- Đến bây giờ, ông Phan Chánh Dưỡng vẫn còn nhớ bài học "bầu trời đầy chim én" của thầy giáo vật lý trên giảng đường ĐH Khoa học Sài Gòn thuở ấy.

XEM PHẦN TRƯỚC: 'LÀM NGƯỜI RỒI MỚI SINH TỒN'

Phóng viên: Quay trở lại giảng đường đại học sau khi đã làm quản lý doanh nghiệp, làm kinh tế, anh bị ảnh hưởng gì hoặc có nhận thấy những bức xúc, bức bối về nhân lực quá rồi quay lại đào tạo không?

Ông Phan Chánh Dưỡng: Tôi thích thú thật chứ không bức xúc gì. Làm giáo dục phải có đam mê.


Ông Phan Chánh Dưỡng: "Tinh thần trách nhiệm sẽ đặt yêu cầu công việc phải có kết quả cao". Ảnh: Thu Hà
Phóng viên: Những ngày này, trẻ nhỏ đang hăm hở vào năm học mới. Còn trẻ lớn, các em học sinh vừa qua 12 năm phổ thông, đỗ đại học thì đang háo hức cho thời kỳ sinh viên sắp tới của mình. Còn lại hơn nửa triệu trẻ lớn khác, em thì đã trượt đại học mười mơi, nhiều em khác đang quay cuồng và luống cuống chọn một chỗ học ở đại học từ nguyện vọng 2, 3 trong số hơn 200.000 chỉ tiêu tuyển sinh còn để lại. Từng là nhà quản lý, nhà doanh nghiệp sử dụng lao động từ các trường đại học, giờ đây tiếp tục dạy ở giảng đường, có điều gì ông muốn chia sẻ với các bạn "trẻ lớn" về khúc ngoặt trong cuộc đời đi học của mình?

Ông Phan Chánh Dưỡng: Người ta có hai lựa chọn. Học ra đời để kiếm cơm. Học ngành phù hợp với hướng phát triển riêng của tôi, có đam mê và tình yêu. Cái đó lớn hơn, còn mục tiêu để kiếm cơm chỉ là phụ thôi. Nếu xác định cố làm mọi cách để chọn nghề cho có miếng cơm manh áo là mục tiêu thì chỉ có thể trong một giai đoạn nhất định. Cái thứ hai  mới đi suốt cuộc đời mình. Dù hiệu qủa miếng cơm manh áo không cao nhưng sự thành đạt trong cuộc đời lại cao. Học 4 năm xong rồi, mình thích cái kia 4 năm học không bao giờ uổng công.

Khi tôi đi làm kinh tế, những kiến thức vật lý đã học ở trường đại học tôi không thấy uổng gì, ngược lại đã giúp tôi nhiều.

Phóng viên: Bài học gì để dẫn tới thành công trong sự nghiệp của ông?
Ông Phan Chánh Dưỡng: Đó là bài học làm việc nghiêm túc, trách nhiệm.
Tinh thần trách nhiệm sẽ đặt yêu cầu công việc phải có kết quả cao. Như vậy thì mới thấy mình thiếu cái gì, từ đó đưa đến động lực đi học và đi tìm người giỏi về giúp mình.và thông qua đó bổ sung khiếm khuyết của mình, không ngừng nâng cao kiến thức và kỷ năng. Mình làm giám khảo cho chính mình với công việc mà mình đảm trách.
Phóng viên: Ai là người thầy lớn nhất của ông?
Ông Phan Chánh Dưỡng: Chính là những người xung quanh mình.

Một người bạn làm thủ thư thư viện nói câu đơn giản, một giờ làm việc tôi bỏ 10 phút để nghĩ xem làm theo phương pháp nào, và tôi chỉ mất 40 phút để làm tốt công việc đó và còn tiết kiệm được 10 phút.

Điều đó nói lên rằng, sự chuẩn bị trước một công việc bao giờ cũng quyết định tới chất lượng công việc.


HS Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) trong lễ khai giảng năm học. Ảnh: Hương Giang

Phóng viên: Còn bài học trên giảng đường mà ông còn nhớ tới bây giờ?
Ông Phan Chánh Dưỡng: Tôi làm thầy giáo dạy toán, học đại học chuyên ngành vật lý.
Năm học ĐH thứ nhất, thầy Nguyễn Chung Tú dạy môn Quang học. Buổi học đầu tiên trên giảng đường lớn, thầy dạy bài vận tốc độ ánh sáng. Vận tốc ánh sáng đi nhanh nhất, ai cũng biết, nhưng ít ai có ấn tượng.

Thầy Tú vào đề bằng câu chuyện: "Bữa nay, tôi kể các bạn nghe. Nhà văn nói một con én không làm nên mùa xuân, các bạn hiểu là một người không làm được gì, hay mùa xuân đến thì phải có nhiều én bay đến, hay đầy trời én bay báo hiệu cho mùa xuân đến. Đó là lời nói của nhà văn, còn nhà vật lý chúng ta thì khác.

