NHỮNG CHUYỆN ĐÌNH ĐÁM CỦA GIÁO DỤC 2010 (Phần 1)
Bộ GD - ĐT có Bộ trưởng mới
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Tôi không có ý định tạo dấu ấn cá nhân". Ảnh: Hương Giang
Chiếc "ghế nóng" ở 49 Đại Cồ Việt (Hà Nội) giữa tháng 6/2010 đã chuyển sang ông Phạm Vũ Luận, vị̣ Thứ trưởng từng có thời gian dài làm hiệu trưởng ở Trường ĐH Thương mại.
Có khá nhiều con số được đưa ra trong 4 năm ông Nguyễn Thiện Nhân đứng đầu ngành giáo dục, trong đó, ấn tượng hơn cả là chu trình lên xuống của tỷ lệ tốt nghiệp THPT qua từng năm: đưa từ hơn 90% xuống dưới 70% và kéo về đích cũ: hơn 90%. Qúa trình này gắn với hàng loạt phong trào: nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong giáo dục, đào tạo theo nhu cầu xã hội, xây dựng trường học thân thiện, mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức,v.v...
Có một sự trùng hợp thú vị, khóa đầu tiên ra Quốc hội để trả lời chất vấn, ông Nguyễn Thiện Nhân đã định danh hệ tại chức là "nồi cơm" của các trường. Trong 4 khóa của ông, những bất cập của giáo dục đại học được xới xáo lên ráo riết hơn bao giờ hết, và bản thân ông cũng loay hoay trong hàng loạt giải pháp. Khi người mới, ông Phạm Vũ Luận nhận nhiệm vụ, câu chuyện "đại học tại chức" lại nổ ra, với "phát súng" của Đà Nẵng: không tuyển dụng sinh viên hệ này vào cơ quan nhà nước.
Trước khi rời Bộ GD-ĐT, ông vẫn rung chuông cho giáo dục ĐH, với nhiệm vụ: từ giờ cho đến năm 2012, phải thảo luận trong ngành và xã hội quanh chủ đề "làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo".
Tân Bộ trưởng Phạm Vũ Luận xác định "không định tạo dấu ấn cá nhân" trong nhiệm kỳ hoạt động của mình, nhưng những học sinh và cả cá biệt một bộ phận đội ngũ giáo viên trong năm 2010 này đã kịp "ghi dấu ấn cá nhân" với hàng loạt biến thái đánh nhau, tung clip, mạt sát học trò, quấy rối tình dục...Hơn bao giờ hết, bên cạnh những đòi hỏi chất lượng đào tạo giáo dục ĐH ngày càng ráo riết, người đứng đầu ngành giáo dục hiện nay càng phải đối mặt với sự thay đổi chóng mặt lối sống, nhân cách của giới trẻ trong một xã hội bị tác động hàng ngày, hàng giờ bởi công nghệ cao và nhu cầu đòi thể hiện cái tôi cá nhân của thế hệ học sinh đầy sáng tạo nhưng cũng dễ "nổi loạn".
Cuộc khảo sát "lịch sử"
Thí sinh dự thi ĐH. Ảnh: Lê Anh Dũng
Sau 4 năm, từ 2005, cả nước đã có tới 200/312 trường ĐH, CĐ được thành lập, nâng cấp, trong đó có 148 trường công lập, 52 ngoài công lập khiến dư luận đặt dấu hỏi: Việc duyệt mở trưởng có dễ dãi? Cùng với những đánh giá "nóng mặt" về chất lượng đào tạo của giáo dục đại học và các tiêu cực không ngừng nảy sinh, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có một chương trình quy mô, kéo dài 3 tháng, đi tới tất cả các trường ĐH ở cả 3 miền để khảo sát.
