Lần đầu tiên một buổi học thực địa tổ chức trong làng nghề Dĩnh Kế. Học sinh vừa thực hành môn công nghệ, vừa khám phá lịch sử làng nghề, lại được tự tay tráng, phơi, nướng, chế biến các món ăn từ bánh đa.

Học trường làng đến lớp bằng… ô tô

“Lần đầu tiên chúng em được đi học trên ô tô nên thích lắm. Sáng hôm đó, chúng em vẫn đến trường như thường lệ và sau đó được cô giáo báo là 9h sẽ lên ô tô xuống làng Dĩnh Kế học môn công nghệ. Trên đường đi, chúng em đã hát rất nhiều bài hát và quên hết mệt mỏi của cả tuần. Thích lắm!”, em Vũ Thị Thắm, học sinh lớp 8A trường THCS Hương Lạc (Lạng Giang, Bắc Giang) chia sẻ.

HS nghe giới thiệu về làng nghề Dĩnh Kế và đặc sản bánh đa Kế nổi tiếng
Với chủ đề buổi học là Chế biến món nướng, món xào của môn Công nghệ, BGH trường Hương Lạc đã quyết định gắn nó với món bánh đa Kế truyền thống của Bắc Giang để tổ chức buổi học thực địa.

Bộ GD&ĐT đang có chủ trương chuẩn bị xây dựng bộ tài liệu dạy học thực địa cho học sinh phổ thông,. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Dự án THCS II- nơi có nhiều sáng kiến tham mưu có giá trị đã phổ biến áp dụng rộng rãi trong toàn ngành- được giao nghiên cứu, tập huấn và triển khai điểm đầu tiên việc hỗ trợ 16 trường THCS ở 9 tỉnh chuẩn bị kỹ càng thực hiện một số tiết học thực địa, bắt đầu từ tháng 11/2011. Trong đó, trường THCS Hương Lạc một trong số 16 trường thuộc dự án thực hiện tiết học thực địa.

Ngành GDDT đang tích cực triển khai nhiều việc rất hiệu quả nhằm đổi mới căn bản và toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI

20 học sinh đã cùng các thầy cô đã đến cơ sở sản xuất Hà Thi làng nghề truyền thống Dĩnh Kế để tìm hiểu về quy trình làm bánh đa Kế, từ đó biết thêm về lịch sử quê hương cũng như học cách làm món xào, món nướng từ sản phẩm bánh đa ướt, tạo hình theo ý tưởng của bản thân gắn vào một số môn học như toán, công nghệ, mỹ thuật…

Tại đây, bác Nguyễn Xuân Trường, chủ cơ sở sản xuất Hà Thi đã giới thiệu với các em về truyền thống làm nghề của gia đình cũng như của làng; những điều ít biết trong làm bánh đa và niềm tự hào khi bánh đa Kế của gia đình được ưa chuộng.

Với sự háo hức, tò mò, lạ lẫm, các em đã thử xay bột nước, tập tráng bánh, nướng bánh rồi đem bánh lên phơi.

Em Bùi Hoàng Nam chia sẻ: “Em thích ăn bánh đa từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên được biết và được thử làm trong từng công đoạn làm bánh. Được tự làm rất vui và em thấy khó nhất là công đoạn nướng để làm sao cho bánh vàng chín đều, không cháy cũng không bị cứng.”

HS Bùi Hoàng Nam tráng bánh đa
Một buổi học, rèn đủ kĩ năng quan sát, hợp tác, tư duy sáng tạo

Sau khi nghe các câu chuyện về làng nghề, về bánh đa Kế và thử làm sản phẩm, học sinh chia làm hai tổ thực hành chủ đề của bài học là chế biến món tôm cuốn bánh đa và bánh đa xào thịt. Ngay trong buổi học, học sinh được thưởng thức món ăn do chính tay mình chế biến.

Món bánh đa ướt xào thịt, được HS chế biến dựa trên ý tưởng Trái đất hòa bình, nhân loại nhiều màu da với mặt cười hạnh phúc

Không chỉ nghiệm thu sản phẩm, học sinh còn nghiệm thu bài học ngay tại cơ sở làm bánh. Rất nhiều em đã chọn cách tóm tắt những điều ghi nhận được bằng bản đồ tư duy.

Khi được hỏi tại sao sử dụng bản đồ tư duy viết thu hoạch, em Vũ Thị Thắm cho biết: “Không phải bạn nào lớp em cũng được tham gia buổi học thực địa này. Bởi vậy em muốn kể lại cho các bạn nghe câu chuyện thật đầy đủ, sống động. Dùng bản đồ tư duy sẽ giúp em không bị bỏ quên chi tiết nào, lại ngắn gọn, dễ nhìn. Em sẽ xin thêm hình ảnh do các thầy cô chụp lại để dán thêm vào bản đồ. Như vậy, các bạn ở nhà sẽ hình dung được cụ thể chúng em đã làm được gì, học được gì ở đây.”

Em Vũ Thị Thắm đang viết thu hoạch bằng bản đồ tư duy
Cô Nguyễn Thị Thành, Hiệu trưởng trường THCS Hương Lạc cho biết: Việc học sinh thực hành tại một cơ sở sản xuất giúp các em yêu lao động, rèn cùng lúc nhiều kĩ năng như quan sát, tư duy sáng tạo, hợp tác nhóm và thực hành. Đồng thời giáo dục ý thức tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như tình yêu, niềm tự hào về nghề truyền thống của quê hương.

Nhận xét về buổi học thực địa này, ông Đặng Thiều Quang, phó Phòng GD huyện Lạng Giang cho biết: Buổi học cho thấy nhu cầu học thực hành của học sinh có thực nhưng việc triển khai rộng có thể gặp một số khó khăn, cần được chuẩn bị kỹ trước mỗi tiết học..

Huyền My