- Hôm nay, 25/8, hơn 100 trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2. Các thí sinh từng rớt ĐH theo nguyện vọng 1, có mức điểm từ “sàn” trở lên tham gia cuộc đua vào đại học mới.

Một thay đổi mới của ngành giáo dục trong việc xét tuyển năm nay: thay vì nộp hồ sơ duy nhất một lần và chờ hết 15 ngày để nhận kết quả xem mình có đỗ hay không, năm nay, các thí sinh được phép nộp và rút hồ sơ nhiều lần, còn trường sẽ công bố thông tin trên mạng cho đến khi thời gian nộp hồ sơ kết thúc.

Ủng hộ việc phải công khai số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 trên mạng, nhưng không ít trường cảm thấy mình “ngồi trên lửa” vì khối lượng công việc lớn, dễ dồn dập vào cuối đợt, việc sai sót có thể xảy ra.


Những thí sinh rớt đợt 1, đủ điểm sàn lại tìm cơ hội mới vào đại học. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chuyện tạo điều kiện cho thí sinh rút hồ sơ chuyển đi nơi khác đã được Trường ĐH Đông Đô làm từ lâu.

Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Trưởng phòng Đào tạo của trường phân tích, ở góc độ thí sinh, thay đổi về cách thức xét tuyển nguyện vọng 2 năm nay sẽ tạo điều kiện để các em nắm thông tin, kịp thời thay đổi việc nộp hồ sơ. Song về tổ chức thì chưa phù hợp. Thứ nhất, việc đăng ký ngành tuyển NV2 vẫn vậy. Thí sinh đăng ký chọn thi NV1 vào ngành A nếu không đỗ hoặc đỗ cũng không thể chuyển sang ngành học B.

Chưa kể, chuyện nộp hồ sơ vẫn do thí sinh tự quyết định và chịu trách nhiệm. Việc để thí sinh thoải mái rút, nộp hồ sơ sẽ gây nhiều khó khăn cho các trường khiến nơi thừa nơi thiếu.

"Chuyện nhập dữ liệu cũng là vấn đề. Tôi băn khoăn các trường sẽ thực hiện như thế nào. Ví dụ, còn 2-3 ngày nữa là hết hạn nộp, nhà trường không cập nhật nữa (chủ quan hay khách quan) sẽ gây thiệt thòi cho thí sinh”.

Năm 2011, ĐH Đông Đô sẽ có 3 người trực, lo công tác tiếp nhận và cập nhật danh sách thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2 trong giờ hành chính (đến 16h30 hàng ngày).

Còn bà Nguyễn Thị Việt Hương, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết: “Giữa bộn bề công việc đầu năm lại thêm việc liên tục phải cập nhật thông tin thí sinh đăng ký xét tuyển NV2, NV3 trên mạng khiến trường phải gồng hết sức để thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh”.

Theo bà Hương, học sinh thường sẽ có tâm lí nghe ngóng, dồn việc đăng ký vào những ngày cuối cùng. Với 4 người làm công tác nhận, phân loại hồ sơ để chuyển cho người nhập lên máy tính, tiến độ cập nhật danh sách sẽ không thể đầy đủ và nhanh ngay được.

"Vì là lần đầu tiên triển khai việc này nên không thể tránh được sai sót. Thí sinh không phải tin tưởng 100% vào thông tin trên mạng. Giữa thực tế số hồ sơ và danh sách trên mạng vẫn có chênh lệch. Việc các em rút, nộp hồ sơ gấp rút trong những ngày cuối cùng có thể dẫn đến hiện tượng quá tải, không kịp thời cập nhật, khiến các em có thể mất quyền lợi”.

Bà Hương khuyên các thí sinh và gia đình nên cân nhắc và lựa chọn thời gian nộp sớm để được đảm bảo quyền lợi.

“Việc công khai thông tin tuyển sinh trên mạng đôi khi có thể dẫn đến tâm lí hoang mang của thí sinh khi có quá nhiều lựa chọn” – Ông Tĩnh cho hay. Bổ sung ý này, theo bà Hương: “Các em thường có tâm lí chọn ngưỡng an toàn. Nếu ngành học tuyển 30 chỉ tiêu NV2 mà hôm nay mình đứng thứ 15 là an toàn, hơn 20 là lo lắng. Rút rồi chuyển chắc chắn sẽ gây nên chuyện ngành học này thiếu, ngành lại nhiều hồ sơ”.

Năm nay, Trường ĐH Lao động Xã hội, cơ sở Hà Nội dành 48 chỉ tiêu xét tuyển NV2 cho bậc ĐH và 768 chỉ tiêu cho bậc CĐ. Điều đáng lưu ý là điểm xét tuyển NV2 ở khối C của trường khá “kiêu hãnh” khi cao hơn điểm trúng tuyển NV1 từ 0,5 điểm.

Ông Nguyễn Đồng Dũng, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, trường đã chuẩn bị đầy đủ đội ngũ trực tiếp nhận hồ sơ và hệ thống công nghệ thông tin. Đối với hồ sơ trực tuyến, trường sẽ cập nhật được ngay lên website. Hồ sơ nộp tại trường, việc đưa lên mạng có thể sẽ chậm trễ một vài ngày.

