- Hi sinh cả tuổi xuân, cả hạnh phúc riêng tư để chỉ sống vì con, đó là lựa chọn của tất cả 18 người phụ nữ đơn thân xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Các chị đã kể câu chuyện cảm động về cuộc đời mình qua những bức ảnh tự chụp được triển lãm tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam ngày 7/3.

Giữ mình cho con

Ngày chị Lê Thị Trọng (Thôn Đan Tảo, xã Tân Minh) sinh con trong cơ cực, đói khổ và không có người thân bên cạnh ủng hộ. Trót mang thai khi chưa kết hôn, chị bị bố đẻ đuổi đi. Chị sống nhờ trong ngôi nhà lá mà mọi người dựng hộ và nuôi con một mình


Tâm sự của bà mẹ đơn thân Nguyễn Thị Hạnh (ảnh chụp ở triển lãm)
Chị Nguyễn Thị Tiếp rớm nước mắt kể lại nỗi buồn khi con gái chị bị gia đình người yêu có đủ cả bố lẫn mẹ chê bai không cho cưới chỉ vì con gái chị không có cha. Thương con, mới đây, khi con gái đi lấy chồng, người phụ nữ đơn thân này đã lo đủ cho con một đám cưới rất lớn với hơn 100 mâm cỗ.

Chị Nguyễn Thị Hạnh không thể quên những đêm nằm ôm con khóc một mình trong bệnh viên suốt mấy năm trời chữa bệnh thận ròng rã cho con. Nhà chồng ngược đãi, đuổi đi khi chồng vừa mất, người phụ nữ này đã một mình nuôi con và đến giờ, khi đã ngoài 50 tuổi, chị mới sắp được hưởng hạnh phúc làm bà nội.

Mỗi người một hoàn cảnh. Những phụ nữ đơn thân không chỉ vất vả cơ cực khi một vai hai gánh nuôi con mà bên cạnh đó, cuộc sống đơn thân của các chị không thiếu những đắng cay và tủi thân lẫn tủi nhục.

Chị Nguyễn Thị Tư tâm sự: Ngày xưa, chị em đơn thân rất mặc cảm, chị em đi đâu cũng như có sự khác biệt, đi ra ngoài không ai để ý đến mình. Đi đâu vẫn phải e dè, rụt rè và không dám nói gì. Nếu có một vài người nam giới hay lui lại nhà thì lại sợ mang tiếng.

Chị Tiếp kể lại:Hai mẹ con ở với nhau, có những người đàn ông đến tỏ tình với mình nhưng mình không đồng ý. Cửa khóa bên trong, họ lấy dây thép chằng bên ngoài, có nhiều hôm quần áo phơi ở ngoài, đêm đến họ lấy hết, con gà phải nhốt chung với người, thậm chí phải ngủ cạnh chuồng lợn để canh chừng. Có hôm hai mẹ con đi chơi về, họ còn đổ keo vào khóa cửa, không mở được mà phải trèo nhờ tường rào nhà hàng xóm để vào nhà.

Chị ngậm ngùi: Thậm chí, muốn thuê người làm là đàn ông cũng khó, vì người ta lại nghĩ biết đâu đến làm cho mình sẽ nảy sinh tình cảm. Hay mua cái gì của nhà người ta cũng phải ba mặt một lời, trả ngay chứ không dám gặp đâu trả đấy, người ta lại nhìn với con mắt khác ngay.


Bà mẹ đơn thân Đỗ Thị Bình: Tôi cùng xây nhà với thợ cho đỡ bớt tiền công đi (ảnh chụp ở triển lãm)
Chị Nguyễn Thị Cường cũng không tránh khỏi những khi bị bắt nạt: “Có hôm, có người giả vờ là uống rượu say để vào nhà, tôi phải quát tháo ấm lên để đánh động với hàng xóm. Thậm chí, đang nấu cơm , một người trong xóm, chỉ đáng tuổi con mình dám đến cợt nhả, tôi dọa lôi nó về nhà, giao nó cho bố mẹ dạy dỗ.”

