Từ những hướng dẫn gần gũi, có tính gợi mở, bằng phép “tư duy ngược”, học sinh Việt đã sáng tạo nhiều cách học, cách chơi khiến thầy cô cũng phải giật mình.

Trò vượt… thầy

Trong một hội thi sáng tạo tại Hải Phòng, các em học sinh THCS đã tổ chức trò chơi nhìn nhánh bản đồ tư duy (BĐTD) để đoán chủ đề. Vận dụng kĩ năng đã học, trên cơ sở tư duy ngược, các em đã tạo ra những BĐTD hai chiều khiến thầy cô đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nhiều thầy ngồi dưới tự nhận, dù là người hướng dẫn học sinh cách tạo lập BĐTD nhưng lại đoán sai chủ đề trong trò chơi theo cách tư duy hai chiều của các em.

Học sinh trường Nguyễn Thiện Thuật, Khoái Châu, Hưng Yên sinh hoạt tại góc công viên văn hóa thu nhỏ trong trường
Tại trường THCS Nguyễn Thiện Thuật, Khoái Châu, Hưng Yên, có một góc mà các nhà giáo dục ghé thăm thường ví von như một công viên văn hóa thu nhỏ. Đó là nơi học sinh có thể phát huy tính sáng tạo thẩm mỹ, nơi vui chơi giảm stress, nơi thầy và trò sinh hoạt tập thể để gần gũi và hiểu nhau hơn. Khuôn viên đặc biệt này do chính giáo viên mỹ thuật của trường thiết kế, thầy cô trong trường tự làm và được học sinh thường xuyên chăm sóc.

Tới thăm trường THCS Nam Trung Yên, Hà Nội, đoàn đại biểu của ngân hàng phát triển châu Á ADB - đơn vị hỗ trợ tài chính cho Dự án Phát triển Giáo dục THCS II đã rất ấn tượng với việc vận dụng linh hoạt các phương pháp giáo dục tiên tiến để giảm tải quản lý và giảm gánh nặng dạy và học của thầy và trò nơi đây. Tư duy của học sinh sáng sủa, rành mạch còn giáo viên rất biết việc, luôn hướng đến tìm tòi cái mới để rèn luyện học sinh toàn diện, xây dựng nếp văn hóa xin lỗi/cảm ơn.

Dù là ngôi trường miền núi chỉ có 5 phòng học nhưng trường THCS Hương Lạc, Lạng Giang, Bắc Giang vẫn cố gắng làm một sân bóng chuyền cho học sinh
Đó chỉ là ba trong số rất nhiều điểm sáng của phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Cuộc vận động sáng tạo trong giáo dục đã mang lại những hiệu quả nhất định khi đi vào cuộc sống, gắn liền với thực tiễn hơn từ chủ trương, chính sách, chỉ đạo, tài liệu giáo dục đến cách làm cụ thể của thầy và trò.

Như một nhà giáo dục đã nhận xét, nếu vài năm trước, các trường còn có những báo cáo chung chung lúc nào cũng đúng thì hiện tại đã có những báo cáo cụ thể nêu được những việc đã làm, cần làm và có những hoạt động sáng tạo. Các trường cũng không còn đề nghị hỗ trợ thuần về vật chất mà mong muốn được hỗ trợ về phương pháp, tư liệu… để thực hiện đổi mới.

Hiệu trưởng - người truyền lửa

Nhiều người vẫn còn truyền nhau câu chuyện truyền kì về PGS Vũ Dương Thụy, hiệu trưởng trường phổ thông Hoàng Diệu (Hà Nội). Chuyện là khi mới thành lập trường, ông hiệu trưởng giật mình trước cảnh học sinh chẳng chịu chào hỏi trong trường. Với bộ đồ trang trọng nhất ngày ngày ông đứng ở cổng trường chào từng học sinh khi các em đến trường. Được thầy hiệu trưởng chào, học sinh đều phải đáp lại. Ròng rã như thế ba tháng cuối cùng học sinh đã quen với nếp chào hỏi trong trường.

Là một ngôi trường mới thành lập chỉ 3 năm nhưng cô hiệu trưởng Đặng Thị Kim Thoa đã đưa trường THCS Nam Trung Yên trở thành một điển hình về thành công trong việc giảm nhẹ gánh nặng quản lý cũng như việc dạy và học. Cô Mai Thùy Linh, giáo viên môn của trường chia sẻ: “Cô hiệu trưởng đã đặt ra những yêu cầu rất khắt khe, buộc từng giáo viên trong trường phải ra sức động não, làm một cái gì đó khác mọi người và không lặp lại chính mình. Bản thân cô hiệu trưởng cũng là một người vô cùng sáng tạo. Cô chính là người truyền lửa, tiếp sức giúp giáo viên trong trường luôn tích cực, đổi mới.”

Cô Đặng Thị Kim Thoa, hiệu trưởng trường THCS Nam Trung Yên, Hà Nội
Theo kinh nghiệm của TS Trần Đình Châu (Vụ trưởng - Giám đốc Dự án Phát triển THCS II), tại những trường mà người đứng đầu dẫn dắt có ý thực học hỏi, sáng tạo và mong muốn đổi mới, bộ mặt nhà trường có sự thay đổi rõ rệt. Ngôi trường khang trang hơn, không khí làm việc, phong trào sáng tạo sôi nổi hơn còn học sinh thì năng động và tích cực hơn hẳn. Bởi vậy, ông vô cùng ấn tượng với một vị hiệu trưởng mà cuối tháng 11 vừa qua đến tuổi về hưu nhưng đầu tháng vẫn mời các chuyên gia về hướng dẫn phương pháp dạy học tích cực cho trường.

“Những năm gần đây, sự thay đổi dễ nhận thấy khi không chỉ hiệu trưởng mà đội ngũ quản lý, các giáo viên cũng rất tích cực và nhiệt tình tham gia vào phong trào thi đua ,, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực... Tại những vùng khó khăn của Lào Cai, Tuyên Quang, Nghệ An, Bình Phước, Gia Lai, Đăc Lăc,Lâm Đồng, Cà Mau…, các thầy cô nêu rất rõ ràng, mạch lạc về các phương pháp dạy học tích cực và năng nổ, sáng tạo, chung sức xây dựng nhà trường. Điều này cho thấy, chủ trương của Bộ Giáo dục đã về tận các cấp cơ sở. Tuy vẫn còn một vài tồn tại nhưng tinh thần của các thầy cô rất đáng biểu dương. Việc cần làm trước mắt là làm sao rèn cho học sinh ý chí vượt khó vươn lên và ý thức tự lập, tự chủ”, TS Trần Đình Châu nhấn mạnh.

  • Huyền My