-  Chuyện Người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ là tác phẩm văn học trung đại nên đặc điểm của thi pháp trung đại cần được lưu ý. Tuy nhiên, ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm tự sự lại được phân biệt khá rõ ràng khiến nhiều thầy cô giáo cũng không thống nhất được: Lời của nàng Vũ Nương trong đoạn trích là đối thoại hay độc thoại.
 

Với đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2011 - 2012 của Hà Nội, VietNamNet ghi nhanh các phân tích của những thầy cô giáo dạy văn bậc THPT.


Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 ở Hà Nội năm học 2011- 2012

Thầy Nguyễn Đức Thạch (Trường THPT Chu Văn An, Ninh Thuận): Mọi tranh luận về đáp án nên dựa trên kiến thức sách giáo khoa

Trong ngôn ngữ nhân vật của tác phẩm tự sự, hình thức độc thoại có hai dạng: độc thoại và độc thoại nội tâm. Ở đây, lời nói của Vũ Nương được hiểu là lời độc thoại chứ không phải độc thoại nội tâm hay đối thoại.

Trong thi pháp trung đại, thần linh là một dạng nhân vật siêu nhiên và con người có thể trò chuyện được. Nhưng chỉ những trường hợp đối thoại có sự trao đi đổi lại bằng lời nói mới gọi là đối thoại. Chẳng hạn trong truyện Tấm Cám, Bụt hiện lên hỏi “Vì sao con khóc?” và Tấm trả lời. Đó mới là đối thoại.

Lời của Vũ Nương trong trường hợp này không phải là đối thoại vì nhân vật “Thần sông” hay “trời” không hiện diện ở đó, không trực tiếp nói chuyện với đối tượng của mình mà chỉ do Vũ Nương tưởng tượng ra.

Quan điểm của tôi là “học gì thi nấy” để tránh thiệt thòi cho các em học sinh. Mọi tranh luận về đáp án nên dựa trên kiến thức sách giáo khoa để các em học sinh không hoang mang.


Báo tin sau buổi thi văn. Ảnh: Văn Chung
hầy Phạm Gia Mạnh (Trường THPT Chuyên Sư phạm, Hà Nội): Độc thoại thì chính xác hơn

Trong đoạn trích được đưa vào đề thi, dấu hiệu về mặt hình thức có từ “than”, tức là lời nói thể hiện ra bên ngoài và dấu hai chấm, dấu gạch đầu dòng. Đây là những dấu hiệu của lời đối thoại.
Trong thi pháp văn học trung đại, thần linh, trời phật là nhân vật siêu nhiên, là một đối tượng mà con người có thể trò chuyện, tâm tình.

Ở đây, lời nói của Vũ Nương chính là lời thề trước thần linh về sự trong sạch của mình. Tuy về mặt hình thức, đây có vẻ như là lời đối thoại nhưng về nội dung là lời tỏ lòng của Vũ Nương, mang tính chất độc thoại. Người xưa thường mang thần linh ra để tỏ lòng khi họ có nỗi oan khuất, không biết tỏ cùng ai, không biết ai có thể lắng nghe và thấu hiểu cho mình. Đối tượng của nàng nói là vô hình, không hiện hữu ngay trước mặt nàng. Vì vậy, mặc dù vũ Nương như muốn đối thoại với thần linh, nhưng nàng cũng đang thề với chính mình, và chỉ có nàng cô độc nghe chính lời nàng nói. Lời của Vũ Nương là lời độc thoại của một tâm hồn cô độc khi bị Trương Sinh từ bỏ.


Cô Đặng Ngọc Phương (Trường THPT Hà Nội- Amsterdam, Hà Nội): Đôi khi không có giới hạn rõ ràng

Tôi nghĩ, chúng ta nên chờ đáp án của Sở GD-ĐT và tôn trọng những gì các em học sinh đã được học. Văn học đôi khi có sự mâu thuận và không phải lúc nào cũng có những giới hạn rõ ràng.

Còn theo quan điểm của tôi, lời của nàng Vũ Nương trong đoạn trích của đề thi là độc thoại.

Ngôn ngữ nhân vật của tác phẩm tự sự có 3 dạng chính: đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm.

Lời của Vũ Nương là lời đã nói ra ngoài nên không phải là độc thoại nội tâm. Nàng cũng không có sự đối đáp cụ thể với thần linh nên không phải là đối thoại.

Khi dạy trích đoạn “Trao duyên” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, chúng tôi cũng rất lưu ý đến ngôn ngữ của nhân vật Thúy Kiều ở đoạn cuối:

“Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”


Kiều đang độc thoại, mặc dù ngay trước đó là đối thoại với Thúy Vân. Lời của Kiều có đối tượng giao tiếp là Kim Trọng nhưng ở đây, chủ thể vắng mặt nên đây là độc thoại.

Độc thoại còn là những lời của nhân vật nói với nhân vật được hư cấu và không có sự trao đổi. Theo tôi, lời của Vũ Nương là ở trường hợp này.

  • Nguyễn Hường (Ghi)