Để trấn an những lo lắng về lối sống và trách nhiệm công dân của giới trẻ hôm nay, không ít ý kiến cho rằng: “hễ giặc đến nhà, thanh niên khắc biến thành những anh hùng cho mà xem”. Nhưng ở Liên Xô cũ, các bậc lão thành vẫn cho rằng nếu giáo dục chủ nghĩa yêu nước - chủ nghĩa anh hùng của Liên Xô trước chiến tranh thế giới thứ hai không xứng tầm, khó mà có được thắng lợi của Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Các đơn vị duyệt binh ngày Cách mạng tháng Mười 1941 tiến thẳng ra chiến trường

“Bảo bối” thời Xô Viết

Các chuyên gia về công tác chính trị trong lực lượng vũ trang Xô Viết - như cựu chiến binh (CCB) - thiếu tướng không quân E. Kopyshev - cho rằng giáo dục chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng là một trong những chìa khoá dẫn đến thắng lợi của cuộc chiến tranh Vệ quốc. Ngay sau thời khắc thông báo tổ quốc Xô Viết lâm nguy, hàng nghìn thiếu niên, cả nam lẫn nữ, từng đến các Phòng quân vụ (Phòng tuyển quân), tình nguyện xung vào đội ngũ Hồng quân tiến ra chiến trường.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến tranh Vệ quốc những ngày đầu, không phải không có những sai lầm nghiêm trọng trong lãnh đạo và chỉ huy, kể cả ở cấp cao, nhưng tinh thần yêu nước và niềm tin vào thắng lợi của chiến tranh bảo vệ tổ quốc của nhân dân Xô Viết đã đẩy lùi được những bi quan, khiếp sợ, nản lòng trước sức tiến công vô cùng quyết liệt của quân phát xít.

So với hình thái chiến tranh quy ước của thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, chiến tranh hiện đại đã thay đổi về tính chất. Ngoài việc liên tục hoàn thiện các vũ khí hạt nhân, các cường quốc còn xây dựng học thuyết mới, với không gian tác chiến bao gồm cả đại dương và vũ trụ.

Nhưng các cựu chiến binh Xô Viết kỳ cựu nhắc nhở rằng những trang truyền thống của nghệ thuật quân sự đúc kết được qua các cuộc kháng chiến (1), từ bài học chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, đến các thành tố như công tác quân sự địa phương và giáo dục chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cho thế hệ trẻ, vẫn còn nguyên giá trị.

Đó là trong một ý kiến trong khuôn khổ hội thảo nhan đề “Nếu ngày mai chiến tranh xảy ra”, lấy tên của bài hát nổi tiếng cuối những năm 30 ở Liên Xô (2), được tổ chức tại toà soạn báo Pravda gần đây.

Tại diễn đàn này, thiếu tướng CCB B. Golyshev vẫn nhấn mạnh hình ảnh “tay búa tay súng, tay cày tay súng”, kể cả trong điều kiện chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, và nhắc lại câu nói của Lenin: “Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, xét cho cùng, thắng lợi đều được quyết định bởi trạng thái tinh thần của bộ phận quần chúng đổ máu trên khu vực xung đột”.

Giá trị của “Đức trị” và “Lấy dân làm gốc”

Các học giả Nga cho rằng quân đội hôm nay đã không còn có được các định hướng rõ ràng về tư tưởng và đạo đức, và không thể hiện được hình ảnh một đội quân con em của nhân dân, như quân đội Xô Viết trước đây. Nền quốc phòng toàn dân của Nga, so với thời kỳ trước chiến tranh Vệ quốc, đã có thêm lá chắn hạt nhân, nhưng lại xuất hiện những “lỗ thủng” về văn hoá – tinh thần, và trong nếp sống của dân cư.

Hôm nay, có học sinh đã đặt câu hỏi cho các CCB Xô Viết, vì sao Hitler chỉ mất vài tuần để đánh chiếm một loạt các nước châu Âu, vậy mà dù bị đánh bất ngờ và vô cùng khốc liệt, nhân dân Xô Viết đã đứng vững. Chỉ một mình pháo đài Brest đã giữ được lâu hơn cả nước Pháp? Khả năng chịu đựng và sự kiên định, những hy vọng, lạc quan, của người lính, người dân Xô Viết trong suốt chiều dài cuộc chiến trải từ Matxcơva đến Berlin, đến từ đâu?

