Sau thảm họa Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc đã có động thái tức thời cung cấp cho người dân những kiến thức cơ bản về động đất, năng lượng hạt nhân, cách tự bảo vệ mình trong những thời điểm Mẹ Thiên Nhiên nổi giận.

Nhập vai trong buổi diễn tập


Bảo tàng Cứu hỏa Trung Quốc mới đây đã diễn tập tình huống thoát hiểm khi có động đất. Động thái này đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ phía người dân. Số khách thăm quan bảo tàng tăng cao sau hai trận động đất ở tỉnh Yunnan (Trung Quốc) và Nhật Bản.

Đa số người tham gia là cha mẹ và con cái. Họ rất “nhập vai” trong buổi diễn tập.


Cô Yuan Xiaomin, một nhân viên phục vụ tại khách sạn You'anmen cho biết: “Chúng tôi được dạy trước là phải nấp dưới gầm bàn, nhưng lúc đó sợ quá nên tôi chả nhớ gì cả”.


Khách thăm Bảo tàng Cứu hỏa hôm thứ tư được hướng dẫn cách thoát khỏi xe điện ngầm khi động đất xảy ra. Số khách đến thăm bảo tàng đã tăng mạnh sau khi có động đất ở Nhật Bản vào cuối tuần trước (Nguồn: China Daily)

Còn bé Wang Wanting 6 tuổi đến bảo tàng cùng người bà 65 tuổi thì hào hứng kể, cháu đã được dạy “tam giác cuộc đời” - một cách dùng đồ đạc để chống những bức tường đổ.

Bảo tàng An ninh công cộng ở huyện Haidian cũng có những chương trình tương tự. Nhân viên cho biết, người dân lũ lượt gọi về đăng ký trong suốt mấy ngày qua.  


Tuy nhiên, các phương tiện hỗ trợ của bảo tàng hiện chưa sử dụng được do phải bảo dưỡng lại từ tháng 1.


Học kỹ năng đưa tin thảm họa


Tờ New York Times ngày 16/3 đăng tải bài giới thiệu về khóa đào tạo cho sinh viên những kiến thức cơ bản về năng lương hạt nhân.


Chương trình cập nhật những thông tin mới nhất về khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản, giải thích các lò phản ứng hạt nhân hoạt động như thế nào, lợi ích và những nguy cơ từ năng lượng hạt nhân...Sau đó, sinh viên (SV) phải tự  sản xuất một bản tin thời sự.


Sau khi xem video “Nguy cơ của nhà máy hạt nhân Nhật Bản”, người học ghi lại những thuật ngữ khó hiểu và tóm tắt lại nội dung.


Tại khu nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, lò phản ứng số 3 (trái), và số 4 (giữa) đều đã bị phá hủy.

Giảng viên sẽ chỉ ra đoạn phim giải thích cơ chế hoạt động của các nhà máy hạt nhân, nhằm tối thiểu những nguy cơ trong kịch bản tồi tệ nhất: Lõi hạt nhân nóng tới mức không thể kiểm soát và rò rỉ ra một lượng phóng xạ khổng lồ.

Tiếp theo là các hình ảnh “Lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động như thế nào, chuyện gì sẽ xảy ra khi lõi hạt nhân nóng chảy”. SV sẽ lần lượt chú thích ảnh, viết lại sự việc hay câu hỏi về các lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima Daiichi.


SV cùng chia sẻ những gì đã học được, viết lại những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Suy nghĩ của họ được ghi lại trên bảng và giảng viên sẽ gợi ý những bài báo hay báo cáo có liên quan để tham khảo.


Bảo vệ mình khỏi thảm họa hạt nhân


Các câu hỏi thời sự được đưa ra bàn luận gồm: Tại sao lại không thể biết rõ tình trạng của 6 lò phản ứng hạt nhân tại Fukushima Daiichi, thách thức và nguy hiểm đối với những công nhân túc trực ở lại nhà máy hạt nhân…

SV được giảng dạy những mảng kiến thức chính sau: Năng lượng hạt nhân và sự phân tách hạt nhân, các lò phản ứng và nhà máy điện hạt nhân, những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng năng lượng hạt nhân, phóng xạ và các vấn đề sức khỏe.


Phần giảng dạy về phóng xạ và vấn đề sức khỏe có vai trò khá quan trọng. Qua đó, SV có thể trang bị những kiến thức cần thiết tự bảo vệ mình khi có nguy cơ bị nhiễm phóng xạ, đồng thời giải thích được những hành động bảo vệ sức khỏe của người dân Nhật Bản và các nước láng giềng trong những ngày qua.


Ví dụ như việc người dân đổ xô đi mua muối dự trữ trong nhà. Hay việc những người ngoại quốc không chịu rời khỏi Tokyo vì tự đánh giá được mức độ phóng xạ tại thời điểm đó chưa thể gây hại tới sức khỏe…


Một vấn đề nóng hổi là câu hỏi về mức độ rủi ro khi xây dựng các nhà máy hạt nhân. Không chỉ Việt Nam, cả nước Mỹ cũng đang quan ngại về vấn đề này, do mới đây, năng lượng hạt nhân đã nằm trong chính sách hỗ trợ của cả hai đảng.


SV sẽ phải đưa ra những lý lẽ để ủng hộ hay bác bỏ việc phát triển năng lượng hạt nhân, những nguồn năng lượng thay thế khác ngoài năng lượng hạt nhân và độ an toàn đối với người dân Mỹ nói riêng và nhân dân thế giới nói chung.


Những bài học như “Các ý tưởng giáo dục: Động đất và sóng thần Nhật Bản” và “20 cách giảng dạy về thảm họa ở Nhật Bản trong chương trình học”…chứng tỏ người Mỹ rất quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ đối phó với những thảm họa này.


  • Lơ Nguyễn (Tổng hợp theo NY Times và China Daily)