-Vừa nghỉ hè được một tuần, bé Tùng Lâm (lớp 1, trường tiểu học Dịch Vọng A, Hà Nội) đã được mẹ xếp cho một lịch học dày đặc các môn văn hóa cũng như năng khiếu. Một tuần bé Lâm phải học ba buổi toán, ba buổi văn, và học vẽ vào các buổi chiều.

TIN LIÊN QUAN:

Nhiều học sinh bận rộn với lịch học hè kín mít

Ngày nào cũng vậy, sáng dậy bé đến lớp học thêm đúng giờ như học chính ở trường, trưa về ngủ tranh thủ được 30 phút rồi lại cắp cặp theo mẹ tới lớp học năng khiếu và tối phải ngồi làm bài tập về nhà cho buổi hôm sau.

Kì nghỉ hè đầu tiên của bé chỉ toàn những giờ lên lớp với các phép tính, những bài chính tả và những bức tranh chen chúc nhiều mảng màu sáng tối. Trong khi nhiều bạn được vui chơi thỏa thích thì bé Lâm phải học đều đặn như một “cỗ máy di động”.

Trường hợp của bé Lâm không phải cá biệt. Kì nghỉ hè đang dần trở thành nỗi khiếp sợ của đa phần học sinh bởi đây là thời điểm các em  phải “nhồi nhét” thêm một lượng kiến thức khổng lồ sau 9 tháng vật vã với việc học các môn chính khóa.

Bé Hà Phương (lớp 3, trường tiểu học Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) đã quá quen với việc “học nhồi” trong kì nghỉ hè vì từ khi vào lớp 1 bé đã có những học kì 3 kín mít thời khóa biểu.

Ngoài việc học thêm ba môn Văn, Toán, Anh, bé Hà Phương còn được mẹ đăng kí cho một lớp múa, một lớp piano vào cuối tuần.

Vì bận công việc nên bố mẹ Phương gửi luôn con ở nhà cô giáo để tiện cho việc học. Trừ những lúc ăn ra, lúc nào bé cũng phải căng óc với những bài tập tiếng Anh nâng cao, những bài toán hóc búa.

Thêm vào đó, Hà Phương còn phải học để chạy trước chương trình, bởi vậy bé gần như không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

“Mẹ bảo phải học trước chương trình lớp 4 để vào trong năm không bỡ ngỡ, như thế mới giữ được danh hiệu học sinh giỏi” – Bé Phương hồn nhiên giải thích.

Không chỉ những học sinh ở thành phố mới ám ảnh với chuyện học hè, ở các địa phương, nhiều em cũng “chật vật” xin bố mẹ cho nghỉ hè một cách thoải mái nhưng điều đó chỉ là vô ích khi học hè đã trở thành “phong trào” luôn được các phụ huynh hưởng ứng nhiệt tình.

Thành Hưng (học sinh lớp 5, trường tiểu học Lê Hồng Phong, Phủ Lý, Hà Nam) đang phải “gồng mình” để tải những kiến thức mà thầy cô “bồi dưỡng” ở lớp học thêm để chuẩn bị cho kì thi chuyển cấp.

Để được vào trường chuyên, lớp chọn, nhiều học sinh phải “học ngày, cày đêm” và chạy đua quyết liệt. Bởi vậy, với những bậc phụ huynh, việc cho con đi học hè là việc quan trọng để “bằng bạn bằng bè”.

Việc học và ôn luyện được bắt đầu từ hè năm lớp 8. Ngoài việc tham gia các lớp ôn trên trường vào buổi sáng và buổi chiều, Vân còn đi học thêm ở nhà thầy cô theo ca (từ 5h-7h, từ 7h-9h) vào tất cả các buổi trong tuần. Bởi vậy, Vân luôn phải “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” để học và “tiêu hóa” một núi kiến thức.

Học nhiều có hiệu quả?

Xuất phát từ tâm lý “không muốn con mình thua kém con người khác” nên các phụ huynh luôn tranh thủ cho con “bổ sung” kiến thức vào dịp nghỉ hè ngay từ khi các bé vào lớp 1.

Chị Hoàng Nga ( Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “ Học hè là thời gian rất tốt cho các bé củng cố lại kiến thức, phải học chắc từ gốc thì lên các lớp trên mới giỏi được”.

Thêm vào đó, nhiều gia đình vì bố mẹ quá bận rộn với công việc, không có thời gian trông nom các bé lúc về hè nên đã chọn phương án vẹn cả đôi đường là cho con đi học hè, vừa có thêm kiến thức, mà các bé không bị bạn bè rủ rê, lôi kéo.

Chị Phương Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “ Hè năm ngoái tôi cho cháu về chơi với ông bà, chẳng ai quản lý nên bé đi chơi, nghịch ngợm với các bạn rồi ngã gãy tay, thậm chí còn học cả thói nói tục nữa. Nên rút kinh nghiệm, năm nay tôi cho bé đi học hè để thầy cô rèn cho cả kiến thức lẫn ý thức”.

Không chỉ sợ con mải chơi quên hết kiến thức, nhiều bậc phụ huynh chọn cách xếp cho con kín lịch học hè để “cai nghiện” game hoặc học các lớp năng khiếu để luyện các kĩ năng mềm (như giao tiếp, sự tự tin…). Nhưng ít ai biết đến mặt trái của việc học quá tải sẽ khiến các bé bị “ngộ” kiến thức hoặc dẫn đến các vấn đề về tâm lí.

Em Quỳnh Ly (lớp 8, THCS Trưng Vương, Hà Nội) cho biết: “Thực ra học hè không hẳn đã tốt như nhiều người vẫn nghĩ, bọn em đi học chỉ ngồi chép và chép, khi về nếu không đọc lại sẽ quên ngay, và khi vào năm học mới thì mọi thứ vẫn mới tinh.”

Trên một số diễn đàn nhiều học sinh cũng tỏ ý không đồng tình với việc học hè một cách tràn lan mà không hiệu quả.

Một bạn có nick name minhphuong1102 đưa ra ý kiến: “Cả năm học hành bận rộn, nghỉ hè là lúc để nghỉ ngơi, thư giãn. Hãy để kì nghỉ hè được trọn vẹn chứ đừng lao tâm khổ tứ vào sách vở nhiều quá, như thế không tốt”.

Nhiều người cũng cho rằng chỉ những học sinh phải thi chuyển cấp hoặc những bạn hổng kiến thức, cần củng cố lại thì mới nên học hè. Còn những bạn khác nên dành thời gian để đi chơi, đi du lịch lấy lại tinh thần để chuẩn bị cho năm học mới.

Dù biết học văn hóa phải đi kèm với các môn năng khiếu để trẻ phát triển toàn diện nhất về thể chất cũng như năng lực. Nhưng việc học hè hiện nay được các phụ huynh quá chú trọng và nhiều khi còn căng thẳng, mệt mỏi hơn cả học chính khóa khiến cho nhiều học sinh bị áp lực tâm lí dẫn đến chứng “sợ học” và nỗi ám ảnh nghỉ hè luôn đeo đẳng các em trong suốt những năm tháng học trò. Bởi vậy, hãy để trẻ được tận hưởng kì nghỉ hè của mình một cách trọn vẹn và ý nghĩa.

  • Thu Thảo