Học sinh ghi nhớ câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh ngay trên lớp, Ban giám hiệu và giáo viên dễ dàng quản lý quy chế điểm bằng sơ đồ đổi mới…  Những sáng tạo không ngừng trong việc ứng dụng các phương pháp tích cực đã giúp việc quản lý, giảng dạy và học tập của thầy và trò trường Nam Trung Yên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Bớt thời gian quản lý, tăng thời gian sáng tạo

Thay vì một chồng văn bản dày cộp về thời gian kiểm tra định kì của từng tuần, từng khối, từng môn, trường Nam Trung Yên đã đổi mới công tác quản lý kiểm tra đánh giá chỉ bằng 1 bản đồ tư duy (BĐTD) quản lí quy chế điểm. BĐTD này chính xác và chi tiết đến từng tuần, từng khối, từng bộ môn với thời gian kiểm tra, số đầu điểm kiểm tra.

Nhìn vào BĐTD này, ban giám hiệu có thể kiểm tra ngay một cách chính xác số điểm kiểm tra của giáo viên, có thể biết được giáo viên có thực hiện đúng quy chế chuyên môn hay không một cách tức thời. Giáo viên cũng thấy được tổng thể kế hoạch kiểm tra đánh giá của mình cần được thực hiện vào thời điểm nào, thời lượng bao nhiêu, đơn vị kiến thức thế nào để chủ động trong công việc và không bị vi phạm quy chế.

Phó Hiệu trưởng Đàm Thu Hương bên cạnh BĐTD quản lý qui chế điểm của trường Nam Trung Yên
Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian mở đối chiếu, giúp việc quản lý và thực hiện công việc không bị chồng chéo, không quên việc sót việc.

Không chỉ đổi mới công tác quản lý quy chế điểm, BGH và các thầy cô trường Nam Trung Yên còn ứng dụng BĐTD để đổi mới công tác quản lý chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh yếu kém…

Theo các thầy cô, BĐTD đã bắt đầu được ứng dụng trong giảng dạy năm học vừa qua và đến năm học này, nhà trường tiếp tục thực hiện áp dụng một cách toàn diện trong nhiều hoạt động , đặc biệt trong công tác quản lý.

Cô Đặng Thị Kim Thoa, Hiệu trường trường cho biết: Sau khi được tập huấn về Bản đồ tư duy hỗ trợ đổi mới quản lý và PPDH của ngành giáo dục, trường chúng tôi đã tổ chức mời chuyên gia của Bộ GD&ĐT giới thiệu kỹ thêm và chủ động tổ chức thảo luận chuyên đề này cho tất cả cán bộ, giáo viên nhà trường. Cách đổi mới quản lý chỉ đạo sử dụng BĐTD sẽ giúp cán bộ quản lý nhà trường lập kế hoạch công tác và có cái nhìn tổng quát toàn bộ kế hoạch từ chỉ tiêu, phương hướng, biện pháp… và dễ theo dõi quá trình thực hiện đồng thời có thể bổ sung thêm các chỉ tiêu, biện pháp… một cách dễ dàng so với việc viết kế hoạch theo cách thông thường. BĐTD đã mang lại văn hóa quản lý, điều hành hoạt động giáo dục vừa thiết thực, vừa hiệu quả lại đỡ tốn nhiều thời gian và công sức như trước đây.

8 giờ trên lớp không còn là gánh nặng

“Để 8 giờ trên lớp không làm các con mệt mỏi, chán nản, BGH và các thầy cô đã cố gắng xây dựng một môi trường thân thiện, cởi mở và năng động, biến trường học thành ngôi nhà thứ hai của các con”, cô Đàm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Ngay khi đặt chân vào trường, bài học đầu tiên các con học là bài “Xin lỗi - Cảm ơn” , một bài hát quy định nếp sống văn minh do chính Hiệu trưởng soạn lời.

Học sinh tự vẽ BĐTD cuối giờ Sinh
Việc rèn nếp cho các con được các thầy cô đặc biệt chú trọng từ đạo đức tới sức khỏe, trí tuệ, kĩ năng sống… Trong giờ ra chơi, các con được tham gia những hoạt động đặc biệt như tung bóng, múa hát tập thể hay chơi các trò chơi dân gian. Các con cũng có thể cùng đọc sách tại những thư viện di động ngay tại sân trường. Nhà trường còn thành lập cả CLB Yoga cười, CLB Bóng rổ… những phút giây tại trường của các con ăm ắp niềm vui.

Một sáng tạo khác nữa của thầy cô nhà trường đễ giữ mối dây liên hệ giữa thầy cô - phụ huynh - học sinh thêm bền chặt là cuốn sổ rèn kĩ năng sống bên cạnh sổ liên lạc thông thường và sổ liên lạc điện tử. Trong đó, các con tự chấm điểm về bản thân mình trong ngày, ghi lại cảm xúc của bản thân. Cán bộ lớp, thầy cô và phụ huynh đều có thể ghi lại những đánh giá nhận xét của mình và khuyến khích các con. Nhờ cuốn sổ này, các thầy cô và phụ huynh trên cơ sở đó nắm bắt tâm tư tình cảm của các em và kịp thời điều chỉnh nếu điều gì đó bất thường.

Trong các tiết học, thầy cô vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học, kết hợp phương pháp truyền thống và các phương pháp mới tích cực giúp học sinh hứng thú hơn với bài học. BĐTD là một trong những phương pháp đó.

Cô và trò cùng ôn lại bài giảng môn Địa lý bằng BĐTD vào cuối giờ học
Cô Đoàn Thị Thu Hà, giáo viên Văn cho biết: “Khi kết thúc bài giảng về Sơn Tinh - Thủy Tinh, thay vì cho các con tóm tắt câu chuyện bằng một đoạn văn 15-20 dòng, tôi yêu cầu các con tóm tắt cốt truyện bằng 2 BĐTD, 1 BĐTD về nhân vật và 1 BĐTD về sự việc xoay quanh các nhân vật. Ngay khi BĐTD vừa hoàn thành, các con đã nhớ ngay truyện có 4 nhân vật, có 7 sự kiện xoay quanh các nhân vật, kể cả học sinh yếu kém.”

Còn cô Vũ Thị Ngân, tổ trưởng tổ bộ môn xã hội chia sẻ: “Việc sử dụng BĐTD giúp các con học thuộc bài ngay tại lớp với các môn như Sử, Địa, GDCD. Thầy cô chắt lọc cái tinh để giảng dạy, học trò nắm bắt được cái tinh của bài giảng, từ đó nhớ nhanh, nhớ sâu, nhớ lâu, nhớ chính xác hơn. Hiệu quả học tập của học sinh được nâng tầm rõ rệt. Các con cũng không còn mệt mỏi khi học tập 8 tiếng tại trường.”

  • Huyền My