- Trong buổi chiều 20/8, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hơn 100 thủ khoa tốt nghiệp các trường ĐH Hà Nội đã giao lưu với ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TƯ Đoàn, Chủ tịch hội sinh viên Việt Nam, ông Ngọ Duy Hiểu, Bí thư thành đoàn Hà Nội và ông Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Sự kiện thường niên này năm nay có thêm “điểm nhấn” với khách mời là GS Ngô Bảo Châu – công tác tại ĐH Chicago (Mỹ) và hiện đang có 3 tháng làm việc tại Việt Nam với vai trò Giám đốc Khoa học của một mô hình viên nghiên cứu mới (Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán).
Đảng, Đoàn gánh lên vai thủ khoa
Nhắc tới câu chuyện Việt Nam hội nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới WTO và hỏi “chúng ta vào đó thì được gì. Họ cho chúng ta cần câu hay con cá?”, ông Hồ Quang Lợi tự trả lời rằng, WTO là “ngư trường’ rộng lớn, ở đó có luật lệ khắt khe mà con tàu kinh tế của Việt Nam đi từ ao nhà ra biển lớn phải hiểu tất cả luật lệ thì mới có thể hội nhập.
Ngô Bảo Châu vui vẻ đón nhận
và trả lời các câu hỏi.
Và không quên lời khuyên “dù bạn đi đâu cũng cần phải gắn bó với cội nguồn, truyền thống của dân tộc, quê hương”.
Còn theo ông Nguyễn Đắc Vinh: “Cần phải nỗ lực, quyết tâm cùng với đó là phương pháp khoa học và niềm đam mê. Kết quả sau này dù có thế nào thì đó cũng là những ghi nhận sự cố gắng hết sức của các bạn. Tuy nhiên, là thủ khoa thì cũng không nên mong điều gì bình thường quá được. Đất nước mong chờ nhiều ở các bạn”.
Nhà toán học: Những giá trị cơ bản đang có dấu hiệu xuống cấp
Tập trung sự chú ý và nhận được nhiều câu hỏi
hơn cả là GS Ngô Bảo Châu. Trước câu hỏi của thủ khoa về sự vất vả, khó khăn
trong nghiên cứu khoa học, GS Châu chia sẻ rằng, khi làm khoa học ai cũng gặp
khó khăn nếu thực sự dấn thân. Thường xuyên gặp khó khăn, thất bại nhưng nếu vẫn
giữ được đam mê thì vẫn còn mầm mống của thành công.
Trả lời câu hỏi của Thanh Long, thủ khoa Trường ĐH FPT, GS Ngô Bảo Châu nói khó nhất là giữ được đam mê. “Điều này phải học, chứ không tự dưng mà có. Cũng cần phải hiểu đam mê đến từ đâu”.
Dẫn câu nói của nhà triết học cổ đại Platon rằng cội nguồn của đam mê chính là con mắt của tuổi thơ, GS Châu diễn giải:
“Đó là khi mình giữ cho mình giữ được nhãn quan của đứa trẻ, muốn tìm hiểu vạn vật. Nếu nói theo cách của người từng trải là “đừng hỏi thế, trời sinh ra thế”. Đối với đứa trẻ nó bao giờ cũng tò mò, muốn khám phá”.
“Chúng ta đang phát triển đáng kinh ngạc về kinh tế. Nhưng khoảng cách với thế giới có vẻ như càng ngày càng xa hơn. Nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia hay Thái Lan,.. đang nỗ lực rút ngắn về các ngành khoa học, công nghệ, hơn với Việt Nam. Đó là điều đáng lo” – GS Ngô Bảo Châu nêu ý kiến.
Theo quan sát của ông, thì “quá lâu rồi đã tồn tại suy nghĩ muốn đạt được mưu cầu hạnh phúc, mà thường là theo nghĩa ổn định về vật chất, thì người ta làm kinh tế. Điều đó là không đúng”.
“Vấn đề là sống sao cho đúng với những gì mình mong muốn. Có một chút đam mê khoa học, cố gắng để giữ gìn cũng là một điểm xuất phát, có thể đưa đất nước ta tiến lên được” – ông nói.
Câu hỏi về giá trị của học vấn trong quá khứ, hiện tại và tương lai của một thủ khoa hỏi tới vị Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (vừa thành lập) khiến nhà toán học xa nước nhiều năm bộc bạch: “Thời gian đầu về nước, cảm giác bi quan của tôi tương đối lớn”. Đó là việc các giá trị cơ bản của một con người như chân lý, đạo đức, thẩm mỹ đang có dấu hiệu của sự xuống cấp.
“Những giá trị cơ bản đó dường như đang bị bao bọc bởi những giá trị khác lớn hơn, thuộc về “sức mạnh”.
Lời kết với các thủ khoa, nhà toán học nay đã được biết đến nhiều trong nước nói rằng, điều mình mong nhất là sau 5, 10 năm nữa gặp lại, các bạn vẫn giữ được ánh mắt trong sáng, không để thực tế cuộc sống thay đổi niềm tin vào bản thân và cuộc sống trong tâm hồn mình.
Văn Chung