Hôm nay, cô sinh viên Nguyễn
Thị Thuý Loan sẽ không đến giảng đường trường Đại học Bách Khoa TP.HCM như
thường lệ, trong vòng 3 tháng tới, cô sẽ được lĩnh lương để đi học tại VNG, một
trong những công ty hàng đầu về Internet tại Việt Nam.
“Đổi đời”
8h 30, sau 5 phút xếp hàng Loan cũng chen được vào bãi, gửi chiếc xe của mình để
lên công ty. VNG đang thuê từ tầng 2 -4 của tòa nhà 268 Tô Hiến Thành, bên dưới
là siêu thị BigC.
15 bạn cùng học sáng hôm nay với Loan tại VNG đều có cảm giác như đang "đổi đời"
ngay từ lúc được thông báo rằng họ đã vượt qua được hơn 300 sinh viên khá giỏi,
tuyển chọn từ 3 trường chuyên về công nghệ như Báck Khoa, Khoa học tự nhiên và
Công nghệ thông tin tại địa bàn TP.HCM.
|
Loan (áo vàng) cùng các bạn trong buổi học đầu tiên.
|
Để vào đến đây, cô phải trải qua 3 vòng thi tuyển về kiến thức chung, kiến thức
chuyên ngành và vòng phỏng vấn về kỹ năng mềm. Vượt qua được 3 vòng thi tuyển
với tỉ lệ chọi 18:1, được là 1 trong 16 thực tập viên tại VNG cũng đã làm cô khá
tự tin.
Không chỉ một mình Loan tự tin. Chính VNG, những người đã chọn bạn vào đây, cũng
tin và kỳ vọng vào lớp đào tạo nhân sự mới mà Loan sẽ tham gia ở dây. Chị Lê Thị
Ngọc Diệp, Phó Tổng giám đốc phụ trách nhân sự của VNG chia sẻ: “Chúng tôi đầu
tư hơn 350 triệu đồng, chưa tính tiền lương cho các nhân sự cấp cao của VNG tham
gia giảng dạy lớp này, để tuyển chọn và đào tạo các bạn. Và chúng tôi tin rằng,
số tiền đầu tư này sẽ không uổng phí dù chỉ một đồng. Đào tạo đội ngũ kế thừa
luôn là một vấn đề được VNG quan tâm hàng đầu. Là một công ty tập trung vào
nghiên cứu, phát triển nội dung trên nền tảng Internet, VNG luôn cần những những
nhân tố mới, để cùng sáng tạo, cùng thực hiện sứ mệnh “Phát triển Internet để
thay đổi cuộc sống người Việt Nam”.
Nói "giỡn" - làm "thiệt"
Đúng 9h sáng, 16 thực tập sinh bất ngờ trước sự có mặt và chào đón của hơn 35
nhân viên công ty đến từ các phòng ban cùng anh Lê Hồng Minh - Tổng Giám đốc của
VNG.
“Yếu tố Con người là tâm điểm của 6 giá trị cốt lõi trong văn hoá VNG. Tại đây,
tất cả mọi người đều là thành viên trong một gia đình lớn. Không hề có khái niệm
sếp - nhân viên hay phòng ban này với phòng ban khác. Các anh chị có mặt nơi đây
chào đón các bạn vì chính các bạn, không ai khác, là những thành viên mới bình
đẳng trong gia đình VNG. Trong tương lai, anh tin chắc rằng các bạn sẽ là những
nhân tố mới nối tiếp sự phát triển và sáng tạo của ngành CNTT nói chung và của
các sản phẩm, dịch vụ của VNG nói riêng. Anh vui mừng khi có thể hỗ trợ các em
trong suốt 3 tháng thực tập tại đây với tất cả những điều kiện tốt nhất của
mình”, anh Minh nói.
Không nghiêm trọng theo những gì Loan tưởng tượng về một ông Tổng giám đốc,
người đứng đầu VNG, với chiếc áo thun và một phong cách rất gần gũi, tiếp cận
các bạn bằng những câu chuyện rất thật và một phong cách hài hước.
|
Phòng phát triển VNG - nơi nghiên cứu, phát triển dự án đầu tay.
|
13h, buổi học đầu tiên mới chính thức được bắt đầu. Loan được chia nhóm cùng 4
bạn khác, họp nhóm trao đổi chương trình học với anh Lê Văn Lán - hướng dẫn
chung của nhóm, trước buổi học Tổng quan ngành Game.
13h 30, buổi học bắt đầu. Loan và các bạn được học về tổng quan về công việc lập
trình, phát triển dự án nói chung và một số ngành công nghiệp nội dung trên
Internet. Trong vòng 3 tháng, Loan và các bạn sẽ được học 10 môn học, bao gồm 7
môn học chuyên về lập trình, phát triển dự án và 3 môn học về các kỹ năng phần
mềm.
3 tiếng đồng hồ sau khi buổi học đầu tiên kết thúc, Loan và các bạn vẫn tiếp tục
tụm lại để bàn tán, trao đổi về những gì đã được học. Cầm về nhà một chồng giáo
trình học trong 3 tháng tới, Loan có vẻ như hiểu hơn về VNG, hiểu hơn về câu nói
của anh Lê Hồng Minh chia sẻ vào sáng hôm ấy: “VNG tin rằng đầu tư cho nhân sự
sẽ tạo nên sự phát triển bền vững đối với doanh nghiệp và họ là tài sản quý nhất
mà VNG đang có”.
Sáng gửi xe vào thì khó, chứ chiều dẫn xe ra khỏi bãi gửi thì chẳng hề chen
chúc, Loan cứ thẳng một đường là ra khỏi bãi xe. Chỉ có điều, khi kết thúc ngày
học đầu tiên, với Loan, cảm giác dẫn xe vào bãi gửi của VNG bỗng trở nên lôi
cuốn. “Tôi thấy mình may mắn khi được tới đây”, Loan nói.
Loan và 15 bạn sinh viên
còn lại là học viên của chương trình đào tạo sinh viên CNTT lập trình
C++ mang tên VNG Fresher tại khu vực TPHCM. Trong thời gian đào tạo, 16
bạn sinh viên sẽ thực hành qua tham gia phát triển các dự án R&D về nội
dung số của VNG. Các thực tập sinh cũng được hỗ trợ các chi phí đi lại,
ăn trưa trong suốt thời gian tham gia chương trình (khoảng 02 triệu
đồng/tháng), được trang bị máy tính...
Được biết, tại Việt Nam hiện nay, việc đào tạo nhân lực cho ngành CNTT
đang là mối quan tâm của không chỉ các doanh nghiệp hàng đầu như VNG, mà
còn là một mục tiêu quan trọng trong đề án Đưa Việt Nam thành nước mạnh
về CNTT - TT.
|