- 50% trong số 7000 ca thiệt mạng vì tai nạn của trẻ em hàng năm là do đuối nước. Nhưng, chưa có một chương trình chính/ngoại khóa dạy trẻ em kỹ năng sinh tồn trong tình huống nguy hiểm một cách bài bản.

Sự hời hợt của người lớn đã khiến các em phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm càng sớm càng tốt.

"Mù" kỹ năng sống sót

Việt Nam là nước có đặc thù liên quan tới sông nước, với hơn 3.000km đường bờ biển và rất nhiều sông, hồ lớn.

Kỹ năng bơi bài bản hầu như chỉ thực hiện được ở những gia đình thành phố "có điều kiện". Còn với trẻ nông thôn, việc học bơi hoàn toàn "tự phát" nhằm "giải khát" trong những ngày hè nóng nực.

Tại Việt Nam, "trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm có 7200 trẻ em chết vì tai nạn thương tích, trong đó hơn một nửa chết vì không biết bơi", bác sĩ Nguyễn Trọng An (Cục Bảo vệ, Chăm sóc Trẻ em -Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho VietNamNet biết.

Bác sĩ An nói thêm: ngay cả nhiều phụ huynh cũng thiếu kiến thức để cứu sống con mình.

Một phụ huynh Việt có con đi học mẫu giáo ở Vương quốc Bỉ đã từng chứng kiến một buổi học trèo thang dây do cô giáo hướng dẫn các học sinh mẫu giáo. Chiếc thang dây được bắc từ trên một ô cửa sổ thấp xuống một bãi cỏ và cô giáo hướng dẫn các em lần lượt leo thang đi xuống.

Có những đứa trẻ leo xuống thoăn thoắt không chút sợ hãi, tuy nhiên, có em lại khóc ré lên vì sợ độ cao và cái thang rung rinh. Cô vẫn mềm mỏng khuyến khích em bám chắc và dò dẫm bước xuống một cách bình tĩnh mà không đưa tay ra đỡ. Khi em vượt qua được sự sợ hãi, đặt chân xuống bãi cỏ, cả lớp vỗ tay reo hò. Em nào nhút nhát, cô cho trèo đi trèo lại đến khi nào hết sợ thì thôi!

Anh Thành Chương định cư tại Nhật Bản, có con đang học lớp 1 cho hay: Tại nước này, nhà trường dạy kỹ năng liên quan đến thoát hiểm khi có động đất, vì đây là thảm họa thường xảy ra với Nhật Bản. Ngay từ lớp 1, học sinh đã được học kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra động đất.

Kỹ năng sinh tồn: Quá thiếu và quá yếu


Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) công nhận một thực tế: trường học Việt Nam chưa chú ý đến dạy kỹ năng thoát hiểm vì chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất cũng như giáo viên. Đó là chưa kể, nếu có phải huy động phụ huynh đóng góp thì sợ bị kêu ca đóng góp nhiều quá.

Ngay chuyện dạy bơi cho HS, Bộ mới đang khuyến khích các địa phương dạy bơi cho HS ở nơi nào có đủ điều kiện chứ không ép các địa phương phải thực hiện.

Đến nay, số tỉnh quyết tâm dạy bơi cho HS đếm trên đầu ngón tay. Hải Dương đã có kế hoạch xây dựng bể bơi trong nhà trường, Đà Nẵng đã có 10 trường tiểu học được dự án đầu tư 10 bể bơi đơn giản có thể di chuyển được, trị giá mỗi bể khoảng 4.000 - 5.000 USD do UNICEF tài trợ.

Qua một số trung tâm dạy kỹ năng sống, chương trình đưa ra vẫn thiếu vắng kỹ năng thoát hiểm liên quan đến hỏa hoạn, động đất hay lật xe xuống nước. Hầu như rất ít nơi dạy chuyên sâu và bài bản như ở các nước phát triển (có thể xem những video hướng dẫn rất kỹ trên mạng).

Đại diện Trung Tâm thanh thiếu niên miền Nam, một đơn vị chuyên dạy kỹ năng sống có tiếng cho biết: Trong chương trình dạy kỹ năng sống dịp hè có dạy về cứu hỏa, cứu thương nhưng không có điều kiện dạy sâu về kỹ năng thoát hiểm. Đối tượng học phải từ 8 tuổi trở lên.

