"“Con chỉ ước có thể thay đổi tất cả mọi thứ ở trường”. Không phải chỉ một thứ, mà là tất cả. Vậy khi trẻ không yêu thích, không hạnh phúc, không tự nguyện, liệu giáo dục có thể thành công?"

Đây là ý kiến cá nhân của bạn đọc, không phải quan điểm của Tòa soạn báo VietNamNet


Nền giáo dục không hạnh phúc

“Con chỉ ước có thể thay đổi tất cả mọi thứ ở trường.” Tôi đã thực sự sốc khi nghe con gái mình mới học lớp 3, thời còn học ở trường công thuộc hàng “top” nhất Hà Nội trả lời như vậy khi được hỏi về mong muốn của con. Nếu vui vẻ, yêu thích, hài lòng, hạnh phúc khi đến trường thì không một ai muốn “thay đổi tất cả”. Một đứa trẻ phải nói ra những điều như vậy chứng tỏ nó đang cảm thấy chán ghét, không hạnh phúc, thậm chí bất mãn đến thế nào về ngôi nhà thứ hai của nó.

Thạc sỹ quản lý dự án giáo dục Lê Tuệ Minh
“Con không thích cách học ở trường, suốt ngày chỉ có học, chép và làm bài tập. Hơi một tí là bị cô mắng, cô chê, bị phạt. Cái gì cũng bị cấm đoán: con chẳng được chơi, được thoải mái chạy nhảy, suốt ngày ngồi trên lớp. Lớp học thì chật chội, nóng bức. Cô chẳng bao giờ chú ý đến con vì con không tham gia đội tuyển học sinh giỏi, không tham gia đội văn nghệ, không làm cán bộ lớp và không đi học thêm ở nhà cô nữa… Con chẳng có bạn thân vì có bao giờ được chơi với bạn nào lâu đâu, cũng chẳng nói chuyện được mấy… Con thấy chả có gì hay ở trường cả.”

Và đương nhiên, nó học cho xong, chẳng hào hứng gì. Dù có rao giảng về ích lợi của việc cố gắng học hành với tương lai sau này, một đứa trẻ - một con người - cũng khó có thể thực sự “tâm phục, khẩu phục”. Đến trường đơn giản là việc “phải làm” chứ thực tâm chúng không hề thấy lợi ích và yêu thích.


Mục tiêu sai lạc dẫn đến những lối đi “lầm lạc”


Theo tôi, nền giáo dục không hạnh phúc bắt nguồn từ tâm lý chỉ nhăm nhăm vào thành tích và kết quả. Tâm lý phải vào trường chuyên, lớp chọn, đỗ Đại học điểm cao vẫn chi phối đa phần các bậc phụ huynh và giáo viên, bất chấp những điều đó có thực sự vì hạnh phúc và sự phát triển tối ưu của trẻ hay không.

Từ khi chuẩn bị vào lớp 1, không ít phụ huynh, bất chấp những lời khuyên về tác hại của việc học chữ trước, vẫn cho con nghỉ học ở lớp mẫu giáo để học trước. Chưa chính thức đi học, các con chỉ có một ấn tượng duy nhất về việc học là “thật đáng sợ, thật mệt mỏi”.

Khi được hỏi tại sao, hầu hết phụ huynh đều “vô tư” trả lời: “Vì tôi sợ con vào lớp các bạn đều biết chữ, con sẽ thua kém bạn bè. Các cô giáo lớp 1 bây giờ cũng mặc nhiên coi các con đều biết chữ rồi, nên nếu không học trước sẽ không theo kịp lớp.”

Rồi từ bậc tiểu học, để con “học giỏi”, sau giờ học, các cháu lại miệt mài học thêm tới 7-8 giờ tối. Khi được hỏi “anh/ chị có nghĩ việc cháu đi học thêm là cần thiết không?” thì hầu hết các câu trả lời lại đơn giản đến không ngờ nhưng cũng thực sự đáng suy nghĩ vì sự “ích kỷ” của người lớn chúng ta: “Chúng tôi nghĩ không thực sự cần thiết. Nhưng cả lớp đều học, không lẽ mình không cho con học. Mặc dù biết như vậy con rất mệt, nhưng không đi học thì không bằng chúng bạn. Thôi thì cứ để cô giáo kèm thêm cho đảm bảo, chắc chắn được học sinh giỏi.”

Vậy là tất cả từ phụ huynh, đến giáo viên, rồi nhà trường đều có “mục tiêu” của mình và “hè nhau bắt nạt một đứa trẻ”, không quan tâm xem nó cảm thấy thế nào, vui buồn ra sao, mệt mỏi hay hứng thú, thích hay không thích, miễn là “dễ cho người lớn chúng ta”.

