Thời đại “số hoá” với những công nghệ hiện đại cho phép mọi người trao đổi thông tin nhanh chóng và tức thời qua điện thoại, email, chat, webcam… Tiện dụng và dễ dàng là vậy, nhưng với một số người lớn tuổi thì điều này dường như đang làm mất đi những phép tắc, lễ nghĩa cũng như làm sai lệch các quy tắc ứng xử, mà theo họ là cần phải có trong đời sống. Họ quá khó tính, quá câu nệ lễ nghi, hay họ đang hành xử đúng? Những câu chuyện dưới đây ghi lại thực tế đã xảy ra.

Mất một tình bạn 30 năm


Sau 30 năm làm bạn thân, bà Hường ở quận 1 và bà Mỹ ở quận 3 đã quyết định làm sui với nhau, khi hai con của họ cảm thấy tâm đầu ý hợp.

Vì quá thân nhau, quá rành rẽ tính cách của nhau, quá hiểu nhau, quá biết về đời sống của nhau… nên lễ cưới diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng.

Hai bà mẹ cùng rủ nhau đi mua sắm, họ cùng mua một loại vải may áo dài, cùng mua trang sức của một nhãn hiệu, cùng chọn mẫu hoa trang trí trong nhà.

Thậm chí phía nhà trai và nhà gái còn giành nhau trả chi phí đãi tiệc, giành nhau trong việc mời bạn bè chung… vì đó là đứa con duy nhất của họ. Bà mẹ nào cũng biết rõ, tất cả những gì cha mẹ có sẽ đều để lại cho con, và bản thân họ thương con thế nào thì người bạn họ cũng sẽ thương con như thế, nên không hề tính toán so đo trong bất kỳ việc gì.

Hạnh phúc ngập tràn là thế, nhưng có ngờ đâu chỉ sáu tháng sống chung, con của họ đã chia tay.

Cô dâu về nhà mẹ ruột (bà Hường) cách nhà mẹ chồng 2km. Mẹ cô dâu ngồi chờ điện thoại suốt ba ngày không thấy phía nhà trai gọi sang, quyết định cho con gái ở luôn và không cho quay về nhà chồng trừ phi đích thân mẹ chồng và chồng phải qua “nói chuyện”.

Ngược lại, bà Mỹ cho rằng con dâu tự ý ra khỏi nhà, muốn quay về thì phải có cha mẹ đưa sang. Ngay trong ngày con dâu rời nhà, bà Mỹ đã gửi email nói rõ suy nghĩ này với bà Hường.

Hơn mười ngày sau vụ việc, bà Hường mới check mail, và không trả lời.

Bà Hường tâm sự: “Khi là bạn, ngày nào chúng tôi cũng chat với nhau để chia sẻ mọi điều, rủ nhau đi ăn uống, đi mátxa, đi làm đẹp… Nhưng trong những ngày con gái bất ngờ trở về, tôi bấn loạn tinh thần, lòng như lửa đốt, buồn, giận, bực tức và nhiều cảm xúc lẫn lộn nên không hề kiểm tra hộp thư. Đến khi đọc email bả gửi, tôi càng giận hơn. Chuyện quan trọng như vậy, tại sao bả không thể gọi điện cho tôi, chuyện hai đứa nhỏ không hợp nhau thì đó là sự khác biệt của tuổi trẻ, bậc làm cha mẹ đâu thể ép được. Nhưng tôi giận bả, nếu ngại đến nhà tôi thì bả và tôi có thể hẹn nhau ra tiệm càphê để cùng trao đổi, tại sao chỉ là email lạnh lùng?”

Còn bà Mỹ trong tâm trạng buồn rầu, cho biết: “Con mình là trai, con của bạn là gái, tôi hiểu những mất mát của bà mẹ có con gái phải dang dở lần đầu, mà không biết dùng lời lẽ nào để nói với bả. Nên đành gửi email”.

Hai người bạn tưởng chừng thân nhất đã cắt đứt tình bạn thâm sâu chỉ vì email.

