- Trao đổi với VietNamNet, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Bùi Anh Tuấn cho biết, Bộ đã trăn trở một năm nay để đưa ra dự kiến bỏ chấm chéo, thi cụm ở kì thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Áp dụng hình thức thi này học sinh sẽ bớt căng thẳng và việc giám sát sự cố cũng dễ dàng hơn.
- Xin Cục trưởng cho biết những lý do để Bộ GD-ĐT đi đến quyết định bỏ thi cụm chấm chéo?
Chúng tôi trăn trở từ hơn một năm nay để đi đến dự kiến bỏ chấm chéo, thi cụm và những điểm sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT 2012. Mục đích của việc sửa đổi nhằm tăng cường phân cấp quyền và trách nhiệm cho các Ban chỉ đạo thi cấp cơ sở.
Cục trưởng Bùi Anh Tuấn: "Chúng tôi đã trăn trở năm nay để đi đến quyết định bỏ thi cụm, chấm chéo" |
Mặt khác, cuộc vận động Hai không từ năm 2007 đến nay, về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra; công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT cũng cần được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới.
Trên cơ sở những thành tựu, những ưu điểm và cả những hạn chế, bất cập của công tác tổ chức thi những năm vừa qua, tham khảo ý kiến của các sở GDĐT, của các nhà trường, đội ngũ nhà giáo, các nhà khoa học và dư luận xã hội, Bộ GD-ĐT quyết định phương án điều chỉnh tổ chức thi tốt nghiệp THPT trong đó có việc giao quyền chủ động cho GĐ sở GD-ĐT các địa phương trong tổ chức coi thi, chấm thi thay vì quy định tô chức thi cụm, chấm chéo như trước đây.
Lý do nữa là chúng tôi muốn kì thi được diễn ra bình thường, không tạo tâm lý căng thẳng cho thí sinh. Hiện nay, tâm lí thí sinh và cả công tác tổ chức mỗi khi bước vào kì thi giống như "ra trận" ấy.
- Phải chăng việc thi cụm, chấm chéo trong những năm qua đã bộc lộ những hạn chế? Ông có thể khái quát mặt chưa được của việc áp dụng phương thức thi này trong thực tế?
Thực tế tổ chức thi cụm, chấm chéo năm 2009 cho thấy, đối với các địa phương vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chia cắt, giao thông không thuận tiện. Hoặc các tỉnh miền núi, đông học sinh dân tộc, điều kiện kinh tế hạn hẹp, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn thì việc tổ chức thi cụm gặp quá nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, còn có biểu hiện chấm chặt dẫn đến những thắc mắc của địa phương có bài thi được chấm như đối với bài thi môn Ngữ văn ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ.
Năm 2010 cũng đã có một số điều chỉnh nhằm hạn chế xu hướng chấm không đúng đáp án, biểu điểm hoặc chấm không đều tay giữa các giám khảo.
Chủ trương giao quyền tự lựa chọn phương án tổ chức coi thi đã thực hiện từ kỳ thi năm 2010 tiếp tục được thực hiện trong kỳ thi năm 2011 nhằm đảm bảo cho thí sinh không phải bỏ thi vì phải di chuyển quá xa khi đi thi. Từ kỳ thi năm 2012 Bộ giao cho GĐ sở GD-ĐT các địa phương chủ động xây dựng và thực hiện phương án tổ chức coi thi phù hợp với điều kiện và năng lực tổ chức của địa phương. Đây là những bước đi hợp lý trong lộ trình đổi mới thi đảm bảo sát thực tế và có tính khả thi, gắn kết trách nhiệm của các địa phương đơn vị trong toàn bộ quy trình tổ chức thi.
Tương tự như thế là những điều chỉnh trong khâu chấm thi theo hướng: Thay việc tổ chức chấm chéo bài thi tự luận giữa các địa phương trên phạm vi toàn quốc bằng việc tổ chức để đảm bảo chấm chéo bài thi tự luận theo cụm trường trong nội bộ tỉnh/thành phố.
