- Khi được một sinh viên Trường ĐH Văn Hiến (TP.HCM) hỏi: "Bộ trưởng có suy nghĩ gì về xu hướng hiện nay khi sinh viên đang lựa chọn học những ngành kinh tế chứ không chọn công nghệ thông tin?" Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp trả lời: Nếu có thể học cả hai ngành thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

Tại buổi nói chuyện với sinh viên Trường ĐH Văn Hiến ngày 11/5, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, với phong cách như thông lệ đã về những yếu kém của giáo dục Việt Nam, cách khắc phục và lối đi rộng mở của ngành công nghệ thông tin.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói chuyện với sinh viên ĐH Văn Hiến về tương lai của ngành công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam. Ảnh: ĐH Văn Hiến.

Thuộc thế hệ những người từng học dưới hầm, trong đạn bom nhưng "được học những ông thầy cực giỏi, rồi đi thăm viếng giáo dục của nhiều nước tân tiến, đến các trường đại học nổi tiếng, đến thăm nhà các  Bộ trưởng Bộ Giáo dục ở nhiều nước", ông Lê Doãn Hợp tổng kết:

Muốn giáo dục phát triển, trước hết phải thu hút được thầy giỏi, thu hút người giỏi vào ngành giáo dục, đưa họ đi đào tạo nước ngoài. Có thầy giỏi thì mới có trò giỏi.

"Ba tồn tại của giáo dục: Tính chuyên nghiệp trong đào tạo chưa cao, kỷ cương trong đào tạo chưa cao, thể lực của HS VN yếu" - Lê Doãn Hợp


Khi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Hợp đã giảm biên chế 3.000 giáo viên.

Nhắc lại chuyện này, người đứng đầu ngành thông tin -  truyền thông nói: Để những giáo viên không giỏi ở trong ngành là làm hại cho lớp trẻ hơn là có lợi.

Với phong cách "đúc kết" sự việc qua các tóm tắt ngắn gọn, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng: Để nâng cao chất lượng giáo dục, chỉ cần làm 5 việc.

Đầu tiên là nâng cao chất lượng giảng viên; sau đó đến đổi mới quản lý, cụ thể là  đưa người giỏi về quản lý lên làm còn nếu đưa người chỉ có chuyên môn tốt lên làm quản lý thì sẽ có người quản lý tồi và mất đi người thầy giỏi.

Thứ ba là đổi mới giáo trình. Thứ tư là siết chặt kỷ cương thi cử, đặc biệt là thi đầu vào và thi đầu ra để đảm bảo chất lượng và thương hiệu. Thứ năm là xã hội hóa để có mọi nguồn lực từ xã hội cho giáo dục, đào tạo.

Ngành "hot": Công nghệ thông tin và Viễn thông

Bộ trưởng dẫn ra ví dụ Công ty FPT đã thành công bước đầu với mô hình đại học của công ty là ĐH FPT, 100% sinh viên ra trường có việc làm, người lương thấp nhất là 6 triệu đồng, cao nhất là 20 triệu đồng.

Trong bối cảnh Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký và ban hành chiến lược “Sớm đưa nước Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT – truyền thông”, Chính phủ có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao nhằm đáp ứng mục tiêu 1 triệu chuyên gia CNTT vào năm 2020 thì đây là một cơ hội rất tốt cho những sinh viên chọn học ngành này.

Bộ trưởng Hợp hy vọng các trường ĐH đào tạo các ngành học lần đầu tiên đào tạo tại VN như: công nghệ nội dung số, quản trị công nghệ và truyền thông, phát triển hệ thống mạng viễn thông không chỉ cung cấp nguồn nhân lực cho VN mà còn "xuất khẩu" được nguồn nhân lực này.

Ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: Tại thời điểm này, viễn thông và công nghệ thông tin đang phát triển rất nhanh. 2008 là năm suy thoái kinh tế, nhưng ngành CNTT – viễn thông vẫn phát triển. Tốc độ tăng trưởng luôn duy trì mức trên 55%/năm.

Năm 2009, lĩnh vực này có trên 500 doanh nghiệp, thu hút khoảng 41.000 lao động, đạt doanh thu 690 triệu USD. Hiện tại, ngành công nghiệp nội dung số và dịch vụ trực tuyến trở thành ngành ổn định nhất trong công nghiệp CNTT Việt Nam.

  • Hương Giang (Ghi)

Hiệu trưởng ĐH Văn Hiến, ông Nguyễn Mộng Hùng cho biết: 12/2010, Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC đầu tư cho Trường ĐH Văn Hiến 180 tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất cho trường tại TP.HCM, đáp ứng quy mô đào tạo và sinh hoạt cho hơn 10.000 SV. 

Từ năm học 2011-2012, Sinh viên các ngành Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử, Truyền thông sẽ được thực hành tại công ty VTC và các đối tác. SV tốt nghiệp hai ngành này từ loại khá trở lên được Tổng công ty VTC tiếp nhận vào làm việc với mức thu nhập trung bình từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.