- Bên lề lễ trao giải phim ngắn cho sinh viên ở Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã chia sẻ góc nhìn về cách tiếp cận chuyện làm phim cho giới trẻ.


Thưa đạo diễn, hiện nay, có rất nhiều phim dành cho giới trẻ đồng loạt ra đời như Chit và Pi, Những thiên thần áo trắng, Nhật kí Vàng Anh... Theo ông, lý do gì khiến dòng phim này trở thành “hot” đối với các nhà làm phim?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Ảnh: VNE
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Thành công của mỗi bộ phim tỉ lệ thuận với lượng khán giả đón nhận. Dòng phim dành cho giới trẻ lại có ưu điểm là số lượng khán giả rất đông. Điều này đã thu hút các đơn vị quảng cáo để ý đến những bộ phim dành cho tuổi học trò. Thêm vào đó, kịch bản dòng phim này dễ được chấp nhận, nguồn cung diễn viên cũng dễ tìm... Những điều này đã trở thành động lực cho các đạo diễn đua nhau làm phim về thế giới học trò.

Tuy có nhiều lợi thế như vậy nhưng những phim dành cho tuổi teen vẫn có khá nhiều “sạn”. Ví dụ như lời thoại của nhân vật trong Những thiên thần áo trắng bị già hóa, Bóng ma học đường thì khá nhiều cảnh “lộ hàng”... Ông nghĩ gì về điều này?

Ở nước ta chưa có những khóa đào tạo, hay đơn giản là lớp học ngoại khóa về tuổi teen cho người làm truyền hình. Đạo diễn chưa có cơ sở khoa học để làm phim, mỗi người làm một kiểu theo cách nhìn riêng của họ.

Ở Mỹ, cảnh sát điều tra những vụ án tuổi teen bằng cách tập trung 4, 5 đứa trẻ để học về ngôn ngữ giao tiếp của chúng. Còn ở Việt Nam, chúng ta không có “nghề” nghiên cứu về tuổi teen dẫn đến việc ngay cả khái niệm “teen là gì?” cùng không mấy ai định nghĩa được. Không có cơ sở, phim sẽ không có định hướng rõ ràng, phản ánh không đúng bản chất sự việc.

Nhiều người cho rằng kịch bản mới chính là “mầm mống” của những “hạt sạn”, đạo diễn nghĩ sao?


Ý kiến này là có cơ sở bởi thực tế hiện nay cho thấy, bộ phim này chưa chiếu hết thì các nhà biên kịch lại bắt tay vào “cày” tiếp kịch bản khác để kiếm nhuận bút. Họ dành quá nhiều thời gian để ngồi viết dẫn đến căn bệnh lười thực tế, lười đọc sách.

Viết về lứa tuổi học trò, đâu phải tác phẩm nào cũng được đón nhận như những cuốn sách dành cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh. Không nắm rõ tâm lý tuổi teen thì khó lòng cho ra tác phẩm có “hồn” về lứa tuổi này. Nhiều tập mà không phản ánh đúng bản chất vấn đề thì đó chính là sự xơ xác về mặt trí tuệ!

Vậy theo ông, nên làm gì để khắc phục những điều trên?


Chúng ta cần những khóa học thực tế để tích lũy kinh nghiệm, cần một lớp nhà văn thức thời nghiêm túc tìm hiểu, nghiên cứu sâu về thế giới học trò.

Giới trẻ thay đổi từng ngày, nếu không để ý tìm hiểu thì một ông bố 35 tuổi cũng khó mà hiểu được tâm lý của cô con gái tuổi teen. Điều này cho thấy, đây là một vấn đề không hề đơn giản, chúng ta cần sự đầu tư về thời gian.

Đạo diễn khẳng định đây là một vấn đề khó, vậy ông đã bao giờ thử đi sâu tìm hiểu thế giới tuổi teen chưa?


Đương nhiên là có rồi! Tôi từng đóng giả là một anh chàng “teen boy” để chat cùng với các bạn trẻ trên mạng.

Trước đó, tôi bỏ khá nhiều thời gian để học cách nói chuyện của teen, học phong cách chat của teen... đại loại là cố gắng biến mình thành một “teen boy” chính hiệu. Vậy mà khi nói chuyện với các bạn trẻ, tôi vẫn thấy mình bị “hẫng”. Suy nghĩ của các bạn khác chúng tôi nhiều quá, khác cả những gì mà tôi đã tưởng tượng. Thật khó để nắm bắt tâm lý của lứa tuổi nhạy cảm này.

Ông có lời khuyên nào dành cho những người làm phim về lứa tuổi teen không?

Làm phim về đối tượng nào thì phải để họ tìm thấy hình ảnh mình trong đó. Đừng để “dân teen” cảm thấy buồn cười khi xem những bộ phim dành cho chính mình!

Xin cảm ơn ông!

  • Minh Hiền (Lớp CBC5D, Trường Cao đẳng  Phát thanh - Truyền hình)