- Tuần lễ hưởng ứng chuyện "học tập suốt đời" sẽ diễn ra từ ngày 2-8/10 tại Hà Nội với các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề cùng những hội thi, tọa đàm về chủ đề này.


Buổi họp báo tại trụ sở Bộ GD-ĐT về việc tổ chức tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có hoạt động nâng cao ý thức học tập suốt đời cho mọi người dân

Nhân ngày khuyến học Việt Nam (2/10) và 15 năm ngày thành lập Hội Khuyến học VN, Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT-DL, Hội khuyến học VN, UBND TP Hà Nội và Liên hợp quốc tại VN tổ chức tuần lễ học tập suốt đời (từ 2-8/10).


Một số hoạt động chính trong tuần lễ như: dạy nghề miễn phí, triển lãm “Hồ Chí Minh và học tập suốt đời”, các buổi sinh hoạt, trò chuyện theo chủ đề về an toàn giao thông, giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản, phòng chống tai nạn thương tích và tệ nạn xã hội.


Đặc biệt trong ngày 2/10 là cuộc nói chuyện với chủ đề “Học tập suốt đời làm giàu cho cuộc sống của bạn” của TS Nguyễn Minh Hùng, GĐ công ty sách Thái Hà và diễn đàn “Chia sẻ học cách chơi cùng bé” do Văn phòng UNESCO Hà Nội chủ trì.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Do là năm đầu tiên nên việc tiến hành chỉ làm tập trung ở Hà Nội và khu vực quận Đống Đa (quanh Văn Miếu-Quốc Tử Giám) cùng một số Bảo tàng. Từ những năm sau, Bộ  hy vọng các địa phương khác trên cả nước sẽ nhân rộng việc làm này.


Tại buổi họp báo thông tin về sự kiện, Thứ trưởng Hiển chia sẻ: “Cuộc sống có những cái ngày hôm nay đúng nhưng ngày mai có thể đã là sai và vô vàn cái mới nên việc học tập suốt đời là rất cần thiết với mọi người”.

Để làm được việc này, theo Thứ trưởng: nhà trường cần gắn với xã hội hơn nữa. Trường học là nơi hình thành  thói quen và nhiệm vụ học tập cho người học.

Còn theo bà Katherine Muller Marine, Trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội: Không có công thức nào cho xây dựng học tập suốt đời cho một quốc gia nào. Mọi người cần chủ động tìm kiếm cơ hội học tập cho mình.

Bản thân vị trưởng văn phòng đại diện UNESCO cũng chia sẻ câu chuyện của bản thân mình: Sau khi từ Nam Mỹ chuyển công tác về Việt Nam, bà đã tự học, nghiên cứu rất nhiều về văn hóa Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mong muốn cũng là việc bà Muller Marin nói mình cần làm là học tiếng Việt.

  • Văn Chung