- Triển khai trên toàn quốc, từ tháng 5/2008 đến nay đã có 38.350 trường đạt 3 đủ (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở). Nhiều HS vùng sâu không còn phải bỏ học, nhiều ngôi trường trở thành “công viên văn hóa”.
Trẻ em “trẩy hội” tới trường
Núi cao, sông sâu, nơi học không
điện, thiếu nước… ngần ấy khó khăn không làm vơi niềm háo hức, say mê đi học của
nhiều trẻ nhỏ vùng cao. Đường đến trường còn nhiều vất vả nhưng các em được đủ
ăn, đủ mặc, đủ sách vở từ chương trình hỗ trợ của Chính phủ và sự hỗ trợ của các
đoàn thể và tổ chức xã hội.
Cuộc vận động xây dựng THTT - HSTC với chủ trương thực hiện 3 đủ (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) đã đem lại kết quả đáng khích lệ khi sau 3 năm đã có 38.350 trường trên toàn quốc thực hiện được điều này. Số học sinh bỏ học năm học 2009-2010 đã giảm đáng kể so với năm học 2008-2009.
Nhiều trường học còn thực sự biến ngôi trường của mình thành một “công viên văn hóa” khiến các em thêm yêu trường lớp và cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Các em không chỉ được học kiến thức mà còn học cách làm người, văn hóa ứng xử qua những bài học về kĩ năng sống, qua các hoạt động chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bình liệt sĩ. Trường học cũng trở thành một sân chơi lành mạnh khi các em được tham gia các môn thể thao hiện đại, các trò chơi dân gian và múa hát dân ca.
Các em cũng được hướng về nguồn cội khi nhiều trường đã tổ chức thành công các hoạt động chăm sóc các di tích lịch sử văn hoá ở địa phương, sưu tầm tài liệu và các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử địa phương.
Tại nhiều ngôi trường thân thiện, học sinh còn tự đứng lên thuyết trình về “phương pháp học tốt”, “làm thế nào để trở thành con ngoan trò giỏi” trong các buổi sinh hoạt dưới cờ.
Thầy cô thi đua đổi mới
Trong cuộc vận động xây dựng môi trường thân thiện, giúp học sinh tích cực hơn, sự sáng tạo của các thầy cô trong đổi mới phương pháp dạy học đã góp phần không nhỏ hút học sinh tới trường.
Mày mò tìm kiếm tài liệu, hình
ảnh, video trên mạng cho giờ học thêm sinh động, sử dụng bản đồ tư duy, tổ chức
bài học thành trò chơi và biến lớp học thành một môi trường tương tác, khơi gợi
cho học sinh suy nghĩ… sự sáng tạo của các thầy cô là không dừng lại.
Tỷ lệ giáo viên dạy giỏi, đổi mới phương pháp tốt ngày càng tăng. Tính đến năm 2010, số giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên là 131.017 người.
Về dạy học có hiệu quả, số trường đã ứng dụng CNTT trong việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hoạt động giáo dục cho học sinh là 31.486 trường, chiếm 72,67% tổng số trường đăng ký tham gia phong trào.
Giáo viên cũng đoàn kết, hỗ trợ nhau trong chuyên môn, giúp nhau xây dựng giáo án tốt, tiết dạy tốt, giúp nhau làm giáo án điện tử. Tình đồng nghiệp, quan hệ giữa thầy và trò đã góp phần gia tăng không khí thân thiện trong mối liên hệ giữa các thành viên trong trường, giữa nhà trường với gia đình, cộng đồng và chính quyền địa phương.
Cả xã hội tham gia vào công cuộc giáo dục
3 năm là khoảng thời gian không dài, nhưng cùng với cuộc vận động “2 không”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã tạo sự chuyển biến đột biến trong nhận thức của toàn xã hội cũng như hoạt động của ngành giáo dục, đem lại hiệu quả rất tích cực.
Điều này chứng tỏ, phong trào
không chỉ có sức mạnh lan tỏa một cách hình thức, mà đã phát triển cả bề rộng và
chiều sâu. Các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm hơn đến việc đầu tư cho
giáo dục, đặc biệt là cơ sở hạ tầng.
Công viên cây xanh tại trường Mai Thúc Loan, Thạch Hà, Hà Tĩnh
Thống kê sơ bộ cho thấy, tính đến năm 2010, tổng số trường có khuôn viên cây xanh có quy hoạch, đảm bảo thoáng mát, luôn sạch đẹp là 31.002 trường, chiếm 71,53% tổng số trường trên toàn quốc. Số trường có công trình vệ sinh xây mới là 15.364 trường.
Mối quan hệ giữa giáo viên với phụ huynh cũng ngày càng gắn kết hơn. Hai bên thường xuyên liên lạc với nhau, trao đổi những vấn đề học tập và sinh hoạt của học sinh.
Phát biểu trong một hội thảo về
giáo dục, PGS. TS Nguyễn Xuân Tế, Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP. HCM cho
biết: “Càng ngày, chúng ta càng thấm thía một điều, môi trường giáo dục không
phải là “ốc đảo”, giáo dục và đào tạo không phải chuyện riêng của một ngành,
càng không phải chuyện riêng của một trường học mà là vấn đề của cả xã hội. Vì
vậy, mọi hay dở, tốt, xấu, thành bại của giáo dục cần được xã hội nhìn nhận công
bằng để cùng chia sẻ, quan tâm và tháo gỡ khó khăn… Phong trào “Xây dựng trường
học thân thiện, học sinh tích cực” là một bước đột phá để thực hiện công cuộc xã
hội hóa giáo dục nói chung, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã
hội học tập”.
Huyền My