Trong các vụ chìm tàu, ô tô lật xuống sông liên tiếp vừa qua, trẻ em bị chết đuối theo người lớn ở độ tuổi 3 đến 4 tuổi trở lên. Nhiều người ám ảnh vì câu chuyện chuyến xe định mệnh gặp lũ ở sông Lam (Hà Tĩnh) khi hai thanh niên 17 và 19 tuổi vì không biết bơi, lại hoảng sợ nên người bố đã không cứu được chính con mình.

Bi kịch có lẽ đã không xảy ra nếu họ đã được rèn luyện từ nhỏ, giữ bình tĩnh trong những tình huống hiểm nghèo.

Sau vụ lật xe khách ở Sông Lam, một cô gái lang thang trên mạng tìm chỗ học cách thoát hiểm: "Em ở Hà Nội, muốn tìm một nơi dạy kỹ năng thoát hiểm (hay kỹ năng sống sót gì đó), vì sau vụ ô tô chìm ở sông Lam cũng thấy hoang mang lắm. Nhưng mà em tìm ở trên mạng toàn thấy "kỹ năng sống" thôi, chả thấy "kỹ năng sống sót" ở đâu."

Nhưng cô gái không tìm được câu trả lời.

Dạy trẻ về cứu hỏa. Nguồn: Portland Fire & Rescue

Học để Sống

Trên Phunuonline, tác giả một bài viết đã chứng kiến một buổi dạy kỹ năng sống có dạy một phần nhỏ kỹ năng thoát hiểm: Tại một buổi dạy kỹ năng sống cho trẻ, chúng tôi nhận thấy nhiều trẻ chưa biết cách “thoát thân” trong tình huống bất ngờ, cho dù các em đã được chuẩn bị tinh thần cho buổi học rất kỹ.

Khi tiếng còi báo động vang lên, cảnh tượng của buổi diễn tập trở nên náo loạn. Đứa thì chạy thục mạng, chen lấn để lao ra cửa chính. Có đứa đứng yên và rươm rướm nước mắt, “các bạn chạy hết còn lại mỗi mình con”. Điều đặc biệt, tấm bảng hiệu đề rõ “Lối thoát hiểm” thì không cháu nào quan tâm đến. Trẻ theo phản xạ, thấy ánh sáng từ cửa chính là chúng lao ra, mặc cho chúng tôi có đặt tấm bảng: “Nguy hiểm”.

Khi được hỏi về cảm giác của mình lúc nghe tiếng còi báo động, trẻ cho biết là chúng hoảng sợ, bối rối, sợ chết, sợ bị thương, đặc biệt là sợ người khác thoát được mà mình ở lại với nguy hiểm.

Chị Thu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào bệnh viện thăm một cháu bé bị tai nạn giao thông. Cháu bị thương khá nặng vì sau khi ngã xuống đường, cháu vùng dậy và lao vào một chiếc xe máy khác.

Cháu bảo, nếu bình tĩnh đứng yên tại chỗ thì có lẽ chỉ bị xây xát nhẹ. Vì phản ứng của cháu quá bất ngờ, người chạy xe trên đường không kịp xử lý nên xảy ra hậu quả đáng tiếc: “Giá như cháu cứ đứng yên thì đâu đến nỗi phải nghỉ học và nằm bệnh viện”.

Tại các nước phát triển, các chương trình đào tạo thường rất bài bản và đặc biệt đã chú ý rèn luyện trẻ từ độ tuổi mầm non. Trẻ em qua các khóa học được rèn luyện cách đương đầu với sợ hãi, ứng phó với tình huống nguy hiểm một cách tự tin. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nước báo động về tình trạng trẻ em thiệt mạng vì "không hiểu biết" và không được rèn luyện.

Bác sĩ Steve Beerman, Chủ tịch Liên đoàn Cứu hộ Quốc tế cho hay: 80% trẻ em trên thế giới chết đuối là những em sống trong khu vực Châu Á. Riêng trong vùng Châu Á, mỗi năm hơn 300 ngàn người, trong đó đa số là trẻ em, bị chết đuối.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Cục Bảo vệ, Chăm sóc Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội): Bộ đang phát triển một chương trình cấp quốc gia để ngăn ngừa nạn trẻ em chết đuối.


  • Tú Uyên