- Sau thông tin về nam sinh trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) tìm đến cái chết những ngày qua, rất nhiều phản hồi được gửi về báo VietNamNet. Ngoài sự chia sẻ, nhiều độc giả cố tìm lời giải đáp về hiện tượng đang có xu hướng gia tăng trong giới trẻ. Nhà văn Thùy Linh cũng đưa ra một cách nhìn nhận về sự việc và đưa ra một góc nhìn khác. VietNamNet xin giới thiệu với độc giả bài viết của nhà văn.

Bức thư tuyệt mệnh mà Nguyễn Ngọc D. gửi lại cho em trai

Trước khi đi vào sự kiện chính của bài viết này, tôi xin phép được chia sẻ vài ý nghĩ “xa xôi” trước đã.

Gần đây, tôi có một thói quen khi xem báo giấy hay trên mạng những tin tức, bài viết tường thuật các vụ án giết người hay tội ác hành hạ con người, càng rùng rợn thì càng không bao giờ đọc và tìm hiểu do chán nản và sợ hãi. Quá nhiều các vụ án như thế.

Chưa khi nào sự sống bị cướp đoạt dễ dàng đến vậy. Chưa khi nào con người thờ ơ, lãnh cảm với mạng sống của đồng loại như lúc này.

Đôi khi tôi tự hỏi: cái gì đang xảy ra với đất nước tôi vậy? Hầu hết chúng ta đã đánh mất thái độ sống đúng đắn. Đánh mất tính kiên nhẫn, cảm thông, chia sẻ với nhau.

Từ lâu, xã hội chúng ta đang sống đã đánh mất sự kế thừa và phát huy những chuẩn mực nhân văn. Càng xa rời “tính người” (là thuộc tính giống loài, không bị nền văn hóa bản địa, tính đặc thù của nền chính trị xã hội làm biến dạng) thì chúng ta càng đi nhanh về cực của loài thú. Qua nhiều thế kỉ Việt Nam mới liền một dải. Vậy mà 36 năm đã trôi qua, giờ đây lòng người vẫn ly tán, khắc khoải, lo âu, chán nản, mệt mỏi, đối lập…

Tai họa khi người ta giải quyết xung đột bằng áp đặt, bạo lực mà ít có sự đối thoại, chia sẻ…Sao lại như vậy? Không lẽ chúng ta đã đánh mất khả năng đối thoại và chia sẻ?

Dường như hàng ngày vẫn đang diễn ra cuộc “nội chiến” âm thầm giữa những người cùng máu đỏ, da vàng đã làm nên đất nước này, dân tộc này.

Sự xung đột giữa người với người ngày càng lớn và sâu thẳm. Tai họa khi người ta giải quyết xung đột bằng áp đặt, bạo lực mà ít có sự đối thoại, chia sẻ…Sao lại như vậy? Không lẽ chúng ta đã đánh mất khả năng đối thoại và chia sẻ?

Trở lại câu chuyện vẫn đang nóng hổi trên các diễn đàn về cậu học sinh lớp 10C3 Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) tự kết liễu đời mình trong chiều 29/4 vừa qua. Tôi đọc vài bài viết và comment nói về sự kiện này.

Người thì nói thầy đúng, người thì bảo cậu bé sai và dại dột. Sẽ lại có những cuộc tranh luận rôm rả như bao sự kiện khác lâu nay. Loanh quanh đổ lỗi, lên án, phê phán khi những người trong cuộc thì không thể và không muốn lên tiếng. Khó mà chờ đợi lời tự nhận lỗi hay xin lỗi mà chúng ta mong mỏi cháy lòng lâu nay…

Cách phê phán, phân tích ai đúng, ai sai đã thành vô nghĩa và trở thành sai, nhất là khi người chúng ta cần lắng nghe và lắng nghe chúng ta không còn nữa. Và thật khó khăn phân tích tận cùng nguyên nhân khi không biết hết sự thật lúc cơ quan điều tra làm việc. Dư luận không phụ thuộc, chờ đợi kết quả điều tra đó.

Tôi hiểu câu chuyện thế này: HS không làm được bài tập và bị thầy mắng. Cậu bé khóc và cảm thấy bị tổn thương. Một chiều, thay vì đến lớp, cậu đã treo cổ tại nhà khi mới 16 tuổi sau khi để lại 5 lá thư tuyệt mệnh.

Chúng ta mới được đọc 2 thay vì 5 lá thư về những gì D. muốn nhắn nhủ với chúng ta trước khi chọn cái chết. Việc cơ quan công an giữ lại 3 lá thư và chưa cho công bố, theo tôi, không phải là cách hay. Giữ bí mật một sự thật không cần thiết và cần thiết phải công bố sự thật đó. Dư luận đoán già đoán non và bàn luận, suy đoán theo ‎lí của họ là điều khó tránh.

Tâm lí đám đông giờ không còn gây nguy hiểm cho D. (không giống như cô học trò viết bài văn lạ cũng của trường Ngô Quyền mới đây), nhưng có thể gây nguy hại cho con trẻ nếu không giúp chúng nhận thức được bản chất vấn đề.

Rồi có thể làm tổn thương đến những người thân của D., bạn bè cậu bé và gây hoang mang cho những cô cậu học trò tâm lí chưa ổn định.

