- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga hôm nay cho biết, từ nay đến năm 2015 cần thay đổi số môn thi và khối thi ĐH, CĐ. Theo đó, cần thi nhiều môn và dù là ngành nào, cũng bắt buộc phải có một môn khoa học xã hội.

Thí sinh thi ĐH năm 2011. Ảnh: Lê Anh Dũng


Ông giải thích với Tuổi Trẻ: "Định hướng lâu dài là nên đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH theo hướng tổ chức thi nhiều môn khác nhau trong một đợt thi ba ngày. Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký dự thi những môn phù hợp với nguyện vọng xét tuyển của mình. Các trường ĐH công bố trước tổ hợp 3-4 môn thi để xét tuyển chọn vào trường cho từng ngành học".

Thứ trưởng cho rằng, ngành nào cũng nên bắt buộc phải có một môn khoa học xã hội bởi "có chuyên môn vững vàng nhưng vẫn cần thiết phải có kiến thức khoa học xã hội, nắm vững các giá trị nhân văn nhất định mới có thể dễ đi đến thành công. Nhất là trong bối cảnh xã hội tri thức hiện nay, ngày càng đòi hỏi nhân lực trình độ cao phải có sự cân đối giữa kiến thức khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội nhân văn".

Để chuẩn bị tâm thế áp dụng phương thức tuyển sinh mới, phải có một lộ trình ít nhất ba năm. Do đó, kỳ thi tuyển sinh năm 2012 sẽ mở đầu cho lộ trình đổi mới. Đến năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới từng bước để tiến tới mục tiêu đổi mới cơ bản thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh ĐH.

"Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến của xã hội về vấn đề này" - ông nói.

Câu chuyện của Thứ trưởng Ga với báo chí bắt đầu từ kết quả điểm thi thấp của môn Lịch sử.

Ông Ga nói: "Môn Lịch sử, cũng như các môn xã hội, sẽ khó có thể tạo ra sự thay đổi một cách đột biến trong cách học tập và kết quả của thí sinh nếu không thay đổi cách thi cử hiện nay. Cách thi hiện nay khiến phần lớn thí sinh coi nhẹ các môn xã hội như ngữ văn, lịch sử khi chọn các khối thi khác. Ngay cả những thí sinh chọn thi khối C vì bất đắc dĩ cũng học đối phó".

Xoay quanh câu chuyện điểm thi môn Lịch sử thấp, PGS. TS Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQG TP.HCM phân tích "thi đại học đã đến lúc bất cập".Tuyển sinh ĐH, CĐ trên cả nước hiện nay thực hiện theo hình thức "ba chung", với bốn khối thi cơ bản: A, B, C, D. Ngoài ra, còn có các khối khác như R, N, M, T, H, V...Năm nay, cả nước có gần 2 triệu hồ sơ đăng ký thi ĐH, CĐ thì hồ sơ khối A gần 1,1 triệu (chiếm 55,2%), khối B với 381.503 (chiếm 19,4%), khối D có 304.480 (chiếm 15,5%), khối C có 125.264 (chiếm 6,40%), các khối khác 68.768 (chiếm 3,50%).

Cho rằng, có thể yên tâm để kiên định với “ba chung”, PGS Hồng đề xuất kỳ thi quốc gia nên là “thi đại học khối D+”, trong đó phần tổ chức quản lý của nhà nước chung (Bộ) là phần khối D+ (75%), phần của từng trường là phần + (25%)".Trước khi kỳ thi tuyển sinh diễn ra vào tháng 7, từ hiện tượng khan hiếm thí sinh nộp hồ sơ vào khối C, nhiều tờ báo đánh động về nguy cơ của khoa học xã hội và đặt vấn đề: liệu thi tuyển sinh theo khối (A, B, C, D) có còn phù hợTrên Bản tin giáo dục của Trường ĐH Hoa Sen mới đây, TS Vũ Thị Phương Anh, một chuyên gia khảo thí giới thiệu bài viết "cải cách tuyển sinh đã khởi động ở Trung Quốc".

Còn nặng nề hơn Việt Nam, kỳ thi "Gaokao" - thi tuyển quốc gia ở nước này đang là hiện tượng "bất bình âm ỉ, cải cách từ từ". Nhà nước đang “lần lượt được cho phép” những thí điểm nhỏ, cho thấy cuộc cải cách sẽ diễn ra khá chậm chạp.

"Có lẽ là để tránh những xáo trộn không cần thiết của một kỳ thi với số lượng thí sinh lên đến cả chục triệu người, cũng có nghĩa là ảnh hưởng đến cả chục triệu gia đình, tức vài ba chục triệu con người. Vì vậy, khi nhìn từ bên ngoài, cuộc cải cách kỳ thi tuyển sinh của Trung Quốc hiện nay dường như vẫn chưa có gì thay đổi. Nhưng thực ra, cuộc cải cách tuyển sinh của Trung Quốc đã thực sự bắt đầu, một sự bắt đầu hợp quy luật và chắc chắn sẽ là xu thế không thể đảo ngược. Vì nó là một bước tiếp theo tất yếu của những cải cách đối với nền giáo dục đại học của Trung Quốc theo hướng hội nhập với thế giới".

Bất chấp một thói quen lâu đời và sự trì trệ, ít thích thay đổi, chỉ muốn duy trì nguyên trạng của nền văn hóa Khổng giáo, Trung Quốc đã làm được như vậy trên một đất nước với trên 1 tỷ dân. Lẽ nào, Việt Nam lại không làm được như vậy, nếu có quyết tâm? - TS Phương Anh chốt lại.

Liên quan tới kết quả kỳ thi ĐH năm nay,   trước đề nghị "bỏ điểm sàn" của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định trong bối cảnh hiện nay không thể bỏ điểm sàn vì trình độ thí sinh chênh lệch quá xa.

Ông giải thích điều này trên Tiền Phong: Giữa điểm 0 và điểm 10 là một khoảng cách lớn. Không thể để các thí sinh đủ các trình độ cao thấp khác nhau cùng vào học ĐH được. Muốn học ĐH người học phải có một ngưỡng kiến thức nhất định. Lý do thứ hai là mạng lưới trường ĐH, CĐ hiện nay chưa đủ sức tiếp nhận tất cả học sinh trong độ tuổi vào học ĐH. Do vậy, phải sàng lọc để đảm bảo chọn được những học sinh có trình độ tốt nhất vào học. "Chất lượng sinh viên là một quá trình tích lũy, học tập, rèn luyện nhưng đầu vào quá thấp thì các em không thể học được trong khi các trường trung cấp và các trường nghề rất cần những người học thì lại không có đủ".

  • Vân Phong (tổng hợp)