Ông Dũng lưu ý thí sinh: phần mềm của Bộ GD-ĐT để các trường cập nhật hồ sơ thí sinh rất phù hợp cho các trường tuyển sinh một ngành chỉ có một khối thi. Nhưng ở trường ông, các ngành đều lấy thí sinh từ hai khối trở lên và điểm trúng tuyển riêng cho từng khối. Trong khi đó, phần mềm chỉ cập nhật theo từng ngành về số lượng, họ tên thí sinh và sắp xếp điểm thi từ cao xuống thấp mà không chia theo khối rõ ràng.

Vì vậy, khi xem xét thứ hạng để dự đoán khả năng trúng tuyển, thí sinh cần căn cứ vào số báo danh để xác định và so sánh điểm của mình với những thí sinh có cùng khối thi.

Ông Dũng cũng cho biết, chỉ tiêu khối C của trường sẽ ít hơn chỉ tiêu của khối A và khối B1.

Viện ĐH Mở Hà Nội năm nay có 600 chỉ tiêu NV2 cho cả hai hệ ĐH và CĐ. Viện trưởng Lê Văn Thanh cho biết, trường không gặp khó khăn với phần mềm cập nhật hồ sơ xét tuyển vì hầu hết các ngành chỉ xét tuyển một khối thi.

Năm nay, Viện ĐH Mở Hà Nội chú ý đặc biệt đến công tác tư vấn cho thí sinh việc có nên rút hồ sơ khỏi trường hay không.

Ông Thanh cho rằng, đây sẽ là khâu quan trọng trong công tác xét tuyển của các trường. Nếu thí sinh không có cơ hội trúng tuyển, trường sẽ thông báo sớm qua điện thoại hoặc khi tư vấn để các em có thể tìm kiếm cơ hội khác.

Ngược lại, với những thi sinh điểm cao, cán bộ tư vấn sẽ cố gắng thuyết phục để giữ được sinh viên chất lượng cho trường.

“Các trường sẽ vất vả hơn nhưng cơ hội vào ĐH cho thí sinh sẽ nhiều hơn. Nếu các trường làm tốt, đúng quy định của Bộ, không gây khó cho thí sinh, tôi nghĩ rằng quy định mới này rất có lợi cho thí sinh.”- ông Thanh bình luận.

Tung chiêu câu thí sinh?

Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Đông Đô: Là trường ngoài công lập, chúng tôi không có chủ trương tuyển đủ thí sinh bằng mọi cách. Từ năm 2009 về trước, có năm trường xét tuyển NV1 cao hơn điểm sàn của Bộ đến 3-4 điểm. Từ 2010, trường cũng khó khăn để tuyển cho đủ chỉ tiêu. Năm 2010, trường chỉ tuyển được 800 trong số 1.500 chỉ tiêu được giao.

Bây giờ dân trí cao, tôi không tin nhiều vào chuyện thí sinh đăng ký vào trường chỉ bởi những khoản hỗ trợ trước mắt như tặng tiền. Nó có thể nhiều lúc này nhưng là quá ít so với cả đời một con người. Tiêu chí của trường là tập trung (dù số lượng ít) để nâng cao chất lượng đào tạo.

Bà Nguyễn Việt Hương, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Văn hóa Hà Nội: Cần phải thông cảm cho các trường ngoài công lập. Bởi phải có thí sinh vào thì mới dần cải thiện chất lượng đào tạo được. Các trường cũng bất đắc dĩ phải làm điều này vì muốn ổn định thí sinh.

Thực tế là ban đầu nhiều ĐH khá hưởng ứng việc lấy điểm cao hơn nhiều so với điểm sàn của Bộ, số còn thiếu sẽ lấy các em điểm cao khác không đỗ NV1 xét tuyển NV2 vào trường. Nhưng sau đó khá nhiều trong số các thí sinh trúng NV2 xin thôi học vì chán nản hoặc muốn thi lại vào ngành yêu thích.

Vậy là bao nhiêu sắp xếp, bố trí, tiền bạc và công sức của nhà trường chuẩn bị cho thí sinh đó mất hết gây nhiều phiền toái và tốn kém.

Ông Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội:

Khi các trường ngoài công lập thu hút được thí sinh tốt hơn thì các trường công lập sẽ phải soi lại mình.

Theo ông Thanh, các trường ngoài công lập ra đời “nhắc nhở” các trường công tham gia vào chương trình quảng bá hình ảnh, các cuộc tư vấn tuyển sinh lớn để làm sôi động hơn sự cạnh tranh trong giáo dục.

Các trường công lập sẽ phải quan tâm hơn đến sự chăm lo cho sinh viên, đầu tư cho cơ sở vật chất và ưu đãi đối với cán bộ giáo viên. Trong bối cảnh hiện nay, các trường ngoài công lập đang phải tự lực cánh sinh và “bơi” trong cơ chế thí trường.

Họ vất vả trong tuyển sinh nên những cách thu hút thí sinh đó chỉ là kết quả của một cuộc cạnh tranh về thương hiệu và chất lượng giáo dục.
  • Văn Chung – Nguyễn Hường