- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Long An Trương Thị Thu Hà cho VietNamNet biết, Sở đã chỉ đạo xuống Phòng GD-ĐT và nhà trường nơi hai con của nhà báo Hoàng Hùng đang theo học, đề nghị  không để giáo viên hay học sinh bàn tán hay hỏi chuyện về vụ việc.

Ban Biên tập Báo Người Lao Động trao đổi với giáo viên chủ nhiệm em Lê Hồng Châu sáng 21/2
Bà Hà cũng cho biết thêm, nếu em Lê Hồng Châu (lớp 11) hay Lê Hồng Nhung (lớp 7) muốn chuyển trường khác, gia đình chỉ cần làm một lá đơn xin chuyển thì Sở sẽ giải quyết ngay.

Trước hoàn cảnh đáng cảm thông của hai em, Sở GD-ĐT cũng sẽ tìm cách vận động các tổ chức, đoàn thể giúp đỡ về tiền học phí nếu gia đình em đề nghị.

Diễn biến vụ án liên quan đến cái chết của nhà báo Hoàng Hùng rất phức tạp và truyền thông không thể bỏ qua. Tuy nhiên, có những chi tiết đã làm cho hai đứa trẻ bị tổn thương. Những sự kiện xảy ra nhanh và quá bất ngờ nên không ai nghĩ đến việc phải bảo vệ hai con của nhà báo.

Vì thế, trước đó, cháu Lê Hồng Nhung đã từng bỏ học vài ngày, đã được những đồng nghiệp của bố động viên nên đã đi học trở lại.

Tuy nhiên, sức ép từ dư luận xì xèo bàn tán và những câu hỏi nhạy cảm “có phải mẹ giết cha” đã khiến một học sinh giỏi, năng nổ với các hoạt động đoàn thể như Hồng Châu nay chỉ biết đi cúi gằm mặt bước vào lớp và kiệm lời trong mọi giao tiếp với bạn bè.

Thi thoảng xảy ra

Trả lời trên Đất Việt, tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, dư luận nên nhìn nhận vụ vợ nhà báo đốt chồng như một vụ án hình sự bình thường, thi thoảng vẫn xảy ra không chỉ ở nước ta mà nhiều nước trên thế giới.

Ông Bình mong muốn các phương tiện thông tin đại chúng hãy đưa tin có định hướng, không nên “đào” quá sâu về đời tư của những người liên quan đến vụ việc này.

“Hãy để pháp luật làm chức năng, phận sự của mình còn chúng ta hãy coi đây như một bài học để ứng xử với nhau tốt hơn. Đừng vì sự vô tình mà đẩy hai đứa trẻ đang chịu nỗi đau tột cùng về cha, về mẹ vào chỗ đường cùng, không lối thoát trong khi các em không đáng phải chịu hình phạt như vậy”, ông Bình nói.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Để bi kịch dừng ở chỗ cần dừng

Trên Yahoo, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã có một bài viết gây xúc động với bạn đọc mang tựa đề: Để bi kịch dừng ở chỗ cần dừng.

Ông viết: Truyền thông báo giấy lẫn các mạng xã hội đang “nóng“ lên bởi một vụ án hình sự mà nạn nhân là một nhà báo.

Đấy là sự kiện, không thể nằm ngoài truyền thông. Báo chí phải đưa tin là trách nhiệm của mình. Cái lý là thế. Nhưng đi cùng trách nhiệm, truyền thông còn có những vấn đề khác: điểm dừng và đạo đức người làm báo.

Trường hợp hôm nay của một nhà báo vắn số, của một mối quan hệ vợ chồng bất hạnh trước “dư luận”cũng đang có nguy cơ đẩy hai đứa trẻ đang lớn vào thảm kịch. Chúng không còn quyết định số phận của mình được nữa. Giờ đây nó tùy thuộc vào sự kiện được truyền thông và dư luận đẩy tới đâu.

Nếu như thông thường, những đứa trẻ ấy không thể đến trường nữa vì cái nhìn nặng nề của bạn bè chung quanh. Vấn đề cần đặt ra chính là: nhà trường có còn là môi trường giáo dục, nơi không chỉ dạy chữ mà còn là dạy sự chia sẻ, cái thương yêu con người với con người, cái đức bên cạnh cái trí.

Đằng sau một sự kiện, một án mạng vẫn luôn có bóng dáng một số phận, một con người. Hiểu được thế, truyền thông sẽ không để bi kịch thành thảm kịch. Bi kịch sẽ dừng lại ở chỗ cần dừng.

Cộng đồng mạng cảm thông

Trên các mạng xã hội, sự bàn tán độc ác vẫn có, nhưng sự cảm thương cho hai đứa trẻ xuất hiện nhiều.

“Đằng sau một cái tin luôn có con người”, một người trẻ đang du học viết thế trên trang Facekook của mình.

Một người ẩn danh chia sẻ trên diễn đàn mạng: Thông tin, xã hội cũng nên có những tiếng nói chung, chia sẻ nỗi đau của hai cháu, động viên hai cháu cố gắng sống "thiện". Tương lai của hai cháu vẫn ở phía trước và thuộc về hai cháu thôi.

Vì rằng, ai có tôi người đó phải chịu tội và cũng không ai được quyền chọn nơi sinh và người sinh ra mình cả.

  • Tú Uyên (Tổng hợp)