Trước ngưỡng cửa đại học, không ít sĩ tử băn khoăn chọn ngành gì, nghề gì. Theo đuổi niềm đam mê hay chạy theo nỗi lo cơm áo ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định của các em.

80% sĩ tử quan tâm tới vấn đề việc làm

Trong các buổi tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh tại khu vực miền Tây Nam bộ là Trà Vinh, Cà Mau và An Giang vừa qua, điều dễ nhận thấy là 70% tới 80% số câu hỏi của các bạn học sinh quan tâm tới vấn đề việc làm sau khi ra trường. Mối lo thất nghiệp đè nặng đến nỗi có những em hỏi thông tin rằng có trường nào, ngành nào mà cứ hễ học ra trường là chắc chắn không thất nghiệp không.


“Em sẽ thi khối A vào trường ĐH Kinh tế TP.HCM bởi nhiều người trong gia đình nói rằng ngành này dễ kiếm việc làm, công việc văn phòng và lương cao. Tuy nhiên em vẫn lo lắng bởi học lực mình chỉ đạt mức khá mà thôi”, bạn Kim Loan, trường PTTH Bình Khánh chia sẻ.

Băn khoăn hơn, lo lắng hơn, bạn Thanh Sơn, trường PTTH Long Xuyên như đang đứng giữa tình yêu và tiền bạc: “Em lựa chọn ngành y bởi em bởi đó là ước mơ của em, tuy nhiên gia đình nói rằng ngành này cần sự quen biết mới có thể xin việc được và sẽ phải làm việc 2 năm không có lương, vậy nhờ các thầy tư vấn giúp em có nên theo đuổi ngành học này không?”.

Gần như có cùng sự phân vân giữa “ngã ba đường” như bạn Thanh Sơn, nhưng với bạn Tuấn Cường, học sinh lớp 12 trường PTTH Bình Khánh, đó là trăn trở giữa yêu thích và khả năng, cả về khả năng tài chính lẫn lực học: “Em rất thích học ĐH Nông lâm TP.HCM, nhưng với học lực khá, và chi phí thành phố đắt đỏ nên em sợ không vào được trường yêu thích và định chuyển về thi khoa Nuôi trồng thủy sản tại Trường ĐH An Giang. Vậy cơ hội tìm việc của em ở tỉnh nhà như thế nào”.

Bằng cấp - đại học tỉnh lẻ có kém hơn?

Mai Thanh, học sinh lớp 12 A3 trường PTTH Long Xuyên tới buổi tư vấn tại ĐH An Giang với mong muốn trở thành một chuyên gia môi trường cho tương lai, một sự lựa chọn khá trái ngược với phần đông bạn bè trong lớp học. “Em thích ngành môi trường bởi lẽ môi trường sinh thái Việt Nam và ngay tại tỉnh An Giang cần được cải thiện. Trong khi đa phần các bạn trong lớp lựa chọn những ngành đang hot như ngân hàng, QTKD. Em chọn ngành môi trường bởi yêu thích và nghĩ rằng sẽ đỡ cạnh tranh về công việc hơn nếu chọn ngành hot về sau này”. Mai Thanh tâm sự.


TS. Nguyễn Vĩnh An, ĐH Cần Thơ giải đáp thắc mắc của các em học sinh tỉnh Cà Mau tại buổi tư vấn

Quan tâm đến ngành nghề đào tạo tại Trường ĐH Trà Vinh, Trần Ngọc Quỳnh Nhi (Trường THPT Phạm Thái Bường) thẳng thắn: “Em muốn học tại trường của tỉnh mình nhưng liệu bằng cấp của một trường ĐH ở tỉnh lẻ có cạnh tranh được với bằng cấp của các trường ĐH ở những thành phố lớn?”.

Giải đáp câu hỏi này, đại diện Trường ĐH Trà Vinh cho biết: “Về mặt pháp lý, bằng cấp các trường ĐH có giá trị như nhau. Hơn nữa, nhà tuyển dụng thường quan tâm đến khả năng thực tế của em”. Tiếp lời đồng nghiệp, PGS-TS Võ Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, nhấn mạnh: “Nếu em học tập nghiêm túc, khoa học thì dù học ở đâu em cũng tích lũy được nhiều kiến thức và kỹ năng chứ không nhất thiết bằng mọi giá phải học ở những trường ĐH tại các TP lớn thì bằng cấp mới có giá trị”.

Về phía DN, chị Lê Thị Ngọc Diệp, đại diện công ty VNG, đơn vị đồng hành cùng SGGP trong sự kiện tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh 2011 cho rằng hiện nay VNG cũng như nhiều DN khác trên địa bàn TP không quan tâm tới tấm bằng ĐH xuất phát từ trường nào, mà điều quan trọng vẫn là bạn sinh viên đó có khả năng đáp ứng công việc tốt hay không thông qua phỏng vấn và bài test kỹ năng chuyên môn.

  • Thuý Ngà