Lần đó, người phụ nữ yếu đuối như chị Nguyễn Thị Tần đã từng phải vác dao đuổi theo kẻ dám đến nhà quấy nhiễu, dọa nạt người neo đơn, yếu thế như chị.

“Mình sống phải giữ mình, làm sao cho con cái không phải nghĩ gì hay mặc cảm gì về mẹ khi chúng đi ra ngoài. Mình sống vì con, để sau này chúng nó có lấy vợ, lấy chồng thì người khác cũng không nói nó được cái gì.”- Sự mạnh mẽ, gan dạ đôi khi đến mức liều lĩnh đó đều xuất phát từ suy nghĩ này của các chị.

Rất nhiều những đứa con của những người phụ nữ đơn thân này đã khôn lớn, có gia đình riêng và một cuộc sống hạnh phúc hơn mẹ của mình.

Đã có những người đàn ông sẵn sàng đùm bọc, nhưng ý chí sống vì con, lo con thiệt thòi khiến họ vẫn chọn cuộc sống đơn thân vì con cái là tất cả tài sản của mình. Vừa là phụ nữ, vừa là người đàn ông trong gia đình, nước mắt tủi thân chảy đã nhiều nhưng con cái chính là niềm vui và hạnh phúc của họ.

Các chị chia sẻ bí quyết để nuôi dạy con ngoan: “Phải làm sao để các con hiểu được mẹ đã vất vả vì các con như thế nào, cả cuộc đời mẹ đã hi sinh vì con, để các con biết thương mẹ, nghe lời mẹ và ngoan ngoãn, học hành đến nơi đến chốn và tìm được việc làm. Ra ngoài không ai dám chê cười, khinh thường con là con của người mẹ đơn thân.”

Hạnh phúc đang mỉm cười rất rõ với những người phụ nữ này vì con họ đều rất ngoan, biết yêu thương bố mẹ. Cuộc sống vật chất đầy đủ để họ tự lập và luôn ngẩng cao đầu vươn lên trong xã hội.

Tự lập quỹ hưu cho mình

Điều đặc biệt ở những người phụ nữ đơn thân xã Tân Minh này là từ Hợp tác xã đơn thân, họ đã và đang lập quỹ hưu cho bản thân mình.


Những bà mẹ đơn thân chia sẻ câu chuyện của mình với cộng đồng
Phía trước những người phụ nữ này là cuộc sống về già. Dù ai cũng có con cái, cháu chắt nhưng vốn đã quen gồng mình tự gánh vác, lo liệu suốt mấy chục năm, họ đã chuẩn bị trước cho tuổi già không phải cậy nhờ con cháu quá nhiều vì “chúng nó còn phải lo làm ăn, nuôi vợ nuôi con.”

Từ số vốn ban đầu của dự án tín dụng tiết kiệm do Đại sứ quán Phần Lan hỗ trợ cho phụ nữ đơn thân là 49 triệu đồng, 184 hộ đơn thân đã nâng được mức sống. Số vốn nhỏ đó đến nay đã tăng lên 400 triệu đồng.

Bây giờ, càng ngày đất canh tác của các chị càng bị thu hẹp lại nhưng số vốn đó vẫn tiếp tục nảy nở từ chăn nuôi, làm thêm các công việc khác như may túi ngủ, may quần áo, học thêm nghề nghiệp phụ. Dù có người đã trên dưới 50, họ vẫn hăng hái đi học nghề may, học chăn nuôi.

Đối với những người phụ nữ này, hạnh phúc bình dị là nuôi dạy con cái trưởng thành, phát triển kinh tế gia đình, hoạt động xã hội và được cộng đồng chia sẻ ghi nhận.

“Mong sao dự án này không bao giờ mất, hợp tác xã này không bao giờ mất để chị em đơn thân có một mái ấm, không phải lẻ loi, đơn chiếc như trước nữa. Nếu không có mãi nhà này, chị em tiếp tục làm ăn đơn lẻ một mình thì cuộc sống vất vả và buổn lắm, như người chết đuối không phao.”- chị Nguyễn thị Tiếp chia sẻ tâm tư, mong muốn của những người phụ nữ đơn thân.

Bài, ảnh Nguyễn Hường