Tăng trách nhiệm cho lãnh đạo sở
Xuyên suốt các điểm sửa đổi, bổ sung dự thảo công bố, Bộ GD-ĐT giao tự chủ
cho các Sở GD-ĐT rất mạnh. Những lý do nào để Bộ chuyển hướng giao tự chủ cho
các địa phương trong việc tổ chức thi?
Lý do căn bản của những điều chỉnh chính là quán triệt thực hiện chủ trương phân
cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo tinh thần
của Nghị định 115. Giao chủ động cho địa phương có nghĩa là giao trách nhiệm cao
hơn cho người đứng đầu ngành GD-ĐT các tỉnh thành đối với yêu cầu tổ chức thi
nghiêm túc theo hướng "dạy thật, học thật, thi thật để có chất lượng thật"...
Đồng thời với việc giao quyền chủ động nhiều hơn cho cơ quan quản lý giáo dục các địa phương là việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ, của Ban chỉ đạo thi phổ thông Trung ương trên cơ sở hoàn thiện mối quan hệ giữa Ban chỉ đạo thi phổ thông Trung ương, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, các Hội đồng coi thi, chấm thi, phúc khảo và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo thi các cấp.
Do đó, có thể khẳng định, thực hiện phân cấp mạnh cho các sở GDĐT cũng chính là tăng cường quản lý nhà nước của Bộ GDĐT, tạo tiền đề vững chắc để từng bước đổi mới công tác tổ chức thi theo yêu cầu “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”.
- Nhiều ý kiến băn khoăn, khi Bộ giao toàn quyền cho các sở tổ chức kì thi tốt nghiệp thì vai trò của Bộ trong việc giám sát để kỳ thi sẽ như thế nào?
Khi phân cấp bao giờ cũng gắn liền với tăng cường trách nhiệm. Và đổi mới thi năm nay sẽ theo hướng đó để khi có vấn đề xảy ra phải có người quy trách nhiệm cụ thể. Tránh tình trạng có sự cố xảy ra những không biết quy trách nhiệm cho ai.
Khi quy chế ban hành, khâu thanh tra kì thi cũng giao cho sở GD - ĐT thành lập và quyết định. Nếu thấy lực lượng thanh tra mỏng lãnh đạo sở có thể huy động lực lượng thanh tra từ các trường ĐH. Bộ không can thiệp. Điều này đồng nghĩa, đội ngũ thanh tra ủy quyền trong kì thi năm 2012 cũng không còn.
Tuy nhiên, tinh thần giao tự chủ cho địa phương là "giao chứ không buông". Bộ vẫn quản lí, giám sát và thanh tra đột xuất những điểm nóng. Đề thi tốt nghiệp Bộ ra.
Với những tỉnh có kết quả thi cao sẽ có kiểm tra, chấm thẩm định lại.
Ngoài ra, điểm mới nữa của kì thi năm 2012 là Bộ sẽ huy động lực lượng xã hội cùng giám sát. Trong đó đề cao vai trò phát hiện của báo chí giúp kì thi nghiêm túc, công bằng.
Sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp cho dự thảo, Bộ sẽ hoàn thiện bổ sung để ban hành quy chế thi tốt nghiệp trong tháng 12.
- Cảm ơn ông!
- Kiều Oanh (thực hiện)
Cục trưởng Bùi Anh Tuấn cho biết: Dự thảo Thông tư sửa
đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành có các quy định mới; theo đó,
Giám đốc (GĐ) sở GD-ĐT các địa phương được giao quyền chủ động nhiều hơn trong
các khâu của quy trình tổ chức thi. Cụ thể:
- Xây dựng và thực hiện phương án tổ chức coi thi phù hợp với điều kiện và năng lực tổ chức của địa phương, đơn vị; - Tổ chức chấm chéo bài thi tự luận giữa các trường phổ thông trong tỉnh, thành phố, đảm bảo giáo viên không chấm bài thi tự luận của học sinh trường phổ thông mà mình giảng dạy; - Xây dựng và thực hiện phương án thanh tra, giám sát đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi; trong một số trường hợp cần thiết, có thể huy động lực lượng thanh tra của các trường ĐH, CĐ, THCN ngay trên địa bàn tổ chức thi. |