- Chia sẻ tại hội thảo công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về chế độ dành cho giáo viên thành phố và đặc biệt là Trường chuyên Lê Quý Đôn của đại diện Sở GD-ĐT Đà Nẵng khiến cho đại diện của 4 thành phố trực thuộc trung ương phải “ghen”.

Hội thảo diễn ra chiều 14/10 ở Hà Nội, chế độ đãi ngộ đối với các nhà giáo một lần nữa lại làm nóng tâm tư của nhiều vị cán bộ quản lý.

Kể từ khi Đà Nẵng áp dụng chính sách đầu tư đặc thù đối với trường chuyên Lê Quý Đôn đến nay, giáo viên của trường cơ bản đã có thể sống được bằng nghề với lương cao gấp đôi giáo viên ở trường thường. Các giáo viên giỏi, thạc sỹ, tiến sỹ trong thành phố đều hưởng những ưu đãi lớn từ chính sách.

Câu chuyện của Đà Nẵng không mới, từng được nói đến từ năm 2009 nhưng cho đến nay chưa có tỉnh thành nào làm được điều tương tự nên đối với nhiều lãnh đạo sở, đây vẫn là mơ ước, kể cả những thành phố lớn và mạnh về tài chính như Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Cần Thơ.

Bên cạnh đó, một nỗi băn khoăn chung của các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mà chưa có địa phương nào làm khác được là “nghịch lý”: trong ngành giáo dục, giáo viên càng lên cao, ưu đãi càng giảm.

Nhiều đại biểu cho biết, khi một giáo viên trở thành tổ trưởng chuyên môn hay hiệu phó, hệ số phụ cấp tăng rất “nhẹ” nhưng số tiết lên lớp lại cũng giảm. Đặc biệt, khi lên làm chuyên viên ở Sở giáo dục, hầu như mọi chế độ ưu đãi, phụ cấp dành cho nhà giáo đều bị mất.

Khi phụ cấp thâm niên bỏ quên đối tượng này, các phòng tổ chức cán bộ cho biết, việc xây dựng đội ngũ quản lý giáo dục càng trở nên khó khăn vì không ai muốn lên làm ở Sở GD- ĐT.

Tại buổi hội thảo, nhiều ý tưởng mới của lãnh đạo các sở cũng được chia sẻ và nhận được sự đồng tình vì chạm đúng nguyện vọng chung của không ít thầy cô giáo.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng Vũ Văn Trà cho biết, ông muốn xây dựng một không khí học tập dân chủ trong nhà trường, những cảnh như học sinh vào lớp là ngồi yên, khoanh tay lên bàn, thậm chí giơ tay phát biểu phải vuông góc với mặt bàn…đều phải bỏ đi để học sinh gần gũi thầy cô giáo, không còn cảm thấy sợ sệt, khép nép.

Hay một đại biểu chia sẻ lấy làm tiếc khi Cục Nhà giáo của Bộ GD-ĐT không có mặt để lưu tâm đến việc bồi dưỡng giáo viên, nhất là về phương pháp dạy học.

Đại biểu này cho biết, hiện nay giáo viên đang “bội thực: phương pháp vì được tập huấn quá nhiều mà chưa kịp ngấm, trong khi cốt lõi của đổi mới chính là phương pháp tìm và xử lý kiến thức…

  • Nguyễn Hường