Thiệp cưới qua email

Lần đầu ngồi sui, ông Hùng – là nhà giáo, cẩn thận lập danh sách những đồng nghiệp, bạn bè, người thân và lên kế hoạch mời trước lễ cưới cả tháng.

Ngặt nỗi lịch giảng dạy trong tháng 5 dày đặc (vì học sinh chuẩn bị vào mùa thi), không đủ thời gian đến tận nhà gửi thiệp mời từng người, ông Hùng và vợ bàn nhau sẽ gọi điện thoại, sau đó gửi thiệp qua email hoặc đường bưu điện.

Ngày cưới của con, 23 người khách ông Hùng gửi thiệp mời qua email, chỉ có năm người đến dự. Ông Hùng khá ngạc nhiên, vì trước đó ba ngày ông đã gọi điện thoại lại một lần nữa để xem email đã đến đúng địa chỉ hay chưa, thì hầu hết đều đã nhận được thiệp mời.

Sau lễ cưới, một vài người bạn thân đã thẳng thắn cho biết, họ không đến vì nghĩ thiệp mời qua email là không trân trọng. Họ nghĩ có vẻ như chủ nhà đã hết thiệp in, chợt nhớ đến họ nên gửi thiệp email để sau này khỏi bị trách.

Anh bạn cũ của ông Hùng nói: “Gửi thiệp mời qua email cũng như thư chào hàng, thiệp điện tử mà chỉ cần một cú nhấp chuột là gửi đến cả trăm, cả ngàn người. Thư điện tử có thể rơi vào thùng rác. Trong khi đám cưới là chuyện hệ trọng cả đời người, nếu gửi email thì người nhận có thể xem như thư vào spam rồi, chẳng cần quan tâm”.

Mẹ chồng và tin nhắn

Cô Nguyệt Hồng, ngụ tại quận Bình Thạnh kể với bạn bè, mẹ chồng là người khắt khe và quá khó tính. Mỗi khi có chuyện cần liên hệ, hay muốn nhờ mẹ nấu cơm hộ, nhờ mẹ đón con ở trường, nhờ mẹ làm việc gì đó… vì cô bận việc, thì phải gọi điện thoại.

 Mẹ chồng đã nói trực tiếp với vợ chồng cô: mẹ không xem tin nhắn của hai con, và tuyệt đối không thực hiện bất cứ đề nghị gì qua tin nhắn. Cô Hồng bảo: “mẹ chồng tôi mới có 50 tuổi, mắt còn tỏ, đâu bị lão hay cận mà không chịu đọc tin nhắn của con cơ chứ!”

Người mẹ chồng này có lý lẽ riêng của mình. Bà Hồng cho rằng: “Tôi vẫn còn đi làm, và bản thân tôi không hề lạc hậu so với các phương tiện thông tin hiện đại trên máy tính, điện thoại… Nhưng tôi hiểu con trai và con dâu tôi còn khá trẻ, nhiều lúc chưa ý thức hết được vai trò và trách nhiệm làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ trong gia đình. Vì vậy tôi buộc chúng phải điện thoại cho tôi, để tôi có thể nghe giọng chúng, hỏi thêm cặn kẽ những lý do phải nhờ mẹ”.

Theo bà Hồng, nói chuyện sẽ tạo thành mối giao tiếp, chia sẻ, thông hiểu nhau, giàu tình cảm hơn. Còn tin nhắn ngắn gọn, cụt ngủn, không nên lạm dụng, nhất là đối với người lớn hơn mình.

Bản thân bà Hồng cũng chưa bao giờ nhắn tin cho các anh, chị trong gia đình. Khi cần liên hệ, thăm hỏi, bà đều gọi điện thoại hoặc đến tận nhà. Mọi người quý bà, và vì thế bà cũng muốn con mình học cách này để xây mối dây thâm tình với người thân.

  • Theo Minh Thành - Sài Gòn Tiếp Thị Nguyệt san tháng 9