Thoát ẩn thoát hiện trong những quán nước ven các bến xe, trạm trung chuyển xe buýt hoặc trà trộn vào đám đông, lợi dụng sự bất cẩn của người nhà và sĩ tử, các “đạo chích” lộng hành táo tợn.

Một nạn nhân bị mất điện thoại đôi co với tên móc túi (áo đen)
Mùa kiếm cơm béo bở

Anh Hoàng Văn Minh (quê Thọ Xuân - Thanh Hoá) đưa hai em đi thi theo tuyến xe buýt 34 từ Gia Lâm than thở: “Cả mấy anh em vừa bị mất 4 cái điện thoại mà không hay biết gì. Hỏi ra thì có người bảo bị mấy thằng móc túi trên xe lấy trộm rồi. họ sợ nên có thấy cũng không dám bảo mình”.

Đây là chuyện thường thấy ở nhiều bến xe buýt đông đúc như bến xe Nhổn, bến trước Trường ĐH Giao thông Vận tải, …

Tại bến xe buýt Nhổn, thường xuyên có 3-5 tên móc túi chủ yếu hoạt động trên các tuyến xe buýt 20 và 32. Bến có nhiều xe trung chuyển, đến mùa thi lại tập trung nhiều điểm thi nên đây cũng là lúc làm ăn béo bở.

Để trà trộn vào dòng người mới bước chân ra Hà Nội, chúng ăn mặc cũng giản dị hơn, mặc áo sơ mi, đeo cặp sách như những người mới thi xong hoặc trông như người nhà thí sinh.

Theo quan sát, chúng thường ngồi quan nước, giả vờ trò chuyện nhưng mắt không quên đảo nhanh ra bến xe. Khi thí sinh thi xong, lợi dụng đông người, chúng nhanh chóng trà trộn vào đám đông lên xe. Nếu thấy thí sinh sơ hở, lấy được đồ, chúng chuyển ngay cho đồng bọn và sau đó tìm cách xuống xe.

Chiều 4/7, một thí sinh bị móc mất ví tiền và điện thoại phát giác ra kẻ cắp và chạy theo giằng co.

Ngay lập tức, những tên móc túi này sử dụng ngón nghề quen thuộc, kêu la mình cũng bị mất đồ và hăm doạ nạn nhân. Hầu hết những người ở bến xe không dám làm gì nên dù biết chắc mình bị ai lấy trộm, nạn nhân cũng đành ngậm ngùi “biếu không” tài sản của mình.

Lợi dụng lúc đông người, những tên trộm cắp thường trà trộn để lên xe và móc túi sinh viên

Đạo chích là những người “quen”

Nhiều người làm xe ôm và bán nước ở các bến này cho biết: Chúng thường là những kẻ nghiện ngập ma túy, trốn nhà đi bụi đời hoạt động theo nhóm nên khi phát hiện ra, mọi người đều biết nhưng không ai dám can thiệp, sợ chúng gây gổ phá phách hoặc trả thù.

Hạnh,  sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: "Những người thường xuyên đi xe buýt đều biết và nhớ mặt các đối tượng và chỉ bảo cho các thí sinh. Còn những trường hợp xảy ra thì không thể lường trước và không thể can thiệp, nếu không sẽ rất nguy hiểm.

Một phụ xe buýt tuyến số 32 nói: "Biết các đối tượng lộng hành ở khu vực mình làm việc các anh thường xuyên nhắc nhở đặc biệt là các thí sinh và người nhà. Ngoài ra chưa có biện pháp cụ thể với những kẻ móc túi vì sợ chúng ném gạch lên cửa kính, phá xe…

Không chỉ ở màu thi, ngày thường, tình trạng móc túi rất phổ biến. Tuy nhiên, học sinh, sinh viên chỉ có thể rút kinh nghiệm và tự bảo vệ mình. Cho đến nay, lực lượng công an ở các khu vực này vẫn chưa có biện pháp mạnh tay để dẹp được nạn.
Đặc điểm nhận dạng bọn móc túi:
Mặt mũi hốc hác, đầu đội mũ lươi trai. Áo vắt trên vai hoặc ở cổ tay. Thường đeo cặp như sinh viên và đứng ở cửa xuống. mắt chăm chăm nhìn mọi sơ hở.

Luôn hoạt động theo nhóm, thường có những ám hiệu, nháy mắt, chỉ tay… và thích chen vào chỗ đông  vào người…

  • Hoàng Thanh An