Ông Dong Fan - giảng viên giảng dạy môn bất động sản tại trường ĐH Chuẩn Bắc Kinh thấy thật hổ thẹn nếu có sinh viên không gây dựng được số tài sản 40 triệu NDT (khoảng 7,7 triệu đôla) khi bước qua tuổi 40.

Ông Dong chia sẻ suy nghĩ trên vào hôm thứ 2, trong blog cá nhân tại Sina Weibo (kiểu như Twitter của Trung Quốc). Đến tối thứ 4, thông điệp này đã được chuyển tiếp 18.760 lần và nhận được 7.500 bình luận.

“Khi các em 40 tuổi, đừng đến gặp tôi nếu không có trong tay 40 triệu NDT”.
Ông Dong cho biết, đó chính là yêu cầu của ông đối với sinh viên ra trường, và một phần trách nhiệm của ông là phải khơi dậy đam mê kiếm tiền cho những sinh viên trẻ.

Tại sao ư? “Bởi vì khi các em giàu, các em sẽ đóng góp nhiều hơn cho xã hội bằng việc tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng GDP cao hơn và nộp thuế nhà nước nhiều hơn”.

“Đối với những người có học vấn cao, nghèo đói có nghĩa là hổ thẹn và thất bại”. Ông nói điều này mà không cân nhắc đến sự bất bình trong cộng đồng mạng.

Anh Chen Meng, 29 tuổi, sống ở Thượng Hải, bày tỏ: “Giảng viên nên hướng cho sinh viên làm những việc tốt cho xã hội sau khi ra trường, chứ không chỉ đơn thuần là kiếm tiền bỏ túi. Chúng ta không thể dùng tiền làm tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá thành tựu của một con người”

Một thương nhân ở Thượng Hải - ông He Jie, có viết trên blog cá nhân rằng, không nhất thiết phải kiếm thật nhiều tiền mới có đóng góp cho xã hội:

“Những nhà khoa học xây dựng các tàu không gian không có 40 triệu NDT, nhưng liệu chúng ta có thể nói họ không có đóng góp gì cho sự tiến bộ xã hội?”

Phản ứng lại trước câu hỏi của ông He Jie, vị giảng viên trả lời rằng ông viết tin nhắn đó chỉ đơn thuần là muốn khuyến khích sinh viên của mình học hành chăm chỉ hơn, và thực sự không có ý bài trừ, phân biệt một nhóm người đặc biệt nào.

Theo nghiên cứu trực tuyến do ifeng.com thực hiện, có đến 61,7% trong số 76.049 người tham gia trả lời rằng họ không thể kiếm được 40 triệu NDT khi 40 tuổi; 79,3% chia sẻ rằng họ sẽ cảm thấy rất xấu hổ nếu không kiếm được số tài sản đó.

Ông Liu Chen- một người dân Bắc Kinh nói: “Giảng viên phải giúp sinh viên hiểu được trách nhiệm làm giàu nhưng không được gây tổn hại cho xã hội. Về cơ bản, tôi không đồng tình với cách khuyến khích sinh viên của vị giảng viên này”.

Lơ Nguyễn (Theo China Daily)