Đánh giá chung nhất, việc thành lập trường chưa căn cứ đầy đủ vào nhu cầu về nhân lực cũng như khả năng đầu tư của cả nước và từng địa phương, chưa gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Nhiều trường từ khi có quyết định thành lập đến khi được tuyển sinh khóa đầu tiên vẫn không đạt những tiêu chí cơ bản như số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu, diện tích sàn xây dựng, trang thiết bị thí nghiệm.Đáng chú ý là trong quy trình thành lập trường không có quy định tổ chức hậu kiểm đối với các cơ sở mới được thành lập. Sự "dễ dãi" này đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ nhiều giải pháp mạnh tay để chấn chỉnh chất lượng giáo dục của bậc đào tạo quan trong này: trong đó xác định sự quan trọng của chi phí đào tạo do người dân tham gia, xác lập vai trò quản lý của từng cơ quan, những công cụ kỹ thuật để kiểm tra, đánh giá,v.v...14.660 tỷ đồng cho "em út" mầm non
Cùng với đề án, bộ "Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi" được hoàn thiện. Ảnh: Bảo Anh |
Sau nhiều tâm tư về sự thiệt thòi phận "em út" và cả những tranh luận nảy lửa trên Quốc hội, bậc học mầm non đã được hồi đáp bằng Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 phê duyệt hồi tháng 8/2010.
Tổng kinh phí thực hiện đề án là 14.600 tỉ đồng được huy động từ ngân sách Trung ương, các chương trình mục tiêu quốc gia và một phần hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư ODA. Số tiền "khủng" này sẽ dùng để xây trường, mua sắm thiết bị, hỗ trợ trẻ em nghèo, quản lý đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Lộ trình để số tiền này đi hết 5 năm là, đến năm 2015, toàn quốc sẽ có 95% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày; toàn bộ trẻ đươc học chương trình mầm non mới, hệ thống giáo viên dạy trẻ mầm non đều đạt chuẩn về trình độ, v.v...
Đề án được đánh giá là bước phát triển mới của bậc học mầm non, bước đột phá quan trọng để chuẩn bị tri thức, kỹ năng, thể lực và tâm thế cho các em vào bậc tiểu học.
2.300 tỷ đồng phát triển trường chuyên
Sau hơn 40 năm ra đời, từ mô hình các "lớp chọn", đến thời điểm này, ngành giáo dục mới quyết định xác định 'trường chuyên" chính là giáo dục mũi nhọn để làm "đầu tàu" để kéo chất lượng đại trà của hệ phổ thông. Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 với tổng số kinh phí hơn 2.300 tỷ đồng phê duyệt hồi tháng 7 là một món quà lớn cho hệ thống gần 80 trường chuyên trên cả nước.
HS Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam trong ngày khai giảng. Năm 2011, UBND TP Hà Nội dự kiến đầu tư 15 triệu đồng/mỗi HS của trường này. Đây được xem là mức kỷ lục trong đầu tư cho HS phổ thông. Ảnh: Hương Giang
Hơn 2.300 tỷ đồng, Bộ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, 63 trường chuyên trên toàn quốc sẽ được cung cấp trang thiết bị theo các cấp độ khác nhau. Đồng thời sẽ phát triển đội ngũ giáo viên: hơn 1.000 giáo viên các trường chuyên trên toàn quốc sẽ được tập huấn chuyên sâu, tiệm cận với chương trình quốc tế, tập huấn việc sử dụng thiết bị dạy học.
Cùng với đó, 456 giáo viên sẽ được tập huấn tiếng Anh, hướng tới mục tiêu là giáo viên chuyên có thể dạy các môn học cho học sinh bằng tiếng Anh. Tổng kinh phí tập huấn tiếng Anh là 638.400 USD.
Với những mục tiêu đề ra, Bộ hứa hẹn thời gian tới Việt Nam sẽ có 15 trường chuyên trọng điểm của quốc gia sẽ được đầu tư ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế.
Sau cuộc khảo sát của Quốc hội, với một báo cáo giám sát dày công, hàng loạt những điều trần và khuyến nghị đối với giáo dục ĐH đang đặt ra; với những dự án nghìn tỉ, giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông "tinh hoa" đang được tạo bệ phóng.
Những chương trình, kế hoạch đều có mốc cán đích sau 5 năm, 10 năm tới - song hành với một nhiệm kỳ của người đứng đầu ngành giáo dục. Đi trên con đường chính trị, có thể tân Bộ trưởng lựa chọn cách ứng xử "không tạo dấu ấn cá nhân", nhưng những mệnh lệnh của cuộc sống thì không ngừng đòi hỏi người đứng đầu ngành giáo dục phải có những hành động để lại các dấu ấn tích cực trong sự nghiệp "vì con người" của đất nước.
- Kiều Oanh (Tổng hợp)