(Vietnamnet) - Không sở hữu thân hình lành lặn như chúng bạn nhưng Trương Thị Thương (sinh năm 1989, thường trú tại xã Đại Hồng, Đại Lộc, Quảng Nam) lại may mắn có được một đầu óc nhanh nhạy, thông minh…

Cô gái trẻ đầy nghị lực

Những ngày này, xóm nhỏ ven sông Thu Bồn náo nức hẳn lên với thông tin cô gái khuyết tật cao 70cm Trương Thị Thương được đặt cách vào thẳng Đại học Sư Phạm Đà Nẵng. Căn nhà nhỏ của gia đình Thương được nhịp ồn ào hơn, hàng xóm ra vào chúc mừng khiến không khí trở nên xôm tụ lạ thường.

Thương bên chồng giấy khen và cúp lưu niệm của tỉnh đoàn Quảng Nam

Thương sinh năm 1989 nhưng do ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam, cô bạn chỉ cao 70cm và việc đi lại, sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào bố, mẹ người thân trong gia đình. Những năm cấp 1, khi kinh tế gia đình còn chật vật, việc học tập Thương gián đoạn trong suốt ba năm liền. Sau này, khi mọi chuyện đã đi vào quỹ đạo và có tiến triển, bố mẹ Thương mới có thể sắp xếp thay nhau đèo cô bạn ngày hai buổi đến trường. Hơn mười hai năm trời, thời gian đủ dài để khắc sâu vào tâm trí cô bạn những kỉ niệm, kí ức vui buồn.

Từ ngày nhận tin vui, nhà Thương tấp nập người ra vào hỏi thăm, chúc mừng.

Trong suốt quá trình học tập, Thương đều được học lực khá giỏi và nhận nhiều bằng khen, giấy khen của nhà trường, các cấp đoàn. Thương còn là một trong hai gương mặt đại diện của huyện đoàn Đại Lộc trong lễ trao danh hiệu Thanh niên xuất sắc tỉnh Quảng Nam năm 2006. Cầm sấp giấy khen dày cộp của con, anh Trương Lương Công Qúy hồ hởi “Thương được cái học giỏi, chịu khó nên bạn bè thầy cô quý mến tạo điều kiện học tập. Đợt trước, giấy khen của nó cứ nói là treo đầy tường nhà nhưng do đợt lũ lớn năm vừa rồi, gia đình không cất giữ cẩn thận nên để trôi gần hết”. Bố của Thương - anh Qúy cũng là người đồng hành cùng con suốt ba năm cấp ba, vượt hơn bốn cây số đường bộ để ngày ngày đưa cô bạn đến trường.

Chia sẻ về ước mơ của mình, Thương nhỏ nhẹ:- “Mình đam mê vi tính và mong muốn có thể trở thành một lập trình viên tài giỏi để sau này có thể tự lo cho bản thân, phụ giúp ba mẹ nuôi các em ăn học”. Hỏi vui Thương thích nghe thể loại nhạc gì thì cô bạn cười tươi “Mình thích nghe nhạc của ba, của mẹ. Những bài nhạc nhẹ, sâu lắng, ý nghĩa!”. Có lẽ, vì ca từ của những bài hát này sâu sa và dễ đi vào lòng người hơn chăng?

Vui chưa đi, lo đã tới

Niềm vui được đặt cách vào thẳng đại học đến chưa lâu, nỗi lo về điều kiện ăn ở học tập của Thương đã ập đến. Với vai trò lao động chính của gia đình, mẹ Thương ngoài việc đồng áng còn mở thêm quán giải khát tại nhà, ngày đắt khách thu nhập cao thì có đồng ra đồng vào gần một trăm nghìn. Thương đi lại không được, giờ đậu đại học xa nhà biết tìm ai lo cho cô bạn?

Anh Trương Công Qúy nửa mừng, nửa lo “Con bé đậu Đại học rồi!”

Mẹ Thương – chị Huệ thở dài:- “Tôi bị bệnh nặng mấy năm nay nhưng thương con ham học nên chủ yếu dồn hết tiền của vào cho nó chẳng màn chi đến thân mình. Giờ con đậu đại học chẳng biết kiếm tiền đâu ra để lo, sợ con bé biết lại tủi thân nên cũng chẳng dám kêu ca, than vãn”. Cũng theo chị Huệ, hai vợ chồng đã thống nhất với nhau để chị cùng Thương thuê một phòng trọ ngoài Đà Nẵng, sáng chị cùng Thương lên lớp rồi tranh thủ tìm việc làm thêm, trang trải cơm canh qua ngày. Cuộc sống gia đình đã khó khăn, chật vật nay còn túng thiếu hơn.

Nói về nguyện vọng hiện tại của mình, Thương cho biết:- “Mình mong có một chiếc máy tính mới để phục vụ cho việc học sắp tới. Máy tính để bàn được mấy cô chú hảo tâm tặng giờ hỏng rồi, không tài nào khởi động được”. Thương còn nói thêm “Mình sẽ cố gắng học thật giỏi”. Nhìn vào mắt cô bạn, tôi biết được một điều khác nữa, mà chắc vì tâm lý khoảng cách và sự ngại ngần, Thương không dám nói ra: - Ngày mai, trên giảng đường đại học, Thương sẽ là một cô sinh viên mạnh mẽ, biết sống và hy sinh vì lý tưởng của bản thân mình!

Di chứng chất độc da cam đã khiến Thương có “chiều cao khiêm tốn”, chỉ cao 70 cm và nặng chưa được 30kg. 22 tuổi, nhưng trông Thương chỉ như cô học trò nhỏ. Tuy khuyết tật, không tự phục vụ được cho bản thân trong nhiều sinh hoạt hàng ngày nhưng Thương vẫn miệt mài ham học. Suốt 12 năm kể từ ngày Thương được đi học, ba mẹ phải thay nhau đưa Thương đến trường. Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ và đã làm 2 hồ sơ đăng ký dự thi vào ngành Công nghệ thông tin, ĐH Sư Phạm Đà Nẵng và Cao đẳng Việt- Hàn.

 

Nhận thấy hoàn cảnh của Thương khi em đến làm thủ tục đăng ký dự thi tại điểm trường tiểu học Lê Lai (Đà Nẵng), Hội đồng thi đã báo cáo trường hợp của em lên Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng. Sau khi đến điểm thi xem xét trường hợp của Thương, ĐH Đà Nẵng đã quyết định đặc cách xét tuyển Thương vào ngành CNTT, trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Trường đã hướng dẫn thí sinh và gia đình hoàn tất các thủ tục cần thiết để được đặc cách. và hoàn tất mọi thủ tục trong sáng ngày 4/7

ĐÀO DUY TÀI