Để trả lời, có thể dẫn lời tiên đoán của Lenin vào năm 1919: “Không bao giờ có thể chiến thắng nổi một dân tộc mà đa số công nhân và nông dân hiểu biết, cảm nhận và chứng kiến rằng, họ đang bảo vệ chính quyền của mình - chính quyền Xô Viết, một chính quyền vì quyền lợi của những người lao động, một chính thể luôn bảo vệ sự nghiệp mà nếu thắng lợi, người dân và con cháu họ sẽ được hưởng thụ mọi giá trị văn hoá, và mọi thành quả của lao động con người.”

Nhưng trong điều kiện thế giới đang xoay vần để phá vỡ hình thái “đơn cực” như hôm nay, việc tranh đấu để giữ gìn các giá trị nhân văn từng đạt được dưới thời Xô Viết, cũng như giá trị đạo đức của xã hội công dân Nga, là vô cùng quyết liệt, thậm chí sống còn. Theo các CCB Xô Viết, quan tâm củng cố nền tảng đạo đức và các giá trị tinh thần cho dân cư, trước hết là thanh niên, là nhân tố quan trọng nhất nhằm đảm bảo khả năng tác chiến của LLVT và tiềm lực quốc phòng của Nga (3).

Thách thức ngày nay: Sửa “lỗi” hệ thống giáo dục

Cách dạy và học phải có “phụ đạo”, các “lò luyện thi”, và phương pháp giảng dạy, sát hạch bằng trắc nghiệm như hiện nay, theo các học giả quân sự Xô Viết, đang tăng cường xu thế học vẹt, học đối phó. Chúng giảm thiểu năng lực suy luận, làm hình thành một đội quân “người máy”.

Quá trình này không sản sinh được các chiến binh sáng tạo, quyết đoán mà kiên trì, có tư duy và hành động dựa trên nền kiến thức cơ bản với cách tiếp cận có hệ thống, mà trường phái sư phạm Xô Viết từng đóng góp.

Việc cắt bớt các giờ dạy kinh điển văn học, dạy lịch sử không nhấn mạnh truyền thống dân tộc, như các sách giáo khoa của Kreder đã cắt đứt mối liên hệ với nguồn gốc tổ tiên của các “Ivan” hôm nay.

Các giáo viên và học sinh đều cho rằng việc áp dụng cấp thời giáo dục phổ thông theo hệ thống Bologna vào Nga đã làm phương hại đến các môn khoa học xã hội - vốn được xem là các “mô liên kết” để định hình tâm hồn Nga và tư tưởng nhân văn.

Trong môi trường quân sự, xu hướng trọng số lượng vật chất hơn các giá trị tinh thần, tìm kiếm bằng mọi giá thu nhập cao, cho dù là “tay trái”, hiện đang đưa đường cho nhiều học viên sĩ quan đến với các trường của ngành hậu cần, hơn là các học viện tham mưu.

Đã từng tồn tại trường phái quân sự Xô Viết, mà hầu hết các đại diện là những học viên xuất sắc trên giảng đường, chiến sĩ dẻo dai trên thao trường, và tướng lĩnh kiệt xuất trên chiến trường, mà giấy mực không thể ghi hết tên tuổi, công trạng. Họ là tương phản đậm nét với hình tượng “võ biền”, “đấu sĩ - người máy”  của các quân đội chiến đấu không vì niềm tin vào chính nghĩa …

Còn đến nay, học giả Nga đưa ra hiện tượng “lạ” là gần đây trong số lính nghĩa vụ ở Nga đã xuất hiện cả những thanh niên không biết đọc, biết viết…

  • Lê Đỗ Huy (tổng hợp)
****************************
(1)  Bài viết: “Một số tổng kết và bài học kinh nghiệm chiến dịch phòng không” của thượng tướng Hiupenen gửi các cựu chiến binh Việt Nam năm 2005.

(2) http://www.youtube.com/watch?v=-zzN1jcFwPg

(3)  Báo Pravda số 66 (29264) ra ngày 27 – 30 tháng sáu, 2008, trang 5.