt do mảnh chai

Trong ngày rằm tháng giêng vừa qua, mẹ của cháu trai L.H.H 6 tuổi, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM, có bày mâm cúng tổ tiên, mâm cúng sau khi để trên bàn thờ xong thì chuyển xuống cái bàn gần đó. Hai đứa con của chị lấy 2 cái ly thủy tinh trong mâm cúng để chơi trò cụng ly, chiếc ly vỡ ra do cụng mạnh làm nhiều mảnh thủy tinh văng ra khiến em H. bị nhiều vết thương rách da trên mặt phải đến bệnh viện để khâu. Hầu hết trẻ mắc phải những tai nạn đều là do sự sơ ý hoặc một phút lơ là ở người lớn, cho dù có hy hữu đi chăng nữa, nếu nhìn kỹ lại cũng do lỗi của chúng ta. Vì thế, biện pháp tốt nhất để phòng ngừa tai nạn cho trẻ chính là sự nhận thức, cảnh giác của người lớn trước các nguy cơ có thể gây ra tai nạn.

BS. MẠNH HÀ (SK&ĐS)