Thậm chí, có những phụ huynh còn có những “cách thức” giúp con đạt được “mục tiêu” bất chấp tất cả, kể cả những cách thức không đàng hoàng. Bạn tôi, anh Tuấn Minh từng kể về một câu chuyện “bất chấp”như vậy: “Tôi cực kỳ ngạc nhiên khi đưa con tham dự Cuộc thi bơi thành phố dành cho học sinh Hà Nội vừa qua. Điều làm tôi bị sốc là có những học sinh hoàn toàn không biết bơi nhưng các bậc cha mẹ vẫn đẩy chúng đi thi, đẩy chúng xuống nước tới sặc sụa, khóc lóc. Mãi sau tôi mới biết những ai đoạt giải sẽ được cộng hai điểm trong kỳ thi tốt nghiệp mà muốn đạt giải thì điều kiện cần là phải “tham gia thi”. Không biết bố mẹ chúng sẽ ăn nói ra sao với con cái họ, và không biết những đứa trẻ đó nếu có đạt được mục đích của cha mẹ đề ra bằng những cách thức không đàng hoàng như vậy sẽ trở thành những con người như thế nào?”

Đó chính là điều đáng lo ngại nhất. Trường lớp, thày cô và phụ huynh không quan tâm tới hạnh phúc của con trẻ trong hiện tại. Tất cả chạy theo một mục tiêu: học giỏi, cạnh tranh hơn người và bằng cấp nào đó trong tương lai mà quên mất mục tiêu căn bản của giáo dục trước hết là vì con người.

Sản phẩm đầu ra của nền giáo dục không phải cái bằng mà là một con người. Nếu con người ấy không được chăm lo để được hạnh phúc, được tôn trọng, được dạy sống đàng hoàng ngay trong khoảnh khắc này của hiện tại thì tương lai của chúng sẽ ra sao? Và cả xã hội này sẽ ra sao nếu từng con người đều chạy theo các giá trị “bề nổi” như vậy?”

“Trẻ em sống theo sự kỳ vọng của người lớn”

Mục tiêu sai lạc như đã nói ở trên là cội rễ của hầu hết các vấn đề của giáo dục hiện nay: từ các tệ nạn học đường và xã hội ở lứa tuổi vị thành niên đến những người lớn thiếu tư cách, sống không đàng hoàng, sẵn sàng luồn cúi, lươn lẹo, bất chấp tất cả để đạt được mục tiêu.

Trẻ em đâu có lỗi. Lỗi tại người lớn chúng ta, nền giáo dục của chúng ta, khi những gì chúng ta làm không vì lợi ích của chính bản thân đứa trẻ mà chỉ là những gì chúng ta cho là tốt với chúng theo quan điểm áp đặt của chính chúng ta . Dư luận xã hội, các học giả cũng như nhà hoạt động thực tiễn đề cập tới rất nhiều nhưng câu chuyện vẫn còn đó.

Trong một bài phỏng vấn gây nhiều tranh cãi về tầm quan trọng của toán trong cuộc sống, doanh nhân Nguyễn Trung Hà đã từng đưa ra nhận định rằng đừng nghĩ cứ giỏi Toán là sẽ giỏi tất cả mọi thứ: “Có một số khái niệm bị đóng khung trong suy nghĩ. Nói thịt nghĩ ngay là thịt lợn, chứ không phải thịt gà, thịt cừu, thịt bò... Nói giỏi hầu như chúng ta cũng hiểu là giỏi Toán, nếu giỏi Văn, giỏi Lý, Hoá, Nhạc, Hoạ... sẽ cần phải chua thêm mấy cái danh từ phụ.”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt cũng từng nhiều lần nhắc lại quan điểm của ông: “Hiện nay ngành giáo dục đang dạy trẻ con sai, làm con cháu chúng ta thi rất giỏi, nhưng làm thì rất kém. Có những người làm rất giỏi, nhưng sống thì tồi. Xét cho cùng, mục tiêu của con người là sống chứ không phải làm việc.”

Trẻ con đâu thể tự chọn lựa. Chúng sống theo kỳ vọng và mong đợi của chúng ta. Hãy cho con em chúng ta một môi trường được vui chơi, học tập trong sự tôn trọng, khích lệ, tràn ngập tình yêu thương và cảm hứng. Nếu chúng vui vẻ, yêu thích, hạnh phúc khi đến trường trong hiện tại, chúng sẽ có niềm hứng thú, say mê với học tập và cuộc sống và trở thành những con người hạnh phúc, đàng hoàng, hữu ích trong tương lai. Chính người lớn chúng ta hãy thực sự vứt bỏ mọi áp đặt, áp lực, để khơi nguồn và thắp sáng trong chúng niềm say mê cuộc sống.

Bà Lê Tuệ Minh, sinh năm 1975, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản lý dự án giáo dục tại Đại Học Nantes (Pháp) với đề tài “Xây dựng mô hình giáo dục song ngữ chất lượng cao cho học sinh phổ thông Việt Nam”. Hiện tại, Bà Minh là Tổng Giám Đốc Điều Hành của hệ thống trường Quốc Tế Wellspring (Tập đoàn SSG).

  • Thạc sỹ quản lý dự án giáo dục Lê Tuệ Minh