- Kiến trúc sư Đoàn Bắc hiện lưu trữ có lẽ đến sáu-bẩy ngàn bức ảnh cổ về Hà Nội và Sài Gòn. Anh cũng đã nói qua do đâu anh có cái di sản văn hóa vô giá ấy, và tên tôi như một nguồn cung cấp cũng được báo chí nhắc tới.

Vậy tôi xin nói rõ thêm về nguồn gốc bộ sưu tập ảnh cổ mà tôi đã cung cấp cho Đoàn Bắc, coi như để tri ân những người bạn Pháp đã giúp đỡ tôi trong cái nghiệp khảo cứu tư nhân, không một “cắc” dự án nào, suốt hai chục năm qua.

Cảng Sài Gòn năm 1866. Nguồn ảnh: ASEAMI - UNSA

Tháng 5/2007, tôi có cơ may được Đại học Provence ở thành phố Aix-en-Provence tại miền nam nước Pháp mời và Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Hà Nội tài trợ sang dự Hội thảo quốc tế về phong trào Duy Tân nhân kỷ niệm 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục. Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại (Centre des Archives d’Otre-Mer, CAOM), đóng tại Aix-en-Provence, cũng là một đơn vị đồng tổ chức Hội thảo.

Trong bản tham luận Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn - một cội nguồn văn hóa-xã hội sâu xa của phong trào Duy tân-Đông kinh nghĩa thục, tôi có than phiền về việc chưa tiếp cận được các tài liệu của mật thám Pháp để soi rõ hơn những hoạt động yêu nước ở đền Ngọc Sơn. Bởi thế chăng, sau Hội thảo, GS Trịnh Văn Thảo của Đại học Provence mời tôi ở lại thêm 1 tuần, tạo điều kiện cho vào Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại, vốn thuộc Bộ Thuộc địa Pháp, ở Aix-en-Provence khai thác tài liệu.

Nhà ở và cửa hàng gần bến cảng (1866).

Tôi được mang máy ảnh kỹ thuật số vào và thoải mái chụp mọi tài liệu trong 5 ngày mà mỗi ngày chỉ phải trả 01 euro, không có bất kỳ thủ tục xin-cho nào khác! Sang ngày thứ ba, thấy tôi mải miết sao chụp lia lịa, bà Giám đốc tự tay bưng cốc nước đến bên, nói: “Tôi không thấy ông nghỉ ăn trưa, lại còn không cả đi uống nước. Tôi chưa thấy ai làm việc như vậy”.

Tôi đáp: “Nhiều ảnh Hà Nội cổ đẹp quá. Tôi sợ không kịp sao chụp”. Bà lắc lắc mái đầu bạc: “Ồ! Chúng tôi có gần mười nghìn bức ảnh!” Khi tôi chuẩn bị ra sân bay về nước, cô Phương Ngọc, một học trò tiếng Nga năm xưa của tôi, lúc ấy đã là tiến sĩ Việt Nam học ở Đại học Provence, chuyển cho tôi món quà vô giá - một đĩa CD với năm nghìn bức ảnh cổ về Đông Dương và một số nước lân cận.

Công trường xây dựng phố Charner trên kênh trung tâm (1866).
 Nguồn ảnh: ASEAMI - UNSA

Xin tạm dịch một số thông tin quan trọng in trên bao bì của đĩa CD này:

Những gương mặt và phong cảnh châu Á xưa
Ngân hàng(quỹ) ảnh của ASEMI - UNSA
Ý tưởng và thể hiện: Jérôme Noureux (Giêrôm Nurơ)
Nhà xuất bản châu Á Thái Bình Dương
Đăng ký bản quyền 2003.


ASEMI viết tắt từ cụm từ Asie du Sud-Est et Monde Insulindien (Đông Nam Á và thế giới Án đảo); UNSA - Université de Nice Sophia Antipolis (Đại học Nisơ Sophia Ăngtipolis). Ngân hàng/quỹ dữ liệu sách báo, giấy tờ, tranh ảnh ASEMI trực thuộc Thư viện văn chương, nghệ thuật và khoa học xã hội của Đại học UNSA, khởi nguồn năm 1960 từ sáng kiến của 3 học giả lớn người Pháp chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á là hai nhà dân tộc học G.Condominas, L.Bernot và nhà ngôn ngữ học A.Haudricourt.

Ông G.Condominas năm 2007 có trở lại ngôi làng Sar Luk ở Đăc Lắc, nơi nửa thế kỷ trước ông từng “ba cùng” với người Mnông Gar, nhờ vậy mà ông có bộ sưu tập hiện vật và những công trình nghiên cứu sâu sắc về tộc người này để tổ chức những trưng bầy kỳ thú ở Paris và Hà Nội.

