Không chỉ ở các câu lạc bộ, các sân tập hay trên đường phố, vòng lăn của trái bóng cam còn đến tận các giờ thể dục, giờ ra chơi hay bất cứ khoảng thời gian rảnh tại các sân trường.


Học sinh trường Marie Curie TPHCM chơi bóng rổ sau giờ học.
Môn thể thao đang chinh phục các trường học

Theo bác sỹ Nguyễn Trọng Anh, trong Chương trình Giáo dục cộng đồng của Hội Y Học Thể Dục Thể Thao Tp. Hồ Chí Minh: “Tập luyện thể thao giúp tăng cường sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh, được gọi là endorphins, giúp sảng khoái tinh thần”.

Bóng rổ không những là một “liệu pháp” thể thao hữu hiệu để tăng cường sức khỏe, cải thiện chiều cao mà còn là hoạt động làm giảm căng thẳng, giúp thư giãn, khơi dậy sự hào hứng cho người chơi. Trước những lợi ích của bóng rổ đối với sự phát triển của thanh thiếu niên, nhiều trường đã đưa bóng rổ vào giảng dạy như một môn thể dục bắt buộc.

Trong hội thảo Stress và Thể thao diễn ra vào tháng 1/2011 tại TP HCM, bác sỹ Phan Vương Huy Đồng đã chỉ ra rằng các nội tiết tố và phản ứng hóa học chỉ xuất hiện ở những người có chế độ tập luyện thường xuyên tạo cho họ có được sự thoải mái , thư giãn giúp tăng tinh thần và khả năng tập trung cao hơn trong công việc”.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trường đã chính thức đưa bóng rổ vào giảng dạy và đầu tư cơ sở vật chất khá tươm tất như trường chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thượng Hiền... Tại Hà Nội, trường THPT Chuyên Hà Nội (trước đây là trường Amstedam) ngoài nhà thể thao đa năng phục vụ cho bóng rổ, cầu lông, nhảy cao… còn có riêng hai sân tập bóng rổ cho học sinh.

Ở các tỉnh thành khác như Phú Yên, phong trào bóng rổ trong trường học cũng được chú trọng phát triển mạnh. Thầy Nguyễn Trọng Hảo, Tổ trưởng Tổ Thể dục - Quốc phòng, trường chuyên Lương Văn Chánh cho biết: “Bóng rổ đã được đưa vào giảng dạy tại trường trong hơn 5 năm qua. Cơ sở vật chất được trang bị khá đầy đủ từ sân tập cho đến bóng tập cho học sinh. Các em học sinh rất hứng thú và say mê với các giờ học bóng rổ”. Được biết, tại Hội khỏe Phù Đổng năm nay, bóng rổ đã có những đóng góp không nhỏ để trường Lương Văn Chánh giành được thứ hạng giải Nhì tòan đoàn. Thầy Hảo còn cho biết, mỗi học sinh của trường đều tự sắm cho mình một trái bóng để tập luyện hay cùng chơi với bạn bè mọi lúc mọi nơi.

Cũng khó có thể tìm được một môn thể thao nào, khi được đưa vào trường học lại được các em học sinh hưởng ứng nhiệt tình như bóng rổ. Vân Anh, học sinh lớp 11 trường Bùi Thị Xuân (TP HCM) cho biết: “tiết học bóng rổ là một trong những giờ học được lớp em chờ đợi nhất vì đây vừa là thời gian tụi em có thể rèn luyện sức khỏe, vừa là cách để xả stress để tập trung tiếp tục các giờ học khác hơn”.

Còn Thành Nam, học sinh lớp 12, trường chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) chia sẻ bí quyết giảm stress của học tập, thi cử là nhờ chơi bóng rổ đều đặn. Ngoài các buổi học bóng rổ trong trường, hầu như các buổi chiều không phải đi học thêm, Nam cùng nhóm bạn lại hào hứng chơi bóng rổ. “Đây là cách để tụi em có thể giải tỏa căng thẳng, tập trung tinh thần và sức lực cho kì thi đại học sắp tới”, Nam chia sẻ.

Trái bóng cam đang dần chinh phục các trường học, như một liệu pháp giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, phát triển chiều cao, và rõ nét nhất, giúp tinh thần thoải mái, hứng khởi để có thể tập trung tối đa cho việc học, chờ đợi những thử thách ở ngưỡng cửa đại học.

Ngày càng chuyên nghiệp

Nhiều bạn trẻ chơi bóng rổ tại các CLB Thể dục Thể thao.
Trước phong trào bóng rổ đang phát triển ngày càng mạnh trong thiếu niên, nhiều giải thi đấu các cấp liên tục được tổ chức như: giải Bóng rổ THPT Hà Nội, Giải Bóng rổ các CLB tỉnh Quảng Ninh, giải Bóng rổ các tỉnh phía Bắc mở rộng, giải Bóng rổ Festival trường học TP HCM… Trong đó phải kể đến giải Bóng rổ U17 Quốc gia - Cúp Cool  Air là giải đấu chuyên nghiệp mang tầm cỡ quốc gia đầu tiên giành cho lứa tuổi THPT.

Được biết, giải Bóng rổ U17 Quốc gia - Cúp Cool  Air lần đầu tiên tổ chức vào năm 2010 đã thu hút hơn 60 đội đến từ các trường trong cả nước. Tiếp nối thành công đó, năm nay, Cúp Cool Air tiếp tục đồng hành cùng giải với mong muốn mang lại một sân chơi thể thao chuyên nghiệp giúp học sinh rèn luyện thể chất, thư giãn tinh thần để có thể tập trung tốt hơn vào việc học tập.

Công tác chuẩn bị cho vòng đấu sơ loại đã được tiến hành từ đầu năm 2011 tại đồng loạt 30 tỉnh, thành trong cả nước. Vòng loại sẽ được tổ chức tại 4 khu vực Bắc, Trung, Nam và Tây Nam Bộ. (Địa điểm tổ chức gồm: Hà Nội, Bình Thuận, TP.HCM và Cần Thơ). Kết thúc Vòng loại tại 4 khu vực, 2 đội Nhất, Nhì nội dung Nam và Nữ sẽ giành quyền vào thi đấu vòng chung kết toàn quốc.

Song song với vòng loại tại 4 khu vực, ban tổ chức còn có Giải đấu dành cho các đội cổ động viên mang tên “Sôi động sàn đấu”. Ngoài ra, BTC Giải còn dành tặng 10 học bổng trị giá 2 triệu đồng/suất cho các vận động viên xuất sắc nhất Giải cùng giải thưởng đặc biệt dành cho Hoa khôi bóng rổ.

Hai đội tranh tài tại Giải Bóng rổ U17 Quốc gia - Cúp Cool Air 2010
“Tiếp nối thành công của mùa giải năm 2010, Giải bóng rổ U17 Quốc gia - Cúp Cool Air 2011 sẽ tiếp tục là sự kiện thể thao mang tầm cỡ quốc gia với mong muốn động viên phong trào bóng rổ nước nhà phát triển hơn nữa”, nhà báo Vũ Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng rổ Việt Nam, Trưởng BTC Giải cho biết.

  • Thanh Nga