 Đợi khi câu chuyện đã nhạt phai thì việc công bố 3 bức thư còn lại sẽ không còn thay đổi được những gì tụi trẻ đã suy nghĩ nữa. Không được tiếp cận và hiểu tận cùng sự thật thì đừng mong đối thọai, chia sẻ với những học trò mới lớn đầy hoang mang.

Tôi không thể và không muốn hình dung về thầy giáo M chỉ qua vài lời nhận xét của các đồng nghịêp và lời kể của bố mẹ D. (những người dễ bị coi là thiên vị với con mình).

Tôi muốn “dựng” lại chân dung của D., có thể chưa sát thực lắm. Đó là cậu học trò học khá và tất nhiên không hề hư hỏng. Những lời D. tâm sự với em khiến tôi hình dung cậu bé có tâm hồn nhạy cảm, biết phân biệt đúng sai, biết tạo một cuộc sống phong phú, có ích với chính mình và người thân…

Một bức thư tuyệt mệnh khá bất ngờ và cảm động. Lời nói của người sắp chết tôi tin là chân thành. Thậm chí tôi đoán khi ngồi viết 2 bức thư tuyệt mệnh này, tâm lí D. khá ổn định dù u buồn, tựa như lời tâm sự, dặn dò em trai và bạn bè trước lúc xa nhà thời gian dài. Tại sao D. lại chọn cách giải quyết khủng hoảng bằng cái chết như vậy? Tôi tin rất ít đó là hậu quả bột phát sau buổi không làm được bài tập và bị thầy xúc phạm…

Liệu có phải xã hội quá nhiều cái xấu và tội ác thì con người càng thấy cái chết như là sự giải thoát, nhàm chán, dễ dàng?


Ý nghĩ tiêu cực về thầy giáo và môn Hóa do thầy dạy có thể đã xuất hiện từ lâu, âm ỉ và dai dẳng? Tại sao từ một học trò từng tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi Hóa lại học kém đi môn học này khi lên phổ thông trung học? Mình tôi không thể các trả lời câu hỏi này mà muốn những ai có trách nhiệm và quan tâm đến cái chết của D. cùng suy nghĩ…

Điều chắc chắn là D. không có người chia sẻ để giải tỏa những rắc rối, bức bối của cậu. Bởi sau cái chết, tất cả mới từng bước lần nhớ lại những gì cậu đã trải qua, dù chưa đầy đủ. Liệu có phải thế giới “càng trở nên phẳng” thì con người càng cô độc? Liệu có phải xã hội quá nhiều cái xấu và tội ác thì con người càng thấy cái chết như là sự giải thoát, nhàm chán, dễ dàng?

Trong cuộc đời, con người luôn phải đối mặt ít hay nhiều với cái xấu xa, đê tiện, độc ác, tội lỗi, bất công, thất vọng, chán nản, đau khổ…dù bạn sống ở một đất nước văn minh hay còn lạc hậu và kém phát triển. Vậy cái gì giúp và tạo cho con người niềm tin, nghị lực vượt qua? Tôn giáo, lòng tin vào sự tốt đẹp đang hiện hữu ở xã hội nơi mình đang sống? Đúng nhưng đủ. Nó còn phụ thuộc vào khả năng cảm thông và chia sẻ giữa người với người.

Sự thông cảm, chia sẻ đó chỉ dễ dàng ở một xã hội có đức tin và cái xấu không là “chuyện bình thường” như chúng ta đang chứng kiến hàng ngày. Khi đánh mất niềm tin vào những người sống quanh ta và chôn vùi khả năng thông cảm, chia sẻ thì cái chết chỉ là sự nghỉ ngơi để lãng quên sự đau lòng.

Tôi muốn mượn lời của Đức Phật để nói với các bạn của D. và những bạn học trò rằng, ta phải thấy hạnh phúc khi được làm người sống trong vũ trụ này cho dù “đời là bể khổ”. Vì được làm người là chuyện rất khó, ví như con rùa chột mắt, trăm năm mới ngóc đầu lên khỏi mặt biển một lần và cố tìm cách chui đầu qua lỗ nhỏ của khúc gỗ bồng bềnh trên mặt nước luôn bị cơn gió tứ phương thổi trôi dạt…

Làm thế nào để sống thanh thản, chết an lành? Làm sao sống xứng đáng vì sự có mặt của ta trên trái đất này, để khi “say goodbye” (nói lời tạm biệt) với người thân, bạn bè như D. đã nói trong thư tuỵêt mệnh, ta có thể mỉm cười?

  • Nhà văn Thùy Linh

Nhà văn Thùy Linh tên thật là Trần Nguyệt Tuệ. Chị sinh năm 1959 tại Hà Nội, từng tốt nghiệp trường Đại học An ninh, Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 3 (1986-1988) rồi tiếp tục theo học Trường Viết văn M.Gorki (Matxcơva, 1990-1995).

Chị đã đoạt các giải thưởng lớn về văn học như: Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ (1985) với truyện "Mặt trời bé con của tôi"; giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2001-2002) với truyện "Gió mưa gửi lại"; giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tập truyện ngắn "Gió mưa gửi lại" (2004). Hiện nhà văn Thùy Linh đang là Phó giám đốc Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC).

Các phim chị đã tham gia biên kịch, biên tập được nhiều người theo dõi: Sân tranh, Cảnh sát hình sự…