Vào 15h chiều nay Thứ Hai (12/12), mời độc giả giao lưu trực tuyến với giáo sư thiên văn học Trịnh Xuân Thuận.

GS Trịnh Xuân Thuận đang trả lời thắc mắc của độc giả. Ảnh: Nguyễn Hoàng

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ THEO DÕI NỘI DUNG
BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ ĐẶT CÂU HỎI

Cách đây 2 năm, GS Trịnh Xuân Thuận là người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng cao quý Kalinga của UNESCO về Phổ biến khoa học năm 2009.

Sinh ra ở Hà Nội, lớn lên tại Sài Gòn, học phổ thông ở Đà Lạt rồi sang Thụy Sĩ du học, Trịnh Xuân Thuận phiêu du cuộc đời mình ở Pháp, rồi Mỹ. Năm 45 tuổi , ông trở về Việt Nam với vai trò là một công dân Mỹ trong phái đoàn của Tổng thống Pháp, Mitterand.

Không chỉ nổi tiếng là một nhà vật lý thiên văn có nhiều công trình nghiên cứu gây tiếng vang lớn, ông còn là người đưa thiên văn, một ngành khoa học cơ bản, trở nên gần gũi với mọi người.

Về Việt Nam vào những ngày tháng 12 này, GS Trịnh Xuân Thuận đã nói chuyện với các nhà khoa học, sinh viên và người quan tâm tại Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam, trường ĐH FPT, ĐH Khoa học Tự nhiên.

Bản 'quy đổi" lịch sử vụ trụ 14 tỷ năm thành 1 năm của ông trình bày ở trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Pháp khiến các khán giả vô cùng thích thú.
Những kiến giải của ông về "ngày tận thế", vật thể lạ UFO nay tương lai vũ trụ sẽ ra sao với các nhà khoa học ở Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều người trước những điều còn chưa rõ của khoa học.

Trước sinh viên ĐH FPT, ĐH Khoa học Tự nhiên...ông cũng mở lòng mình khi nói về cuộc sống riêng của bản thân, sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi về lĩnh vực mình đang nghiên cứu hay mối quan hệ giữa thiên văn với các tôn giáo.

Phần lớn cuộc đời sống ở xứ người, học tập rồi giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đại học hàng đầu Mỹ, xứ sở "lúc nào cũng nói đến chữ cạnh tranh", GS Thuận có nhiều chia sẻ với các học sinh, sinh viên trong sự nghiệp học hành, nghề nghiệp.

Sau ngày miền Nam được giải phóng, cha ông phải đi học tập cải tạo vì là chủ tịch Tối cao Pháp viện chế độ Sài Gòn. Ông đã viết thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng và sau đó người cha đã sang Pháp đoàn tụ cùng gia đình. Với vị GS xa quê hương nhiều năm này, sự gắn bó từ đời này sang đời khác rất được coi trọng, gìn giữ. Học hỏi, khảo cứu và giúp người là truyền thống quý báu nhất của dòng họ ông.

GS Thuận chiêm nghiệm thế giới theo triết lý Phật giáo nhưng với cái nhìn của nhà khoa học vật lý hiện đại.

Cũng như khoa học, Phật giáo là một phần đời sống của Trịnh Xuân Thuận. Với ông, con người cũng cần lòng  tin như cần  bánh mì, nước  và  không  khí. Cùng với Matthieu Ricard, một nhà  khoa học đã nghiên cứu các kinh sách Tây Tạng và  đã quy y theo đạo Phật, ông đã  viết một cuốn sách đối thoại về khoa học và  đạo Phật.

Hiện nay, ông cũng đang tìm hiểu thêm về Lão tử để soi rọi nó với đạo Phật, phát hiện thêm những chiều sâu mà mình chưa biết đến.

Và một điều thú vị khác, mải mê phiêu du với bầu trời và những hành tinh trên dải Ngân hà, cho tới năm 60 tuổi, người đàn ông tài hoa ấy mới bị “tiếng sét ái tình” tìm tới...

Mời bạn đọc BẤM VÀO ĐÂY để tham gia giao lưu.
  • VietNamNet