Đĩa CD Jêrôm Nurơ gồm 5000 bức ảnh của nhiều tác giả về cảnh và người bản xứ xưa, về phố xá, nhà cửa, đền chùa, sinh hoạt thường ngày v.v…; hơn một nửa chụp từ 1860 đến 1900, đến hai phần ba là ảnh về Việt Nam, số còn lại là về Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaxia…Jêrôm Nurơ tập hợp, xếp loại theo khu vực, năm chụp, tác giả…, tạo thuận lợi cho việc khai thác.

Tiệm cafe Rotonde (1901)

Đó chính là cái bộ sưu tập ảnh tôi đã tặng Đoàn Bắc - cũng một học trò tiếng Nga năm xưa của tôi, giờ đã trở thành một kiến trúc sư trẻ năng động. Tại sao lại là Bắc?

Là do cái duyên giáo nghiệp.

Cụ tổ Đoàn Huyên (1808 - 1882) của Bắc cũng từng giữ chức đốc học như cụ tổ Vũ Tông Phan (1800 - 1851) của tôi. Con trai thứ của Cụ Huyên là Đoàn Triển (1854 - 1919), tuy làm quan hành chính đến chức Tổng đốc, Thượng thư bộ Binh, nhưng lại là một sĩ phu tâm huyết với sự nghiệp văn hóa - giáo dục.

Cụ Triển là một cử nhân Nho học sớm có tư tưởng canh tân giáo dục nhằm đưa đất nước thoát khỏi lạc hậu, vì nghèo mà hèn. Từ năm 1906, hơn một năm trước khi Đông Kinh nghĩa thục khai trương ở phố Hàng Đào, Tuần phủ Đoàn Triển đã có tờ trình lên chính quyền Pháp xin canh tân việc học, thay đổi phép thi, soạn lại sách giáo khoa để “khả dĩ khai dân trí”.

Không chỉ “trình” lên trên, rồi khoanh tay ngồi đợi: Cụ trực tiếp tham gia biên soạn giáo khoa “tân thư”, hơn thế nữa, ngay trong năm 1906 ấy, đã trích bổng lộc và ruộng riêng của mình ra lập trường hương học ở làng Hữu Thanh Oai quê hương cụ (nay huyện Thanh Trì - Hà Nội) để dạy chữ quốc ngữ.

Danh tính Đoàn Triển được khắc cùng với Lương Văn Can, Nguyễn Thượng Hiền trên tấm bia hiện vẫn gắn tường đền Ngọc Sơn, nói về việc họ đã tham gia xây dựng giảng đàn ở trong đền để giảng những bài “giáng bút” cổ vũ lòng yêu nước thương nòi, gìn giữ thuần phong mỹ tục.

Vườn Bách Thảo Sài Gòn (1890)

Tôi quen biết gia đình Bắc từ lâu. Anh Đoàn Thịnh và cô Minh, bố mẹ của Bắc, là đồng nghiệp lâu năm của em gái Băng Tú tôi trong ngành giáo dục Hà Nội. Tú - thạc sĩ Hán Nôm - đã tham gia cùng gia tộc họ Đoàn nghiên cứu về dòng họ này và chính cô đã có những phát hiện về Đoàn Triển tôi viết ở trên. Tôi lại từng dạy cả hai chị em họ Đoàn, Hương Anh và Bắc.

Tuy nhiên, quyết định trao cho Đoàn Bắc cái đĩa CD với 5000 bức ảnh quý giá sau khi đã lưu giữ nó 3 năm, đến với tôi khá đột ngột, sau một sự kiện không rùm beng, “không đại”  trong Đại Lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là: trong khi người ta chỉ lo cho cái Lễ thật “đại”, thật “hoành tráng”, tiêu tiền tỷ, mà tạo ra một Hà Nội giả cổ, nham nhở, lòe loẹt và ngập rác, thì anh kiến trúc sư nghèo, cũng không một “cắc” từ các dự án “nghìn năm” bạc tỷ, chỉ với sự hỗ trợ của những người giầu tâm huyết nhưng cũng nghèo tiền như anh, tổ chức được một cuộc triển lãm với ngót hai nghìn tấm ảnh cổ, cho mọi người thấy diện mạo và hồn Hà Nội cổ đích thực!

Tôi tin rằng đã trao báu vật đúng chỗ và hai thầy trò tôi sẽ không phụ tấm lòng yêu mến đất nước và văn hóa Việt Nam của những người bạn Pháp chân chính.

  • Vũ Thế Khôi, Hà Nội, 01/05/2011