Nếu nhìn lên trời mà thấy đầy trời én bay là có mùa xuân, với nhà vật lý chúng ta, chỉ cần một con én là đủ. Với điều kiện ta phải có con én bay qua bay lại với vận tốc ánh sáng. Lúc đó, ta sẽ thấy đầy trời én bay. Bữa nay, tôi dạy các em, một con én của nhà vật lý cũng làm được mùa xuân.

Tôi nhớ mãi "bầu trời đầy én" của thầy Tú, vì phương pháp sư phạm của thầy hay quá.

Phóng viên: Nãy giờ nói về chuyện trẻ con, tiểu học. Còn giáo dục ở cấp cao hơn như THPT, đại học theo ông điều gì là quan trọng nhất?

Ông Phan Chánh Dưỡng: Ở các bậc học này chủ yếu là kiến thức, tương quan và phương pháp tư duy.

Khi người thầy đứng trước học sinh trong buổi giảng thì cùng một thời gian đó đang diễn ra 3 tầng giáo dục.

Tầng 1 là sự trao đổi thông tin giữa thầy và trò. Thuần túy, thầy nói những điều thấy biết, trò nghe những điều trò muốn nghe. Cũng trong một thời gian thì chỉ là 1 tầng thôi. Thầy cô nói những gì mình biết, những điều thầy muốn nói, học sinh cố nhớ những gì thấy nói để khi thầy hỏi lại thì phải nói đươc. Đó là trả đúng bài , đúng câu.

Dạy theo kiểu trao đổi thông tin như thế thì quan trọng đó là cách giảng, vừa cung cấp thông tin. Nếu 500 năm trước, chỉ cần tầng thứ nhất là đủ. Ngày xưa đi thi là thi Tứ thư, Ngũ kinh, người ta hỏi cái gì mình trả lời cái đó là được.

 Tầng 2, tôi nói những điều tôi biết và cả những điều chưa biết, cho phép học sinh trao đổi thông tin và cuối cùng học sinh lại là người ghép thông tin. Kiến thức có được là sự tạo từ trao đổi từ hai bên, tức là học sống động và có phản biện. học sinh sẽ học được kiến thức sâu rọng và cập nhật.

Tầng thứ ba cùng xảy ra song song với hai tầng trên, nếu có một phương pháp giảng dạy mang tính kích thích sự hình thành tư duy của học sinh trong quá trình trao đổi thông tin giảng dạy.

Các tư liệu kiến thức mà chúng ta đem day cho học sinh luôn là của quá khứ. Khi ra trường có nhiều thứ đã không còn sử dụng nữa. Do đó, phải đào tạo một phương pháp tư duy tiếp cận được nguyên lý sản sinh ra công năng cũng như sự vận hành của sự vật trên cơ sở sự vật đương thời, nhận dạng ra tính giới hạn của nó.

 Từ đó tìm đến sự sáng tạo vượt qua giới hạn đó. Vì hiện nay, hằng ngày có hằng ngàn sáng kiến phát minh mới tạo ra, chúng ta không thể học hết, chúng ta chỉ chọn lựa những loại kiến thức nào đó có giá trị như loại nguyên liệu, loại mô hình mẫu để đào tạo phương pháp tư duy mới sáng tạo cho cuộc sống tương lai.

Ví dụ như người thợ may không phải chỉ biết đo, cầm kéo, lựa vải để may một bộ quần áo nào cho ai đó trong hiện tại, mà ta phải dạy học hiểu về cái công dụng của y phục của từng thời đại và ý nghĩa cái đẹp của y phục đối với con người.

Đặt yêu cầu như thế thì việc đào tạo người thơ may sẽ khác… Đây chính là yêu cầu của giáo dục đào tạo trong thế kỷ 21 này.

Phóng viên: Vừa rồi, các những người làm khoa học giáo dục Việt Nam lại đề cập tới vấn đề "tìm triết lý giáo dục cho Việt Nam". Ông có triết lý giáo dục nào không?

 Ông Phan Chánh Dưỡng: Tôi đã nói những điều cụ thể với từng cấp học ở trên.

Nếu nói gọn lại, thì giáo dục là tạo ra con người xã hội lương thiện, hiểu biết được vai trò, trách nhiệm với những người sinh thành, người xung quanh và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với môi trương thiên nhiên.

Con người không phải là chúa tể của muôn loài, rồi muốn làm gì làm. Mà con người luôn luôn cộng sinh với muôn loài và phải có trách nhiệm với nhau và có tráchn hiệm bảo vệ thiên nhiên để cùng tồn tại và phát triển.

 

Phóng viên: Cảm ơn ông!

  • Hạ Anh (thực hiện)